Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    “Người Việt nói tiếng Việt, viết chữ Việt”

    avatar
    congdantoancau

    Tổng số bài gửi : 633
    Tiền xu Ⓑ : 1732
    Được cảm ơn № : 27
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 12/05/2014

    “Người Việt nói tiếng Việt, viết chữ Việt” Empty “Người Việt nói tiếng Việt, viết chữ Việt”

    Bài gửi by congdantoancau 6th September 2014, 17:56

    1.Vừa qua, PGS-TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình có bài viết: “Tệ sùng bái chữ Hán: Không đọc được, không hiểu được thì viết làm gì?!”.

    Nhà ngôn ngữ học phân tích, vì nhiều lý do, Việt Nam đã tiếp nhận, sử dụng và chịu ảnh hưởng rất nhiều văn hóa Hán học trong một thời gian dài, các triều đại nhà nước phong kiến nước ta sử dụng chữ Hán là “quốc tự”.

    Sau đó, chữ Latin dần thay thế chữ Hán, sự thay thế này không phải không có “xung đột”. Đã có thời kỳ, dưới thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam đã tồn tại hiện tượng tam ngữ bất bình đẳng (chữ Pháp trong hệ thống hành chính nhà nước, chữ Hán trong tầng lớp nhà Nho, chữ quốc ngữ trong dân chúng). Nhưng dần dần, chữ quốc ngữ đã vượt lên và khẳng định vững chắc vị thế “độc tôn” không thể thay thế trong đời sống, văn hóa người Việt.

    Nhưng đáng buồn, hiện nay, những ngôi chùa, lăng tẩm, các nhà thờ họ tộc dù mới xây dựng đều ghi chữ Hán. Nhà ngôn ngữ học kiến nghị, với các công trình làm mới thì không nên “cổ hóa” bằng chữ Hán, mà thay bằng chữ Việt.

    Và nhà ngôn ngữ học cũng lường trước: “Ý kiến này của tôi chắc sẽ có nhiều người không đồng tình, thậm chí phản đối, cho là tôi nhân danh chữ Việt mà cố “lên gân”. Nhưng ông vẫn khẳng định “Người Việt nói tiếng Việt, viết chữ Việt. Đó là cách tốt nhất để bảo tồn văn hóa Việt”.

    2. Tuy nhiên, tôi cho rằng đã đến lúc ý kiến này phải được nghiêm túc xem xét. Nếu suy nghĩ thật rộng, trong thời đại mới, sự ảnh hưởng của chữ Hán trong văn hóa Việt giờ không còn như trước. Hãy trả nó về vị trí là một ngoại ngữ, không hơn không kém, như tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức…. .Đó mới là vị trí của chữ Hán hiện nay.

    Đã có bài học về việc “thiếu hiểu biết” chữ Hán này. Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều đèn lồng có chữ Tam Sa và Nam Sa (bằng tiếng Trung) được tuồn vào Việt Nam. Một số người dân mua đèn về treo, và cái gọi là “thành phố Tam Sa” xuất hiện công khai tại Việt Nam.
    Nhưng có điều đáng mừng, khi biết những chữ nước ngoài đó là “Tam Sa” hay “Nam Sa” thì dân mình tự ý tháo bỏ, tiêu hủy. Điều đó thể hiện tính tự tôn dân tộc nhằm khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Như nhà ngôn ngữ học nổi tiếng W. Humboldt nói: "Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc và linh hồn của dân tộc chính là ngôn ngữ”.

    3. Có lẽ chúng ta chưa quen với những ngôi chùa viết chữ quốc ngữ, nhìn nó có vẻ thiếu cổ kính. Nhưng hẳn chúng ta nhiều người chưa biết, những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa đều được xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian hai chái, hay ba gian hai chái, mái cong với những đầu đao. Một trong những điều làm Phật tử và tất cả những người đến những ngôi chùa đều vô cùng ngưỡng mộ là các hoành phi, câu đối đều bằng chữ quốc ngữ.
    Câu đối ở chùa Trường Sa Lớn: "Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ". Tại chùa trên đảo Sinh Tồn: "Cá đọc kệ được thành tiên/Rồng nghe kinh mà mộ đạo". Ở chùa Song Tử Tây có câu đối: "Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh".


    Những câu đối ngắn gọn, thuần Việt vừa nói lên sức cảm hóa to lớn của đạo Phật, vừa khẳng định được chủ quyền của Tổ quốc ta đã có tự ngàn xưa trên mảnh đất nơi tiền tiêu hải đảo.
    Vậy nên, theo tôi, trong những công trình mới xây, xin đừng ghi ngoại ngữ nữa.

    Nguyễn Gia
    Thể thao & Văn hóa

    Thethaovanhoa.vn


      Hôm nay: 22nd November 2024, 16:21