Tham Luận
“Giao Thoa Ngôn Ngữ Việt-Anh Và Thực Chất Vấn Đề Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt”
của ThS Hoàng Hữu Phước
tại Hội Thảo Khoa Học Toàn Quốc
“Phát Triển và Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt Trong Thời Kỳ Hội Nhập Quốc Tế Hiện Nay”
do Trường Đại Học Sài Gòn và Trường Đại Học Ngoại Ngữ và Tin Học tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/6/2010.
Tóm Tắt Nội Dung
“Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt” là một vấn đề mang tính quan điểm được nói đến nhiều thời gian dài. Song, hoàn cảnh mới khiến nhất thiết phải có những phân tích mới, nhận định và nhận diện mới trên nền ngôn ngữ học trong môi trường giao thoa văn hóa và toàn cầu hóa.Từ các nội dung chuyên biệt của bộ môn Lexicology tiếng Anh, tham luận này nhằm phân tích có so sánh để nhận diện tiếng Việt như một ngôn ngữ sống với đầy đủ các thành tố của sự bền vững, đào thải, cộng sinh, cộng hưởng, đa dạng thức, đa sắc màu, và phát triển. Với thực tế tiếng Việt còn non trẻ cộng với thực tế chiến tranh đã không cho phép có sự phát triển bài bản, tham luận đồng thời đề xuất hai chuẩn mực về phong cách formal như trong các ngôn ngữ khác và tái lậpdấu gạch nối thuần Việt như biện pháp khả thi, khả dụng, định vị sự trong sáng của tiếng Việt.
Cuối cùng, truyền thông đại chúng giữ vai trò quyết định trong sự thành công của sự giữ gìn này.
Summary
The preservation of the clarity and the adaptability of the Vietnamese language has been a point of perspectival concept for years. However, new situations ignite the need for new and appropriate analysis, evaluation, and definition of that phrasing on the basis of linguistics and within a cross-culture and globalized environmental perspective.With reference to the specific contents and scopes of study of English Lexicology, the essay is to analyze then shed lights to the acknowledgement of Vietnamese as a “living language” with full constituent elements of say stability, up-gradation, degradation, co-existence, assimilation, variety, and development. Set in view of the fact that the present-day Vietnamese language has been used only from the end of the Nineteenth century and the country immersed in wars until its reunification in end April 1975 with no scopes for proper lingual study and development, the essay further provides two proposals of (a) the application offormal and informal usage, and (b) the re-application of the Viet-styled hyphen, considering these among the best possible and feasible tools of positioning the clarity of Vietnamese.
Last but not least, the mass media is considered to play the decisive role in the success of the effort for the above-mentioned “preservation”.
I. Dẫn Nhập: Bản Chất của Bản Sắc
Bản sắc là những tính chất mang nét đặc trưng, và khi nói đến thời đại toàn cầu hóa, bản sắc dân tộc tức National Identity được đưa lên hàng đầu của tất cả các sự quan tâm và quan ngại, tình thế trước là khi muốn khai thác cái ưu việt, trong khi tình huống sau là do nguy cơ đánh mất bản sắc từ những lấn lướt mang yếu tố ngoại lai. Nếu bản sắc dân tộc bao gồm – song không chỉ giới hạn bởi – các yếu tố lịch sử, văn hóa, chính trị, tập tục, tư tưởng, v.v., mang tính kế thừa truyền thống và/hay đương đại qua thẩm thấu có hay không có chọn lọc, thì ngôn ngữ được sử dụng trên nền và thể hiện rõ nét nhất cái bản sắc ấy. Nét nổi bật nhất của bản sắc dân tộc Việt Nam hay được đề cập đến là sự cởi mở, thân thiện, yêu chuộng hòa bình, ham học hỏi, cần cù lao động, không cực đoan, và ý nhị thâm thúy; trong khi bản chất xã hội của ngôn ngữ luôn là yếu tố quan trọng định tính, định lượng và định vị chính ngôn ngữ ấy trong tiến trình phát triển và giao thoa ngôn ngữ và văn hóa. Do đó, bản chất của bản sắc văn hóa dân tộc của ngôn ngữ tiếng Việt là nhằm nêu bật các nét đặc trưng; trong đó, nói về sự giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt qua nhóm từ tiếng Anh hay được dùng tại Việt Nam là “the preservation of the clarity and the purity of the Vietnamese” sẽ lệch tâm vì “purity” hướng đến sự “thuần khiết” hay “thuần Việt” vốn không là bản chất của bản sắc Việt và trái ngược với tiến trình giao thoa ngôn ngữ và văn hóa không thể đão ngược của xu thế toàn cầu hóa mà Việt Nam với bản sắc dân tộc đặc thù hoàn toàn tương thích và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị mà sức sống mới của tiếng Việt có thể truyền tải được.
II. Giao Thoa Ngôn Ngữ Việt – Anh
Không nhất thiết phải đợi đến khi phát sinh khái niệm lẫn thực tiễn về toàn cầu hóa mới có các nhận diện về sự giao thoa của các nền văn hóa và các ngôn ngữ. Những nghiên cứu về ngôn ngữ Anh của các tác giả như Felix Franke, E. Th. True, và Otto Jespersen (1897) hay Bloomfield (1914), v.v., cho thấy mức độ tiếp nhận hàng chục ngàn từ ngữ từ 46 nhóm ngôn ngữ khác trên thế giới vào tiếng Anh, như một khẳng định không phải duy chỉ sự xâm chiếm thuộc địa mà còn phải tính đến sự phát triển của ngôn ngữ đã như tàng cây tự thân ngày càng mạnh khỏe sống động thành một thứ “sinh ngữ” – theo nghĩa đen – vươn ra bao trùm tất cả. Tương tự, các nghiên cứu về Tiếng Việt cũng cho thấy cơ sở hình thành của chính lớp từ thuần Việt cũng đến từ các gốc Nam Á và Tày Thái, chứng minh đã có những tương ứng và quan hệ phức tạp trong nhiều bộ phận hay nhiều nhóm ngay của lớp từ thuần Việt với nhiều ngôn ngữ hoặc nhóm ngôn ngữ trong vùng, như Mường, Tày Thái, Bru-Vân Kiều, Non-Khmer, và Indonesia, v.v. (Chữ, Nghiệu, và Phiến. 1997). Ngoài ra, một bộ phận quan trọng các từ ngữ gốc Ấn-Âu du nhập vào Tiếng Việt thành từ ngoại lai khi Việt Nam bị Pháp chiếm đóng, sau đó là tiếng Anh và tiếng Nga cùng nhiều xuất xứ khác đã được dùng rộng rãi như trong các lĩnh vực thực phẩm, y học, trang phục, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, và kỹ thuật; đặc biệt, trong tất cả các ngôn ngữ có sự giao thoa với tiếng Việt, tiếng Anh tuy có sự thâm nhập trễ hơn, ít hơn, nhưng lấn át hơn về truyền thông đại chúng nhất là trong thời hiện đại của kỹ thuật số và phát triển công nghệ thông tin. Trên cơ sở thực tế ở Việt Nam tiếng Anh đã và đang trở thành ngoại ngữ của đa số người dân, sự nghiên cứu sâu về ngữ pháp tiếng Anh cũng sẽ có giá trị trong tương quan so sánh, phát hiện tương đồng, tận dụng bổ sung các khiếm khuyết, để hoàn thiện hệ thống ngữ pháp tiếng Việt.
III. Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt
A) Luận Về “Sự Trong Sáng”
Trước khi nói đến “sự trong sáng” của Tiếng Việt, nhất thiết phải xác định tài sản của Tiếng Việt cả hiện hữu nội tại và tiềm tàng vun quén, chẳng hạn bao gồm – song không chỉ giới hạn bởi – cấu tạo từ, nghĩa từ, cụm từ, quan hệ đồng âm/đồng nghĩa/trái nghĩa, biến đổi từ vựng trong triệt tiêu/thêm mới/tăng nghĩa, từ cổ, từ du nhập gốc Hán/Ấn-Âu so với từ thuần Việt, thuật ngữ, phương ngữ, từ nghiệp vụ, từ lóng, từ mới, từ văn khẩu ngữ, từ văn viết (Chữ, Nghiệu, và Phiến, 1997), cả ngôn ngữ cử chỉ và cú pháp (Bloomfield, 1914, 4, 167). Như vậy, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt đồng nghĩa với việc giữ gìn toàn bộ những gì thuộc tài sản kho tàng Tiếng Việt cùng với khả năng phát triển luôn đi kèm các yếu tố sinh lợi cũng như đào thải của một ngôn ngữ đang sống và đang được đầu tư nghiêm túc để sống mạnh và lan tỏa, chứ không phải chỉ là việc máy móc giáo điều tập trung duy chỉ vào từ thuần Việt vốn tự thân không hình thành ngôn ngữ Việt. Thêm vào đó, sự trong sáng của Tiếng Việt không có nghĩa là phải cố gắng vận dụng từ Tiếng Việt trong những trường hợp không cần thiết, thậm chí tầm thường hóa Tiếng Việt, xóa nhòa ranh giới formal/informal, tức văn bác học/bình dân, hay văn viết/văn nói vốn luôn luôn có ở bất kỳ ngôn ngữ “sống” nào trên thế giới.
Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong một chừng mực mang tính ngôn ngữ học đầy đủ nhất, do vậy, còn có nghĩa đón nhận có chọn lọc những từ nước ngoài sẵn có đưa vào vận dụng làm giàu kho tàng từ vựng nước nhà.
B) Các Xâm Hại Kho Tàng Ngôn Ngữ Việt
1- Vấn Nạn “Bế Quan”
Do những tác động của lịch sử, tiếng Việt được hình thành không trên cơ sở sau đó có được đủ các nghiên cứu hàn lâm với các nghiên cứu do các học giả Pháp thực hiện từ xưa không nhằm phục vụ người Việt, và do các trường đại học Việt Nam hiện nay xây dựng qua các giáo trình không nhằm phục vụ nền giáo dục nói chung của Việt Nam mà riêng dành cho phân khoa ngôn ngữ hay xuất bản dành cho số ít các độc giả tự do. Tất cả tạo nên cách ứng xử không có cơ sở khoa học đối với những khía cạnh khác nhau của ngôn từ, chẳng hạn qua việc cho phép sử dụng tiếp tục tên Hán Việt của chỉ một số quốc gia, chấm dứt sử dụng tên Hán Việt của số còn lại (Bảng 1)
Đối nghịch với cách hoặc tiếp tục dùng từ Hán Việt sẵn có từ xưa hoặc kiểu Việt Hóa phiên âm để gọi tên các quốc gia, còn có loại dịch thuật Pháp-Việt hoặc Anh-Việt, điển hình là nước Bờ Biển Ngà, vốn được đặt theo nghĩa dịch thuật sát từng từ một của tên Ivory Coast của tiếng Anh hay Côte D’Ivoire của Pháp ngữ.
Ngoài ra, đã có sự buông lơi trong chuẩn mực ngôn ngữ khiến không còn sự phân định minh bạch giữa từ ngữ formal với informal và sự tự do sử dụng tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng với những từ lóng thuần Việt như “dế” (điện thoại di động) hoặc từ lóng tiếng Anh như “cool” và “hot”, v.v.
3- Tình Trạng “Trộn Lẫn”
Với những thí dụ chỉ riêng tên các quốc gia thì việc bỏ những từ Hán Việt đã làm vơi đi kho tàng từ ngữ tiếng Việt trong khi việc chế ra các tên theo kiểu Việt hóa phiên âm lại không làm giàu thêm kho tàng từ vựng đó. Cùng với kiểu dịch thuật – vốn tối kỵ theo văn hóa phương Tây đối với tên riêng – thì đã không có một phương pháp thống nhất trong gọi tên các quốc gia, khiến tiếng Việt yếu đi sức kết dính để có sự trong sáng của ngôn ngữ thông qua các công thức chính thức, chính quy, hợp lý, và hiệu quả.
C) Những Biện Pháp Làm Trong Sáng Ngôn Ngữ Việt
1- Hoàn Thiện Từ Vựng Học Tiếng Việt Theo Bài Bản Lexicology Tiếng Anh
Trong khi bộ môn từ vựng học tiếng Việt đã được xây dựng tại một số trường đại học ở Việt Nam, các công trình hoặc giáo trình vẫn mang nặng tính chuyên biệt, riêng biệt, và theo định hướng thuần túy hàn lâm kiểu các công trình nghiên cứu ngôn ngữ đặc thù do các nhà ngôn ngữ học trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản là các nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học nhằm chuyên sâu một khía cạnh nhỏ của những vấn đề ngôn ngữ nhằm xây dựng hệ thống lý thuyết mới để diễn giải một mô hình nhận diện mới cho những thực thể ngôn ngữ ; trong khi các tài liệu viết về từ vựng học ở Việt Nam đa số dựa theo các chuẩn nội dung của từ vựng học tiếng Anh để nghiên cứu tiếng Việt theo đúng từng mặt một, như định nghĩa từ, cách tạo lập từ, ngữ nghĩa của từ, các dạng thái đồng âm/đồng nghĩa/trái nghĩa của từ, từ vay mượn, vấn đề biến đổi hình thức và ngữ nghĩa của từ, các nhóm từ tượng thanh/tượng hình, v.v., và có thêm vài chuẩn đặc trưng của tiếng Việt như từ láy, thậm chí cả tu từ. Vấn đề tồn tại là các tài liệu đều dàn trải với rất nhiều chi tiết minh họa nhưng vẫn còn khoảng cách xa với sự phong phú vì thiếu tính hệ thống khoa học, hệ thống lý thuyết, và hệ thống các công thức áp dụng. Ngoài ra, sự trong sáng của tiếng Việt khó thể được bảo vệ nếu những nội dung này không được (a) viết lại dựa trên hệ thống mạch lạc của từ vựng học tiếng Anh và (b) phổ cập trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Việc dựa theo nội dung của từ vựng học tiếng Anh phát sinh từ thực tế việc biên soạn sách giáo khoa từ vựng học chưa là thế mạnh kinh nghiệm của các học giả Việt Nam, đồng thời sự tương đồng ở đa số các hiện tượng ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Anh còn giúp người Việt nắm vững tiếng Việt hơn, sử dụng tiếng Việt bài bản hơn, và củng cố thay vì quên tiếng Việt qua quá trình học tập tiếng Anh.
2- Hoàn Thiện Ngữ Pháp Tiếng Việt Theo Bài Bản Ngữ Pháp Tiếng Anh
Tương tự, ngữ pháp tiếng Anh cũng nên được dùng làm chuẩn để biên soạn mới ngữ pháp tiếng Việt. Câu sau đây của tiếng Việt sẽ sai khi phân tích theo ngữ pháp tiếng Anh, và do đó người Việt hay viết tiếng Anh sai còn người nước ngoài học tiếng Việt lại cho rằng tiếng Việt không phân định rõ mệnh đề chính-phụ:
“Cho dù nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng khá cao, trung bình 7,56% từ năm 1991 đến năm 2008, nhưng ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị xem lại chất lượng và mô hình tăng trưởng.”(Mạnh Quân, 2010).
Phân tích theo tiếng Anh cho thấy mệnh đề từ “cho dù” đến “năm 2008” là mệnh đề adverbial clause of concession bổ nghĩa cho mệnh đề chính theo sau nó để hình thành một câu phức tạp; nhưng mệnh đề theo sau lại bắt đầu bằng liên từ “nhưng” nên lại là mệnh đề độc lập cần thiết để tạo nên một câu kép. Như vậy toàn câu tiếng Việt trên sai văn phạm tiếng Anh, và người Việt học ngữ pháp tiếng Anh sẽ quen viết hoặc nói câu tiếng Việt trên không có chữ “nhưng”, khiến câu tiếng Việt trở nên đúng tiếng Việt hơn, chuyên nghiệp hơn trên bình diện ngữ pháp học của ngay cả tiếng Việt.
Việc người Việt không viết hay nói tiếng Việt đúng ngữ pháp là do sách giáo khoa về ngữ pháp tiếng Việt đã không được soạn theo một cơ sở tương đồng với hoặc như các ngôn ngữ khác. Việc chọn hệ thống ngữ pháp tiếng Anh làm cơ sở để thực hiện biên soạn đổi mới nội dung ngữ pháp tiếng Việt cũng có chung mục đích, hiệu quả và tiện dụng như đối với đề xuất về lexicology.
3- Xây Dựng Ranh Giới Formal & Informal
Hiện nay ranh giới giữa các hình thức formal/informal, tức văn bác học/bình dân, hay văn viết/văn nói, gần như không còn rõ nét, với sự sử dụng từ ngữ phi chuẩn như “găm hàng” vốn là từ lóng thiếu sự trong sáng tu từ lẫn từ vựng ngữ nghĩa hoặc từ văn nói bình dân ngay trong bản Dự Thảo Thông Tư của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Nghị Định số 170/2003/NĐ-CP của Chính Phủ về Pháp Lệnh Giá; hoặc từ “cú hích” không thuộc từ ngữ báo chí chuyên biệt trong bài viết nhận định về kinh tế (Tâm và Thuận, 2010). Khi không còn những lằn ranh nghiêm khắc và nghiêm túc này của ngôn ngữ, tiếng Việt sẽ không còn mạch lạc, thiếu hẳn sự bảo vệ tối cần thiết trên các tuyến giao thông từ vựng; chưa kể chính ranh giới này phân định rõ nét tính văn hóa đặc thù song tương đồng và tương thích với các ngôn ngữ khác trên đường hội nhập của Việt Nam và giao thoa văn hóa Việt Nam với văn hóa ngôn từ của các nền văn hóa khác.
4- Tái Lập Dấu Gạch Nối
a) Vấn Đề Lịch Sử:
Người dân Việt dù là bậc thức giả uyên thâm, hoặc hoài cổ, hoặc theo Tây học, hay là dân thường, đều xem việc chuộng dùng tiếng nước ngoài và nỗ lực của Nhà Nước trong giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là hai khía cạnh không hoàn toàn tách biệt mà thuộc một phạm trù cần có một giải pháp chung.
Khi nói về sự trong sáng của tiếng Việt, vấn đề không chỉ là phân tích đối với nội dung của yêu cầu trong sáng trong ngôn ngữ như kiểu “đèn nhà ai nấy rạng” vì việc “cõng cái chữ lên ngàn, vác cái chữ ra nương” là chuyện bình thường trong xóa nạn mù chữ cho người dân chứ không là một kỳ công. Duy chỉ có việc làm cho tiếng Việt được hệ thống hóa chặt chẽ, khoa học, rõ ràng, phân minh, và phổ cập, theo cách tận dụng và vận dụng những công cụ ngôn ngữ chữ viết đã có vào thực tế áp dụng và sử dụng. Và “dấu gạch nối” vốn đã bị ngưng sử dụng ngay sau ngày 30/4/1975 chính là căn bản mang tính giềng mối vững chắc của ngôn ngữ Việt, hoàn toàn thích hợp đối với yêu cầu nhận diện ngôn từ của các tiện nghi điện tử kỹ thuật số ngày nay. Dấu gạch nối này hoàn toàn khác với dấu sử dụng như trong cụm từ “Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu”, mà tên gọi nên là “dấu liên kết” hoặc một tên gọi nào khác để không lẫn với “dấu gạch nối” của tiếng Việt trước 1975.
b) Giá Trị Thời Đại:
Dấu gạch nối đặc biệt giữ cho tiếng Việt được trong sáng đó là dấu nối các chữ của cùng một từ lại với nhau. Do đặc điểm của tiếng Tây là đa âm và tiếng Việt là đơn âm, dấu gạch nối trở thành công cụ biến tiếng Việt dễ được nhận diện ngang hàng với tiếng Anh hay Pháp, v.v. (Bảng 3).
Máy dịch qua công cụ dấu gạch nối có thể nhận diện ngay “anh-hùng” là một từ duy nhất của tiếng Việt cũng như nhận diện ngay “counterrevolutionary” là một từ duy nhất khác của tiếng Anh. Nhưng nếu là “anh hùng” thì đương nhiên máy dịch sẽ trước hết xem đó là một cụm gồm hai từ riêng rẻ rồi võ đoán cho ra bao điều khiến nhiễu thông tin (Bảng 4).
Đó là chưa kể tên của người Việt đã không còn thuận lợi khi chuyển sang tiếng Anh: thí dụ đối với những yêu cầu ghi tên họ không cần ghi chữ lót, thì Hoàng-Hữu-Phước vẫn là Hoang-Huu- Phuoc trong tiếng Anh, hoặc Hoàng Hữu-Phước sẽ thành Huu-Phuoc Hoang và được gọi là Mr Huu-Phuoc; trong khi với việc loại bỏ dấu gạch nối, Hoàng Hữu Phước sẽ chỉ là Phuoc Hoang, loại bỏ hẵn chữ Hữu. Đặc biệt với tên có hơn ba chữ thì rõ ràng sẽ gặp bất lợi, chẳng hạn Trần Hoàng Việt Nam Quốc, nếu là Trần Hoàng Việt-Nam-Quốc với Trần là họ, Hoàng là từ lót, vàViệt-Nam-Quốc là tên gọi (hoặc Trần-Hoàng Việt-Nam-Quốc, với Trần-Hoàng là họ, không có tên lót), thì việc chuyển sang Tiếng Anh sẽ là Viet-Nam-Quoc Hoang Tran hay Viet-Nam-Quoc Hoang-Tran, giúp lưu giữ giá trị tu từ ngữ nghĩa của tên gọi gốc mang tính tự hào gia tộc đặc thù và tâm lý tình cảm thay vì biến thành giản lược tự nhiên thành Quoc Tran và loại bỏ hoàn toàn những ba từ còn lại. Ngoài ra, còn điểm tương đồng là rất nhiều tên gọi của người Âu Mỹ có sự tồn tại của dấu gạch nối như dấu tích của thế gia vọng tộc như các họ tộc Anstruther-Gough-Calthorpe, Cave-Browne-Cave, Elliot-Murray-Kynynmound, Heathcote-Drummond-Willoughby, Vane-Tempest-Stewart, hay Hepburn-Stuart-Forbes-Tresfusis, v.v . trong đó, có đến từ ba đến bốn từ kết nối lại thành Họ, và phải thêm tên cùng chữ lót – có khi lại là cụm từ có gạch nối khác – để cho ra tên đầy đủ thật dài, thí dụ như Nancy Jane Marie Heathcote-Drummond-Willoughby, nữ Nam Tước đời thứ 28 của dòng họ Heathcote-Drummond-Willoughby, hay Edward Montagu Stuart Granville Montagu-Stuart-Wortley-Mackenzie, Bá Tước Thứ Nhất Vùng Wharncliffe Vương quốc Anh thế kỷ XIX.
Do dấu gạch nối liên kết những phần của một từ chung duy nhất đã không còn được sử dụng, tiếng Việt ngày nay chỉ còn là những từ rời rạc được gom lại thành câu với chỉ riêng người Việt hiểu nghĩa, còn du học sinh nước ngoài phải gần như thuộc lòng các cụm từ thân quen, khó đạt trình độ sáng tác thơ văn tiếng Việt – trong khi nhiều người Việt sáng tác thơ văn tiếng Anh hay Pháp thật dễ dàng, còn tất cả các bộ óc điện tử trên thế giới không sao diễn dịch đúng văn bản tiếng Việt ra ngôn ngữ khác (Bảng 5 ) .
c) Phát Triển Tiếng Việt Toàn Cầu:
Trong khi Hoa Văn sánh vai cùng các tiếng Anh, Ả Rập, Nga, Pháp và Tây Ban Nha thành sáu ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại Liên Hiệp Quốc, tiếng Việt vẫn khó thể có được vị trí xứng đáng hơn hiện nay, dù số lượng sinh viên nước ngoài và người nước ngoài học tiếng Việt có gia tăng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể biến tiếng Việt ngày càng được nhiều người học hơn, học nhanh hơn, học với sự sáng tạo và tầm sử dụng rộng hơn và chủ động hơn, để phát triển tiếng Việt trên toàn thế giới trong hệ thống khoa học, chuẩn hóa, tương thích với các công cụ thời kỹ thuật số nếu đầu tư xây dựng lại hệ thống ngữ pháp, hệ thống từ vựng, và sử dụng lại những công cụ ngôn ngữ hữu hiệu như dấu gạch nối “thuần Việt” của tiếng Việt.
5- Vai Trò Của Truyền Thông Chính Quy
Trong thời đại ngày nay, truyền thông đại chúng giữ vai trò tối quan trọng không những trong những vấn đề bình thường như truyền tải thông tin, cập nhật kiến thức, phát triển kinh doanh qua giới thiệu sản phẩm và quảng cáo, mà còn ở ảnh hưởng tác động sâu mạnh và nhanh chóng đến con người đối với văn hóa và ngôn từ. Sự dễ dãi và/hoặc tùy tiện của khâu biên tập của các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ làm xuống cấp tiếng Việt, không làm đúng “chức năng” giáo dục, tạo ra những vấn nạn quảng cáo (Phước, 2009), và không làm gì để hưởng ứng lời kêu gọi “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” của chính phủ. Cần có cơ chế minh định việc sử dụng ngôn từ của các cơ quan và phương tiện truyền thông đại chúng phải phù hợp trên cơ sở lexicology, formal, và ngữ pháp chuẩn.
IV. Kết Luận:
Chủ trương đúng dắn của Nhà Nước cùng sự tập trung nghiên cứu sâu-rộng của giới học giả về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt chỉ có thể phát huy tác dụng, mang tính hiệu quả cao qua các công cụ truyền thông – nhưng không dưới dạng những phát biểu hàn lâm, những đúc kết nghiên cứu, những giới thiệu công trình ngôn ngữ học, những chương trình phát sóng phỏng vấn các học giả, các bài báo chuyên đề ngôn ngữ, mà chính là ở ngay cách dùng từ trong từng tiết mục thông tin và quảng cáo – trên báo chí và truyền thanh/truyền hình – đặc biệt trong tất cả các chương trình “gameshow” hay các tiết mục có đông khán giả. Sự giáo dục công dân về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt nhất thiết phải thông qua (a) những hiểu biết mới diễn giải thêm và bổ sung phong phú hóa khái niệm gốc thay vì biến Tiếng Việt thành “tử ngữ” với sự chấm dứt mọi diễn giải đa chiều về phát biểu của lãnh tụ quốc gia, (b) sự sử dụng ngôn từ của tất cả các giáo viên và tất cả các lãnh đạo ở tất cả các cấp – những người mà công việc đòi hỏi phải thường xuyên nói chuyện trước đông người – phải ở mức độ cẩn trọng cao có dựa theo tiêu chí văn phạm có thể chọn lọc từ những tương đồng trong văn phạm một thứ tiếng chuẩn khác như Tiếng Anh, và (c) những biện pháp hành chính nghiêm ngặt nhằm uốn nắn tiến đến hạn chế tối đa và triệt tiêu cụ thể các manh nha xâm hại sự phát triển lành mạnh của Tiếng Việt có định hướng rõ nét về hội nhập, theo đó người Việt nắm vững tiếng nước ngoài và người nước ngoài học Tiếng Việt thuận lợi hơn, giúp Tiếng Việt thành một sinh ngữ bài bản đối với người Việt và phần còn lại của nhân loại.
Danh Mục Tài Liệu Tham Khảo
Bloomfield, Leonard. 1914. An Introduction to the Study of Language.London: G.Bell and Sons.Chữ, Mai Ngọc, Vũ Đức Nghiệu, và Hoàng Trọng Phiến. 1997. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Giáo Dục.
Jespersen, Otto. Nd. A Modern Englsih Grammar on Historical Principles.London: George Allen and Unwin Ltd.
Jespersen, Otto. 1918. Chapters on English.London: George Allen and Unwin Ltd.
Phước, Hoàng Hữu. 2010. Phản Biện. http://www.emotino.com/m.php?u=hoanghuuphuoc&p=18392
Phước, Hoàng Hữu. 2009. Cu Dơ Nhét Xốp – Vấn Nạn Việt Hóa Phiên Âm Tiếng Nước Ngoài. http://www.emotino.com/m.php?u=hoanghuuphuoc&p=17900
Phước, Hoàng Hữu. 2009. Luận Về Sự Thăng Thiên Trong Quảng Cáo Giới Thiệu Sản Phẩm. http://www.emotino.com/m.php?u=hoanghuuphuoc&p=18305
Phước, Hoàng Hữu. 2009. Nào Phải Đâu Chỉ Là Chuyện “Nóng Trong Người: – Vấn Nạn Văn Hóa Trong Quảng Cáo. http://www.emotino.com/m.php?u=hoanghuuphuoc&p=17873
Phước, Hoàng Hữu, 2009. Tuổi Teen Không Bao Giờ Có Thật. http://www.emotino.com/m.php?u=hoanghuuphuoc&p=18336
Phước, Hoàng Hữu. 2009. Vũ Khí Tối Thượng Của Tiếng Việt Cho Thời Kỳ Kỹ Thuật Số: Hồi Ức Về Một Sự Thật Ít Còn Người Việt Nam Nào Trên Thế Giới Còn Nhớ Hay Biết Đến. http://www.emotino.com/m.php?u=hoanghuuphuoc&p=18206
Quân, Mạnh. Năm Hạn Chế Trong Tăng Trưởng. Báo Sài Gòn Tiếp Thị, số 34 ngày 29-3-2010. Mục Góc Nhìn, trang 4-5.
Tâm, Trần N. và Quang Thuận. Bất Ổn Tiêu Thụ Nông Sản: Phải Xây Dựng Vùng Nguyên Liệu Tập Trung. Báo Thanh Niên, Số 85 (5207), ngày 26-3-2010, trang 6.
*********
Ghi chú:
Trên trang blog này có đăng lại hai bài sau để làm tài liệu tham khảo đọc thêm. Trân trọng kính mời độc giả tìm đọc:1) Cu Dơ Nhét Xốp – Vấn Nạn Việt Hóa Phiên Âm Tiếng Nước Ngoài.(Hoàng Hữu Phước, 15-6-2009)
2) Vũ Khí Tối Thượng Của Tiếng Việt Cho Thời Kỹ Thuật Số: Hồi Ức Về Một Sự Thật Ít Còn Người Việt Nam Nào Trên Thế Giới Còn Nhớ Hay Biết Đến.(Hoàng Hữu Phước, 18-10-2009)
Blog hoanghuuphuoc