Tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ có người lao động được khảo sát, thời gian trung bình để được thăng chức là 2,75 năm, riêng Việt Nam là 2,3 năm. Mức tăng lương sau khi được thăng chức của người Việt cũng khá cao.
Cuộc khảo sát mới nhất của Seek Asia - tập đoàn chuyên cung cấp giải pháp tuyển dụng của châu Á - đã cho ra đời Báo cáo Thăng tiến 2017, nhìn nhận lại chính sách thăng tiến thông qua các xu hướng mới nhất, cũng như các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chính sách này, từ đó có thể nhìn rõ hơn thái độ của người lao động đối với nó. Qua đó cho thấy ngày càng có nhiều người lao động chú trọng đến phát triển sự nghiệp bản thân.
Báo cáo này được thực hiện vào quý 4/2016 với 10.389 nhân viên và 518 nhà tuyển dụng từ nhiều ngành nghề tại Hong Kong, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thailand, Philippines và Việt Nam. Riêng số người tham gia khảo sát tại Việt Nam là 1.076 người.
Sự lệch pha giữa người sử dụng lao động và người lao động
Bạn cần nắm bắt cơ hội để nhanh chóng thăng tiến trong công việc, click nhanh http://sanhdieu.com.vn/adam-eva/nam-bat-co-hoi-thang-tien-bang-cach-nao-4191.html
Kết quả khảo sát cho thấy yếu tố hàng đầu để được thăng chức đối với người lao động là nhận được đánh giá cao về năng lực. Hiện nay, người lao động chưa ý thức được yếu tố nào khác ảnh hưởng đến quyết định thăng chức, thay vào đó, họ lại nghĩ mạng lưới quan hệ tốt có thể tác động đến sự cân nhắc của lãnh đạo, hay may mắn cũng là một yếu tố góp phần trong việc thăng tiến sự nghiệp.
Khi được yêu cầu đánh giá quy trình thăng tiến của công ty, có đến 80% người lao động tại các nước được khảo sát đã nói rằng họ được giao thêm nhiều bổn phận hoặc trách nhiệm, nhưng chỉ có 40% trong số họ sau đó nhận được bổ nhiệm chính thức.
Sự chênh lệch lớn này có thể ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên, vì họ có thể coi cách thức này là nhằm tăng thêm trách nhiệm mà không mang lại lợi ích gì cho sự nghiệp của bản thân.
Đối với nhà tuyển dụng, các yếu tố như “đảm đương nhiều trách nhiệm hơn”, “huấn luyện/hướng dẫn” và “tình nguyện tham gia dự án” là những tiêu chí chính ảnh hưởng đến quyết định thăng chức. Ngược lại, tiêu chí “tình nguyện tham gia dự án” hay “huấn luyện/hướng dẫn” không nằm trong suy nghĩ của nhân viên.
"Không có việc gì là dễ dàng cả. Hãy tận dụng năng lực để thể hiện khả năng lãnh đạo và tìm kiếm cơ hội giúp nhà tuyển dụng thấy được sự chủ động của bạn. Càng nhiều kiến thức và chuyên môn, càng nâng cao hiệu suất và lợi nhuận cho công ty. Nhân viên nên ghi nhớ những yếu tố quyết định này để hướng đến sự thăng tiến trong nghề nghiệp”, bà Angie Phang Tổng Giám Đốc công ty Nhân sự Việt Nam (thành viên của tập đoàn Seek Asia) nhận định.
Hai cái nhất của lao động Việt Nam
Tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ có người lao động được khảo sát, thời gian trung bình để được thăng chức là 2,75 năm, riêng Việt Nam là 2,3 năm. Báo cáo kết quả khảo sát còn có một số điểm nổi bật khác như:
Trung bình sau mỗi lần được thăng chức, mức lương của người lao động ở Việt Nam, Indonesia và Philippines là tăng cao nhất với tỉ lệ 20-24%. Trong khi tỉ lệ tăng lương trung bình tại Hong Kong, Singapore, Malaysia và Thái Lan là 14-17%.
Có đến 41% người làm khảo sát không nhận được bất kỳ quyền lợi nào kèm theo sau khi được thăng chức, nhất là ở Singapore, Hong Kong và Thái Lan; riêng tại Việt Nam là 31%.
Phần lớn quyết định bổ nhiệm thăng chức ở 7 quốc gia và vùng lãnh thổ trên diễn ra vào tháng 1, 6 và 12.
Khoảng 55% doanh nghiệp được khảo sát cho biết ngân sách tăng lương không cố định, cơ hội thăng tiến luôn mở rộng cho nhân viên thể hiện tốt.
Top 3 nhóm phúc lợi phổ biến nhất mà người lao động Việt Nam nhận được sau khi thăng chức là những khoản trợ cấp (54%), kế đến là thưởng theo hiệu quả làm việc (31%) và được nâng cấp chương trình chăm sóc y tế (18%).
Đối với việc hỗ trợ mua nhà, xe hay cổ phiếu của công ty, chỉ có dưới 6% người lao động được hưởng những phúc lợi cao cấp này.
Nhưng nhanh chưa hẳn là tốt
“Được thăng tiến trong công việc” là một trong những yếu tố thu hút người lao động hàng đầu. Và đây là yếu tố mà nhà tuyển dụng có thể tận dụng để xây dựng thương hiệu tuyển dụng để thu hút và giữ nhân tài.
Theo đó, nhà tuyển dụng cần xây dựng một lộ trình phát triển rõ ràng cho từng vị trí và đảm bảo được tính công bằng cho mọi nhân viên. ‘Người giỏi cần được trọng dụng’ nhưng không đồng nghĩa với những quyết định thăng tiến thiếu minh bạch, dẫn đến mất lòng tin ở nhân viên.
Điều này được chứng minh cụ thể trong khảo sát, khi người lao động cho số điểm khá thấp khi được hỏi về tính công bằng/minh bạch của quy trình thăng tiến trong công ty. Theo đó, người thực hiện khảo sát có sự bất mãn khi xem xét tương quan giữa nỗ lực và mức độ đóng góp của nhân viên so với mức tưởng thưởng từ phía công ty.
Ngoài ra, việc không nhất quán và minh bạch trong quy trình/quyết định thăng tiến cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt nhân viên hiện tại và người lao động trên thị trường nói chung.
Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, những điểm ‘chưa tốt’ này có thể có ảnh hưởng nhiều hơn dự tính và làm các nhân tài ái ngại khi lựa chọn gia nhập công ty.
Nhanh chưa hẳn lúc nào cũng tốt. Việt Nam là quốc gia có thời gian trung bình được thăng chức ngắn nhất, mức lương cao nhất trong khu vực nhưng cũng đem lại không ít thách thức cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Bởi vì người lao động cần có sự kiên trì trong công việc trước khi yêu cầu việc thăng chức hay phúc lợi. Ngược lại, nhà tuyển dụng cũng cần tạo lộ trình rõ ràng, minh bạch cho tất cả những vị trí trong công ty, đặc biệt là các vai trò chiến lược ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh để thu hút những nhân tài phù hợp.
Nguồn: http://laodong.com.vn/