Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    TƯƠNG ĐỒNG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT – HÀN

    avatar
    congdantoancau

    Tổng số bài gửi : 633
    Tiền xu Ⓑ : 1732
    Được cảm ơn № : 27
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 12/05/2014

    TƯƠNG ĐỒNG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT – HÀN Empty TƯƠNG ĐỒNG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT – HÀN

    Bài gửi by congdantoancau 21st June 2014, 22:58

    1. Xem xét tính tương đồng lịch sử văn học trung đại Việt – Hàn trên cơ sở cộng đồng tiến trình lịch sử - văn hóa - văn học châu Á và Đông Á – Đông Nam Á.

    2. Xác định diện mạo và đặc điểm tương đồng của tiến trình lịch sử văn học trung đại Việt – Hàn.

    2.1. Nhận diện tính tương đồng từ giai đoạn khởi đầu, sự du nhập của chữ Hán và văn học chữ Hán thời Ba vương quốc (thế kỷ IV) đến hết thời Koryo (cuối thế kỷ XIV) ở Hàn Quốc với giai đoạn chuyển từ Bắc thuộc (thế kỷ I) đến hết thời Trần (cuối thế kỷ XIV) ở Việt Nam (thế kỷ XIV).

    2.2. Nhận diện tính tương đồng của xu thế quan các cung đình từ thời Koryo (đầu thế kỷ XV) đến hết thế kỷ XVII ở Hàn Quốc với giai đoạn Nho giáo hóa từ thời Lê sơ (thế kỷ XV) đến thời Lê - Trịnh (đầu thế kỷ XVIII) ở Việt Nam.

    2.3. Nhận diện tính tương đồng của “khuynh hướng mới của văn học chữ Hán” và phong trào thực học từ khoảng đời Yong Cho (Anh Tổ, 1724-1776) đến hết thế kỷ XIX ở Hàn Quốc với trào lưu nhân văn từ thời Lê - Trịnh (đầu thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX) ở Việt Nam.

    3. Kết luận: Nhận định ý nghĩa tính tương đồng của tiến trình lịch sử văn học trung đại Việt – Hàn.

    * Từ khóa: Văn học trung đại Việt Nam, Văn học trung đại Hàn Quốc, So sánh văn học Hàn – Việt, xu thế quan các cung đình, trào lưu nhân văn…



    An Abstract and Key words:

    Similarities of Historic Processes

    of Korea and Vietnam Medieval Literatures and Cultures



    1. Examines similarities of historic processes of Korean and Vietnamese literatures and cultures in the context of of East Asi and Asia.

    2. Examines characteristics of the similarities in the history of medieval Korean and Vietnamese literatures.

    2.1. The first similarity is about the categorization of literature periods. While the medieval Korean literature includes the beginning period, the ego of Sino-Chinese language and Sino – Chinese literature under the Three Kingdoms of Korea (IV century) and the late Koryo regime (late XIV century), the medieval Vietnamese literature includes periods that started from in the Chinese Domination time (the first century) to the late Tran dynasty (late XIV century).

    2.2. The second similarity is the tendency of court literature of Koryo regime (the early XV century) which lasted until the late seventeenth century in Korea and the period of Cofucianization that began with the Early Le Dynasty (XV century) and ended with the Lê - Trịnh time (the early XVIII century) in Vietnam.

    2.3. The third similarity is between the “new tendency of Sino-Chinese literature” and the sirhak movement that began under the leadership of Yeongjo of Joseo (1724-1776) and ended in the late nineteenth century in Korea and the humanist movement in Vietnamese literature from the Lê – Trịnh time to the late nineteenth century.

    3. Concludes about significances of similarities of literary histories of Vietnam and Korea.



    * Key words: Vietnam Medieval Literature, Korea Medieval Literature, Comparatives of Korea and Vietnam, similarities, literature process, medieval court literature, humanist literature.

    ------

    1. Thử điểm danh trên Tạp chí Văn học (Cơ quan Nghiên cứu – Lý Luận – Phê bình văn học của Viện Văn học), số chuyên san Văn học Hàn Quốc và giao lưu văn học Hàn – Việt (tháng 10-1995, 61 trang), thấy số bài viết về văn học trung đại hai nước chiếm tỉ lệ 14/18 (số còn lại có một bài viết về văn học dân gian, ba bài về văn học hiện đại). Điều này cho thấy mối quan tâm của học giới đến văn học trung đại hai nước là hết sức rõ nét. Điều quan trọng hơn, dựa trên cứ liệu văn học sử Việt Nam và những hiểu biết bước đầu về văn học Hàn Quốc (chủ yếu thông qua công trình Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX)(1), chúng tôi nhận thấy văn học Việt - Hàn có những bước đi thực sự tương đồng với nhau trên nhiều phương diện (khởi đầu và kết thúc, phân kỳ các giai đoạn, tiến trình phát triển, loại hình tác giả, đặc điểm ngôn ngữ, thể loại, nội dung và hình thức nghệ thuật)…

    2. Trước khi đi vào phân tích, nhận diện tính tương đồng của văn học trung đại Việt – Hàn cần thấy rõ hai nước cùng có một giai đoạn chuyển tiếp lâu dài. Ở Việt Nam là văn học thời Bắc thuộc (thế kỷ I đến Ngô Quyền giành độc lập năm 938)(2) và ở Hàn Quốc là từ thời Ba vương quốc (Koguryo – Paekche – Shilla, thế kỷ I tr.CN đến thành lập vương quốc Koryo, 918)(3). Tư liệu về nền văn học của cả hai nước trong khoảng một ngàn năm này còn lại không nhiều, thiên về văn học dân gian, chưa định hình rõ nét đội ngũ tác giả, tác phẩm nên chúng tôi xếp vào giai đoạn sơ khai, đặt nền móng. Như vậy, việc xem xét tính tương đồng của tiến trình lịch sử văn học trung đại Việt – Hàn sẽ được lược qui về thời gian từ khoảng đầu thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX.

    2.1. Tương đồng văn học Việt – Hàn giai đoạn sơ kỳ trung đại (thế kỷ X – hết thế kỷ XIV)

    Trên phương diện lịch sử, đây là sự tương đồng đến khó tin giữa thời đại Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần (938-1400) của Việt Nam và triều đại Koryo (918-1392) của Hàn Quốc.

    Tại Việt Nam đã có nhiều ý kiến bàn về việc chọn tác phẩm mở đầu cho nền văn học trung đại Việt Nam và cơ bản đã đi đến thống nhất vào khoảng cuối thế kỷ X – đầu thế kỷ XI. Nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân xác định: “Đến khi giành được độc lập, tầng lớp trí thức Hán học trở thành những tác giả đầu tiên sử dụng chữ Hán để viết tác phẩm văn học… Những tác phẩm cổ nhất còn lưu lại đến ngày nay: Nam quốc sơn hà (Thơ thần), Quốc tộ (Đỗ Pháp Thuận), Vương lang qui (Ngô Chân Lưu), Thiên đô chiếu (Lý Thái Tổ), v.v… chính là nhằm đáp ứng nhu cầu văn học mang tính tất yếu lịch sử ấy. Dó cũng là những tác phẩm mở đầu của dòng văn học viết. Rõ ràng phải đợi đến khi nước nhà giành được độc lập, dòng văn học viết mới chính thức ra đời, bên cạnh dòng văn học dân gian vốn vẫn phát triển liên tục từ thuở xa xưa”(4)…

    Tại Hàn Quốc, sự định hình văn học trung đại gắn với sự ra đời triều đại Koryo (918). Giáo sư Jung Min xác định: “Bước sang thời Koryo, văn học chữ Hán phát triển rực rỡ và bước vào thời kỳ hoàng kim. Các nho sĩ xuất thân dòng dõi quan lại sau khi du học bên nhà Đường từ cuối thời Shilla trở về hòa nhập với vương triều mới. Đến đời vua QuangJong (Quang Tông, 949-975), đời vua thứ tư triều đại Koryo, chế độ khoa cửa được thiết lập và văn học chữ Hán càng phát triển với tốc độ nhanh hơn. Số lượng tác giả ngày một nhiều lên và cái gọi là văn đàn tập thể văn nhân sáng tác đã được hình thành. Cùng với cơ hội sáng tác thường xuyên xuất hiện, việc đánh giá trình độ tác phẩm và phê bình văn học hướng tới lý luận sáng tác đã được mở rộng”(5)…

    Sự tương đồng rõ nhất của giai đoạn văn học trung đại sơ kỳ Việt – Hàn là

    sự phát triển trên nền tảng cơ sở văn hóa – xã hội giống nhau, cùng thực sự bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc. Ở Hàn Quốc, trường Quốc Tử Giám được thành lập sớm (992), còn ở Việt Nam chậm hơn (1070). Cả hai nước đều coi trọng chữ Hán và tam giáo (Nho – Phật – Đạo), trong đó Nho giáo là cơ sở để xây dựng vương quyền, Phật giáo giữa vai trò thế lực thần quyền, hướng về đại chúng. Nhìn chung, ảnh hưởng Phật giáo đều còn đậm đà và thấy rõ hiện tượng người đương thời ghi chép, kết tập các nhân vật, sự kiện, dòng phái Phật giáo trước đây thành sách. Về vấn đề này, chúng tôi đã từng xác định:

    “Trên thực tế, truyền thống ghi chép truyện đời các vị thiền sư đã xuất hiện ngay vào giai đoạn đầu của nền văn học cổ Hàn Quốc. Về mặt số lượng, những ghi chép cuộc đời các vị thiền sư được tập hợp trong bộ sách Những sự kiện thời Tam quốc, Những ghi chép tiểu sử thời xưa, Truyện cuộc đời các đại thần và các Thiền sư, Hải Đông cao tăng truyện, Tiểu truyện cuộc đời Thiền sư Kiônhô, Cuộc đời Chơkhve Chơkhvon, Truyện thầy Yxan truyền đạo, v.v…

    Trong công trình Lịch sử văn học Triều Tiên từ khởi nguyên đến thế kỷ XIV, hai nhà nghiên cứu người Nga M.I. Nikitina và A.Ph. Trôxêvits đã phân chia các tiểu truyện thiền sư theo 3 kiểu loại truyện: truyện có môtip thần kỳ, truyện ghi chép và loại truyện mang tính sử thi… Phân loại về mặt hình thức có thể thấy có những tiểu truyện ghi chép cuộc đời các thiền sư được tập hợp trong một bộ sách lớn – sách mẹ – như những tiểu truyện thiền sư nằm trong chương thứ tư của cuốn sách Những sự kiện thời Tam quốc; hoặc nằm riêng biệt ngoài hệ thống sử ký như trường hợp Tiểu truyện Thiền sư Kiônhô (hoặc trong những tài liệu bia ký, văn khắc đá được gọi là Xinchozoan – sự liệt kê các hoạt động, hành trạng, tiểu sử cuộc đời). Trong tiếng Hàn, những ghi chép tiểu sử chung chung, bất kỳ nào đó được gọi là chon, còn thuật ngữ khenđơzan để chỉ một thể loại ghi chép độc lập như kiểu tác phẩm Tiểu truyện Thiền sư Kiônhô là cuốn sách kể về cuộc đời vị đứng đầu tông phái, người đã đạt đến ngôi vị cao nhất của đẳng cấp Phật giáo và được chính tác giả của nó xếp vào thể loại khenđơzan. Như vậy, có thể giả định rằng thuật ngữ chon được dùng vừa để biểu thị một khái niệm chung, vừa để biểu thị những tiểu truyện nằm trong hệ thống sử ký. Còn thuật ngữ khenđơzan được dùng để chỉ những tiểu truyện tồn tại độc lập, không nằm trong hệ thống sử ký”(6)…

    Ở Việt Nam, đó là tác phẩm Thiền uyển tập anh 禪 苑集英 (Anh tú vườn Thiền, 1337) ghi chép 58 tiểu truyện thiền sư(7) và Tam tổ thực lục 三 祖寔 錄 ghi chép cuộc đời ba vị sư nổi tiếng thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử của Việt Nam(8). Với cả hai tác phẩm này, chúng tôi đã có khảo sát khá chuyên sâu nên ở đây chỉ nêu khái quát và nhấn mạnh những đặc điểm tương đồng trong loại hình tiểu truyện thiền sư hai nước Hàn - Việt (ghi chép tiểu sử thiền sư, truyện nhấn mạnh nội dung hoằng dương Phật giáo, trong truyện có tàng trữ các giá trị thi ca và in đậm sắc màu dân gian…)(8).

    Cả ở hai nước đều đề cao các giá trị tinh thần truyền thống và xuất hiện những tác phẩm có ý nghĩa ghi chép, tổng kết, hợp tuyển về lịch sử, văn hóa, văn học dân tộc. Ở Việt Nam là sự xuất hiện Việt điện u linh (1329) gồm 27 truyện viết về các vị thần linh, Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XIV) gồm 22 truyện được coi là bộ sưu tập truyện cổ tích đầu tiên và sách Thiền uyển tập anh như đã giới thiệu trên. Ở Hàn Quốc là sự xuất hiện hai tác phẩm lớn: Tam quốc sử ký (1145) có tính cách quốc sử do Kim Phú Thức biên soạn và Tam quốc di sự (1281) thiên về ghi chép dã sử do sư Nhất Nhiên soạn.

    Tuy nhiên, văn học giai đoạn này ở hai nước chí ít cũng có hai khác biệt khá rõ nét: 1) Ở Hàn Quốc, yêu cầu và xu thế sử dụng chữ ghi âm dân tộc Hàn xuất hiện từ sớm với chữ Idu (có từ thế kỷ V), Hương – trát (chép 14 bài hyang-ca trong Tam quốc di sự). Sách Hàn Quốc (Đất nước – Con người) xác định: “Truyện viết của Hàn Quốc xuất hiện lần đầu ở vương quốc Shilla vào thế kỷ thứ 8. Chữ viết được tạo ra một phần từ tiếng Trung Quốc, dựa theo cách phát âm, gọi là Idu. Chỉ còn 25 tác phẩm thơ gọi là Hyangca theo chữ viết này sót lại đến giờ”(9). Ở Việt Nam đến khoảng đầu thế kỷ XIV mới xuất hiện chữ Nôm với các bài phú của Trần Nhân Tông (1258-1308), Huyền Quang (1254-1334); 2) Văn học Phật giáo thế kỷ X-XIV ở Việt Nam thuần nhất và đậm nét hơn.

    2.2. Tương đồng văn học Việt – Hàn giai đoạn trung kỳ trung đại (thế kỷ XV – hết thế kỷ XVII)

    Trên phương diện lịch sử, đây là sự tương đồng giữa thời Hậu Lê – Mạc – Trịnh – Nguyễn (từ 1400 – hết thế kỷ XVII) của Việt Nam và quá bán triều đại Cho Son (từ 1392 - hết thế kỷ XVII) của Hàn Quốc. Theo các nhà nghiên cứu Hàn Quốc, những tương đồng trong thế ứng xử với Phật giáo, Đạo giáo và đặc biệt là xu thế khẳng định Nho giáo ở Hàn Quốc giai đoạn này gần như có thể nói thay cho cả Việt Nam:

    “Đạo giáo và Nho giáo từ Trung Quốc du nhập vào Hàn Quốc trong khoảng thời gian tương tự như Phật giáo. Đạo giáo dung hòa với tư tưởng truyền thống Hàn Quốc và được bản địa hóa. Nho giáo không phải là tôn giáo. Với ý niệm thống trị, Nho giáo coi trọng tính hiệu quả trong bộ máy cai trị của nhà nước trung ương tập quyền. Sau đó, triều đại Cho Son coi Nho giáo là Quốc giáo nên Phật giáo bị bài xích và hơn 500 năm Nho giáo được coi là tư tưởng trung tâm.

    Xem xét các tư tưởng nêu trên, ta thấy tư tưởng ngoại lai coi như chiếm vị trí ưu thắng mang tính áp đặt, bởi lẽ từ sau thời kỳ Ba vương quốc, trong suốt thời gian dài, Phật giáo và Nho giáo được coi là tư tưởng chính thức của nhà nước. Những tư tưởng này sau khi du nhập đều hòa chung với tư tưởng truyền thống Hàn Quốc, không còn là Phật giáo Ấn Độ, Nho giáo Trung Quốc mà trở thành tư tưởng Phật giáo Hàn Quốc, Nho giáo Hàn Quốc. Tư tưởng tôn giáo Hàn Quốc cũng giống như văn học Hàn Quốc mang đậm yếu tố ngoại lai, đồng thời cũng mang đậm yếu tố truyền thống. Yếu tố ngoại lai và yếu tố truyền thống vừa dung hòa vừa đối lập, xung đột với nhau trong suốt chiều dài lịch sử”(10).

    Ở Việt Nam, đây là thời kỳ văn học chuyển mạnh sang xu thế Nho giáo hóa, cung đình hóa và phát triển cực thịnh dưới triều vua Lê Thánh Tông (ở ngôi 1442-1497) với việc xuất hiện Hội Tao đàn. Phật giáo không còn vị trí chính thống trên văn đàn. Tinh thần trung quân ái quốc được đề cao. Văn học chữ Nôm từng bước được coi trọng và phổ biến những cũng đều hướng tâm tụng ca vương triều, khẳng định đạo lý Nho giáo. Các thể loại điển hình của thời trung đại như thơ Đường luật, truyện truyền kỳ (Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ) được coi là đạt đến đỉnh cao… Ở Hàn Quốc, đây là giai đoạn hưng thịnh của “dòng chảy văn học quan các” với sự xuất hiện của Tam Đường thi nhân, văn đàn Môc Rưng, phái Công huân và Sĩ lâm. Giáo sư Jung Min nhận định về quá trình chuyển hóa này: “Vương triều Cho Son lập tôn chỉ mới là sùng bái Nho giáo, áp chế Phật giáo, muốn thực thi Nho học, lập lại trật tự xã hội với qui mô lớn, theo đó, các thư tịch sách vở được chỉnh lý và phát hành mang tính chất nhà nước”(11). Những đặc điểm này chi phối đời sống văn học suốt thời trung kỳ Cho Son và được tổng kết bởi nhà lý luận Kim Xương Hiệp (1651-1708)…

    Trên nền tảng sự tương đồng, những khác biệt trong văn học hai nước giai đoạn này chủ yếu ở mức độ, tính chất quá trình phát triển gắn với điều kiện lịch sử mỗi nước. Ở Việt Nam, dường như xu thế cung đình và tính qui phạm thể hiện rõ nét hơn kể từ đặc điểm kiểu tác giả đến hệ thống chủ đề, đề tài, thể loại và ngôn từ nghệ thuật in đậm tính mẫu đề, điển chương, điển tích. Trong khi đó ở Hàn Quốc, ngay thời kỳ đầu triều đại Cho Son đã xuất hiện phái văn học phương ngoại nhân (“thoát ra khỏi trung tâm quyền lực”, “bị đặt ra ngoài thể chế”, “từ chối tuyên truyền Nho học chính thống,… Đạo giáo, Phật giáo”, “không theo hình thức mang tính quan liêu của phái Công huân và cũng không theo chủ nghĩa đạo đức nghiêm khắc của phái Sĩ lâm”), sớm xuất hiện loại truyện cười chứa đựng cả dâm đàm bái thuyết (truyện dâm hài, lời nói không hợp đạo lý), bột phát nảy sinh cả loại tiểu thuyết khuê phòng với hai nguồn cảm hứng “áp bức và giải thoát” (qua hai tiểu thuyết Cửu vân mộng và Tạ thị Nam chinh ký của Kim – Man – Chung, Kim Vạn Trọng, 1637-1692). Ở đây xin giới thiệu rõ hơn tiểu thuyết Cứu vân mộng (Giấc mơ chín tầng mây)(12). Với Cửu vân mộng, Kim Vạn Trọng dẫn dắt nhân vật Dương Thiếu Du từ cõi thực đi vào cõi mộng, lạc vào cõi tiên, đầm Bạch Long, hồ Động Đình, cung Thúy Vi và gặp các bậc vua chúa, đạo sĩ, thiền sư, tiên nữ. Trong cuộc ngao du khắp chốn Bồng Lai tiên cảnh, nhân vật chính có dịp trải nghiệm và chiêm nghiệm mọi buồn vui của kiếp con người, thấy rõ mọi sự giàu sang, quan cao lộc hậu cũng chỉ như đám mây nổi và giấc mơ hư ảo. Cho đến đoạn kết, Dương Thiếu Du trở lại thành tiểu hòa thượng Tính Chân ở đạo tràng Liên Hoa: "Tính Chân hồi tưởng lại, ban đầu bị sư phụ khiển trách, theo lực sĩ tới Phong Đô, hoàn sinh trần thế, làm con trai nhà họ Dương, sớm đỗ Trạng nguyên, làm quan Hàn lâm, thăng chức làm tướng thống lĩnh ba quân, tổng quản trăm quan, dâng sớ xin lui, từ quan về sống thư nhàn, cùng hai công chúa sáu nương tử hòa hợp sắt cầm, đàn ca vui múa, chung vui chén rượu. Tất cả những chuyện sớm tối hành lạc đều chỉ là một giấc mộng xuân mà thôi" (tr.277)... Nhìn chung, thiên truyện in đậm dấu ấn cả ba yếu tố Nho - Phật - Đạo, trong đó cảm quan Phật giáo trở thành dòng chủ lưu với những suy tưởng về cõi đời "sinh ký tử qui", giả định đặt mình vào cõi hư vô để soi nhìn lại kiếp người và ước mơ về một cuộc sống an lành, bình dị. Trên phương diện nghệ thuật, cốt truyện Giấc mơ chín tầng mây được xây dựng theo lối tiểu thuyết chương hồi, mượn vỏ hình thức chương hồi để ghi lại câu chuyện hư ảo, ảo giác, đan xen giữa thực và hư. Toàn bộ tiểu thuyết được chia thành 16 chương đoạn và mỗi chương đoạn cũng đều có từng đôi câu thơ mở đầu, đan xen cả những đoạn tả cảnh, tả sự, lời đối thoại và nhiều bài thơ trữ tình. Về nội dung, thiên tiểu thuyết trầm tích vốn lịch sử - văn hóa phong phú, vừa ghi dấu truyền thống Hàn Quốc sâu đậm vừa có ý nghĩa tiếp nhận và bao quát tư tưởng văn hóa khu vực phương Đông... Qua những phân tích trên đây có thể thấy văn học Hàn Quốc giai đoạn này có phần rộng mở hơn, ly tâm nhiều hơn, khoảng tự do sáng tạo cũng rộng rãi hơn. Trên cơ sở đó, cả về số lượng tác phẩm cũng như hình thức thể loại cũng phong phú hơn, đặc biệt với việc xuất hiện loại chữ Han-gul ghi âm tiếng Hàn và dòng tiểu thuyết chữ Hàn. Có được điều đó là bởi đô thị ở Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ hơn, các vấn đề liên quan đến lưu hành tiểu thuyết và đời sống văn học nói chung cũng mang tính thương mại (sao chép, diễn đọc, cho thuê sách và xuất bản) cũng diễn ra sớm và với nhịp độ gấp rút hơn.

    2.3. Tương đồng văn học Việt – Hàn giai đoạn hậu kỳ trung đại (thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX)

    Ở Việt Nam, đây là giai đoạn tiếp nối chế độ vua Lê chúa Trịnh và chuyển sang triều Nguyễn nối dài đến hết thế kỷ XIX. Ở Hàn Quốc, đây là giai đoạn hưng thịnh, phát triển lên một tầm cao mới của triều đại Cho Son.

    Bước sang thế kỷ XVIII, đặc biệt từ khoảng giữa thế kỷ, văn học Việt Nam có sự khởi sắc gắn với tinh thần thực học và hình thành cả một trào lưu nhân văn. Đến giai đoạn này, hình ảnh con người cá nhân trong văn học được đề cao. Xem xét trên bình diện sự trưởng thành của tư duy văn họccó thể thấy rõ khả năng điển hình hóa thế giới nhân vật và chủ nghĩa nhân đạo, nhu cầu giải phóng tình cảm gắn liền với đề tài tình yêu và sự gia tăng đột biến hình ảnh người phụ nữ trong văn học. Vấn đề quyền sống con người và mô tip “tài tử - giai nhân” trở nên phổ biến trong thể loại ngâm khúc: Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm (thế kỷ XVIII), Cung oán ngâm của Nguyễn Gia thiều (1741-1798), Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ (thế kỷ XIX),… và các truyện thơ Nôm: Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820), Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)... Điều này có liên quan trước hết tới quá trình mở rộng dung lượng hiện thực, quá trình phát triển của tư duy văn học và đồng thời là sự khai phóng của chính hệ thống đề tài, thể loại, thể tài văn học. Đặt trong xu thế chung của thơ Đường luật có thể thấy màu sắc phê phán, châm biếm và tự trào ngày càng sắc nét hơn, đặc biệt với thơ Nôm Hồ Xuân Hương (thế kỷ XVIII-XIX), Nguyễn Khuyến (1835-1909), Tú Xương (1870-1907). Như thế, chính nội dung hiện thực ngày càng mở rộng đã tạo điều kiện cho một thể tài quy phạm cũng từng bước nới rộng các sắc thái trữ tình, thu nạp vào trong nó những cách thức biểu hiện mới mẻ, đa dạng hơn. Xét riêng loại hình văn xuôi, đến giai đoạn này đã xuất hiện thể loại ký như Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác (1720-1791), Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1769 - 1839), Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (1770-1815), Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái(thế kỉ XIX), v.v... đã xây dựng được nhiều nhân vật (thậm chí là nhân vật đã được cá tính hóa và điển hình hóa cao). Một ví dụ khác là thể tài phú. Sang đời Nguyễn thuộc thế kỷ XIX, phú Nôm trở nên thịnh hành và nội dung đề tài có sự chuyển hướng mạnh mẽ, có cả phú công kích chính trị, phú châm biếm và tự trào, song đều thể hiện đậm nét hình ảnh chủ thể - tác giả như Tụng Tây hồ phú của Nguyễn Huy Lượng (1759-1808), Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái (1777-1813), Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ (1778-1859), Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát (1808-1855)... Điều này cho thấy sự vận động, thay đổi của các giai đoạn, các thời đại văn học phải được đánh dấu bằng sự cách tân, cách mạng các thể loại cũ, thay vào đó là sự ra đời các thể loại văn học mới. Đáp ứng nhu cầu của trào lưu nhân văn, sự ra đời các thể loại truyện thơ, ngâm khúc, hát nói thuần Việt vừa để bộc lộ nhiều tâm trạng khác nhau vừa phản ánh những số phận đời người, xây dựng nhiều mẫu hình nhân vật mới,... ghi nhận bước phát triển vượt bậc của văn học Việt Nam thế kỷ XVII-XIX(13).

    Đối với văn học Hàn Quốc, đây là giai đoạn mở ra “khuynh hướng mới của văn học chữ Hán” gắn với “thời đại thực dụng và phong trào thơ tả thực”, tiếp sức cho chủ đề “tình yêu mang tính dục vọng mãnh liệt và nhân tình thế thái sinh động”, trải rộng từ những chuyện kín trong cung cấm đến những pan-sô-ry “câu chuyện được hát trên sàn diễn” (với mới tình của kỹ nữ trong Xuân Hương truyện, nghịch lý người con gái có hiếu bị ném xuống biến trong Thẩm Thanh truyện hay sự đối nghịch về tính cách giữa người anh tham lam và người em hiền lành trong tác phẩm Hưng Phu truyện). Dường như có một sự tương đồng sâu sắc giữa số phận người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều với nỗi cơ cực của hoàng hậu bị giam trong cung điện ở tác phẩm Quý Sửu nhật ký (khuyết danh); giữa cuộc đời mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều trong Truyện Kiều của nguyễn Du với nàng kỹ nữ Xuân Hương trong tác phẩm Xuân Hương truyện (khuyết danh); hay giữa thể hát nói của Việt Nam với loại ca từ khuê phòng “chứa đựng niềm vui và nỗi buồn của phụ nữ” và sự miêu tả nhân tình thế thái trong ca từ bình dân…

    Thực hiện một phép so sánh có thể thấy được sự khác biệt về mức độ của giai đoạn văn học hậu kỳ trung đại hai nước Việt – Hàn. Thứ nhất, văn học Hàn Quốc có sự kế thừa đậm nét các giá trị nhân văn giai đoạn trước trong khi văn học Việt Nam có sự chuyển đổi, phát triển vượt bậc cả về ý thức con người cá nhân cũng như khả năng rộng mở về thể loại và số lượng tác phẩm. Lý do là bởi phải đến giai đoạn này thì đô thị ở Việt Nam mới có điều kiện phát triển và bừng tỉnh các giá trị nhân văn, xuất hiện nhu cầu soát xét lại quá khứ và khẳng định quyền sống con người một cách trực diện và mạnh mẽ. Thứ hai, quá trình giải thể thể loại văn học chữ Hán và nền văn minh mới vào chặng cuối thế kỷ XIX đã vận hành theo những xu thế khác xa nhau. Ở Hàn Quốc, theo nhận định của Giáo sư Jung Min: “Một trong những mặt mang tính đặc trưng của văn học chữ Hán cuối thế kỷ XIX là sự bắt đầu giải thể thể loại một cách rõ rệt. Sự sáng tác thơ phá cách mà đại biểu là Kim Sat Cat là hiện tượng mang tính chất tượng trưng nhất. Họ mượn thể loại thơ chữ Hán nghiêm túc để sáng tác những bài thơ hài hước theo lối giễu cợt trào phúng, qua đó họ thánh thức với quyền uy của văn đàn chính thống”(14). Ở Việt Nam, hiện tượng mang màu sắc giải thể thể loại này diễn ra chủ yếu ở bộ phận thơ ca chữ Nôm, trong khi dòng thơ chữ Hán cơ bản vẫn giữ nguyên tính bác học, nghiêm túc, quan phương. Lý do có thể bởi nhu cầu tự thân của bộ phận văn học chữ Hán chính thống ở Hàn Quốc đã đủ điều kiện chín muồi và xuất hiện nhu cầu tự phản biện, tự phê phán, đổi thay, trong khi văn học Việt Nam lại chưa đi hết quán tính của mỹ học phong kiến. Thêm nữa, bước sang nửa cuối thế kỷ XIX, văn học Hàn Quốc tự giải thể và chuyển dần sang “thời khai hóa” như một nhu cầu nội tại, phù hợp qui luật thì văn học Việt Nam lại phải đương đầu với thế lực thực dân Pháp (từ 1958), khiến nó phải co cụm lại, gồng mình lên trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc. Điều này tạo ra sự phân chia thành hai xu thế văn học: ý chí chống xâm lược của các nghĩa sĩ và tiếng nói phê phán xã hội đang trên đường thực dân hóa của tầng lớp văn nhân cuối mùa phong kiến. Đây cũng chính là điều kiện để mỗi nước có cách một giã từ nền văn học trung đại ít nhiều khác biệt nhau và định hướng cho thời kỳ khai hóa, mở cửa với phương Tây và bước vào thời kỳ hiện đại hóa.

    3. Kết luận

    Xem xét tiến trình lịch sử văn học trung đại Việt – Hàn có thể thấy tính tương đồng thể hiện trên năm nội dung cơ bản. Thứ nhất là sự tương đồng ở dấu mốc thời gian khởi đầu, thời gian chuyển giai đoạn (sơ kỳ, trung kỳ và hậu kỳ) cho đến thời điểm kết thúc. Thứ hai, cả hai nước đều coi trọng văn hóa – văn học truyền thống bản địa, đề cao và khẳng định bản lĩnh tinh thần dân tộc. Thứ ba, cả hai nước có sự hình thành đội ngũ tác giả gắn với quá trình tiếp nhận và hóa giải Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo tương tự nhau. Thứ tư, cả hai nước đều có quá trình tiếp thu, vận dụng chữ Hán và xây dựng nền văn học quốc ngữ giống nhau. Thứ năm, sự phát triển hệ thống thể loại gắn với xu thế cung đình hóa cũng như sự phát triển trào lưu nhân văn tương đồng với nhau… Việc xác định những nét khác biệt chỉ tôn thêm đặc tính “đại đồng tiểu dị” của hai nền văn học trung đại, cho thấy những khác biệt chủ yếu ở phạm vi, mức độ, màu sắc đậm nhạt của các sự kiện, hiện tượng tác gia, tác phẩm cụ thể. Điều này cho phép chúng ta xác định tính tương đồng của những điều kiện kinh tế, văn hóa – văn học của hai nước trong quĩ đạo Đông Á trước đây, từ đó nhận diện rõ hơn quá trình phát triển trong thời đại hội nhập, phát triển, hiện đại hóa, quốc tế hóa từ đầu thế kỷ XX đến nay và những thập kỷ tiếp theo.

    Hà Nội, tháng 10-2013



    _____________

    (1) Komisook - Jungmin - Jung Byung Sul: Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX (Jeon Hye Kyung - Lý Xuân Chung biên dịch và chú giải). Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, 304 trang.

    (2) Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X. Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2000, 530 trang.

    - Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Đọc Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X. Đại đoàn kết Cuối tuần, số ra ngày 11-2-2001, tr.9.

    (3) Jung Min: Đặc điểm và khái quát lịch sử Hàn Quốc, trong phần Lời tựa, trong sách Văn học chữ Hán của Koryo thời kỳ đầu, trong sách Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX (Jeon Hye Kyung - Lý Xuân Chung biên dịch và chú giải). Sđd, tr.16-19.

    (4) Bùi Duy Tân: Khái luận văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X - XIX), trong sách Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X - XIX), Tập I – Văn học thế kỷ X – XV. Tái bản. Nxb. Giáo dục, H., 2006, tr.7-8.

    (5) Jung Min: Văn học chữ Hán của Koryo thời kỳ đầu, trong sách Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX (Jeon Hye Kyung - Lý Xuân Chung biên dịch và chú giải). Sđd, tr.86-87.

    (6) Nguyễn Hữu Sơn: Tương đồng các tiểu truyện thiền sư Hàn Quốc và Việt Nam trước thế kỷ XIV. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc từ quá khứ, hiện tại đến tương lai do Trường Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 1/12/2012, tr.1-2/9.

    - Xem thêm M.I. Nikitina - A. Ph. Trôxêvits: Lịch sử văn học Triều Tiên từ khởi nguyên đến thế kỷ XIV. Nxb. Khoa học, Mátxcơva, 1969, tr.178-210. Tiếng Nga.

    (6) Xin xem: - Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thuý Nga dịch, giới thiệu). Phân viện Nghiên cứu Phật học và Nxb. Văn học, H., 1990; 254 trang.

    - Thiền uyển tập anh (Jeong Cheon Gu 정천구dịch sang tiếng Hàn). Nxb. Dân tộc, Seoul, 2001, 288 trang.

    (7) Tam tổ thực lục (Thích Phước Sơn dịch và chú). Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1995, 246 trang.

    (8) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh (Chuyên khảo). Nxb. Khoa học xã hội, H., 2002, 372 trang. Tái bản, 2003…

    (9) Hàn Quốc (Đất nước – Con người). Tái bản. Trung tâm Dịch vụ thông tin hải ngoại của Hàn Quốc Xb, Seoul, 1993, tr.111.

    (10) Nhiều tác giả: Lời tựa, trong sách Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX (Jeon Hye Kyung - Lý Xuân Chung biên dịch và chú giải). Sđd, tr.25-26.

    (11) Jung Min: Phương hướng của văn học chữ Hán trong thời kỳ đầu triều đại Cho Son, trong sách Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX (Jeon Hye Kyung - Lý Xuân Chung biên dịch và chú giải). Sđd, tr.142.

    (12) Kim Vạn Trọng: Cứu vân mộng (Giấc mơ chín tầng mây) (Jeon Hye Kyung - Lý Xuân Chung dịch; Phan Văn Các hiệu đính và dịch thơ). Nxb. Khoa học xã hội, H., 2007, 284 trang.

    (13) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Vấn đề con người cá nhân trong văn học cổ - nhìn từ góc độ lý thuyết, trong sách Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam. Nxb. Giáo dục Việt Nam, H., 2010, tr.15-42.

    (14) Jung Min: Sự giải thể thể loại văn học chữ Hán và nền văn minh mới, trong sách Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX (Jeon Hye Kyung - Lý Xuân Chung biên dịch và chú giải). Sđd, tr.298-299.

    Nguyễn Hữu Sơn - PGS. TS., Viện văn học Việt Nam

    Nguồn: Tham luận đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Văn học Hàn Quốc trong bối cảnh châu Á” (International Conference on Korean Literature in Asian Perspective) do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Tp. HCM tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu văn hóa trung ương Hàn Quốc (The Academy of Korean Studies) vào ngày 07 ~ 08.01.2014.


    Bộ môn Hàn Quốc học - Department of Korean Studies

    http://www.hanquochoc.edu.vn/cps/nghiencuu/ngongnuhanquoc/2014/4/947.aspx


      Hôm nay: 22nd November 2024, 15:51