Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    “THÂN LỪA ƯA NẶNG”

    QaniTri
    QaniTri
    Admin

    Nam Libra Monkey
    Tổng số bài gửi : 1568
    Tiền xu Ⓑ : 3891
    Được cảm ơn № : 6
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 07/01/2013
    Đến từ Đến từ : HCMC
    Côngviệc / Sởthix Côngviệc / Sởthix : Languages, Softwares, Sciences, Martial arts

    “THÂN LỪA ƯA NẶNG” Empty “THÂN LỪA ƯA NẶNG”

    Bài gửi by QaniTri 15th April 2016, 01:18

      Trẻ con khi mới ở tuổi nhà trẻ mẫu giáo, thường rất khó bảo. Khó bảo vì chúng còn nhỏ, được người lớn chiều chuộng nên nhiều khi cố tình “nhõng nhẽo”. Nhưng cũng có phần do chưa có kinh nghiệm sống nên coi thường lời khuyên bảo, bỏ ngoài tai tất cả những lời nhắc nhở của người có kinh nghiệm hơn. Chúng cầm quả ớt, người lớn trông thấy đã “hết hồn”, đưa tay giành lấy là nó sẵn sàng lăn ra ăn vạ. Thấy chúng nhảy từ trên giường xuống đất, người lớn nhắc nhở vì sợ chúng ngã, chẳng may sẽ què chân gãy tay. Nhưng nào chúng có chịu nghe, thậm chí còn leo lên, nhảy từ chỗ cao hơn. Nhiều bậc làm cha mẹ có kinh nghiệm sau vài lần nhắc nhở không có tác dụng khuyên cứ kệ nó để có được bài học kinh nghiệm. Lỡ ớt dính vào miệng, khóc thét lên vì cay, nhảy từ cao xuống thấp, ngã đau điếng, … thế là tự chừa, chả cần ai nhắc nhở. Người ta bảo thế là “thân lừa ưa nặng”.


    “THÂN LỪA ƯA NẶNG” 34q64w8
    Thời còn đi dạy học, học trò cấp 3 đã lớn, nhìn chung đều biết những điều hay lẽ phải thông thường nên khi nghe thầy cô nhắc nhở điều gì đều nghiêm chỉnh chấp hành. Bỏ ngoài tai chắc chỉ có số ít học sinh hư. Đến khi nhận kết quả xấu như phải thi lại, chịu cảnh cáo, mời phụ huynh, … thì mới “tỉnh đòn”. Thế cũng là “thân lừa ưa nặng”.
    Người đi lại trên đường, biết bao điều luật đã quy định, biết bao lời cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đã nhắc nhở, rồi còn những lưu ý của người thân, nhưng nhiều người vẫn bỏ ngoài tai. Tới khi kẻ gãy tay, người què chân, thậm chí “hai năm mươi” thì đã quá muộn. Thế cũng là “thân lừa ưa nặng”.

    “THÂN LỪA ƯA NẶNG” Best_6b26654bb2-1-1456988192-1456932404-dap-chieu
    Trong cuộc đời mỗi con người, cái tật “thân lừa ưa nặng” sẽ “mai một” theo thời gian. Càng nhiều tuổi, người ta càng thận trọng, có suy xét trước khi nói năng hành xử, chẳng cần được người khác nhắc nhở. Xưa các cụ bảo “tứ thập nhi bất hoặc” chắc cũng nhờ những sự từng trải suốt quá nửa đời người, cho nên người tử tế, đứng đắn chắc không bao giờ bị chê trách “thân lừa ưa nặng”.
    Nhưng đáng tiếc những năm gần đây, nhiều người không chỉ đã lớn mà đã già (vì nghỉ hưu từ lâu), nghĩa là rất từng trải, đã có nhiều kinh nghiệm sống, lại là cán bộ cao cấp (toàn cỡ gần hai trăm người đứng đầu cả), chắc ai cũng cỡ năm mươi tuổi đảng trở lên (nghĩa là đã được đảng “là đạo đức là văn minh” rèn luyện gần cả cuộc đời), thế mà đáng tiếc những lẽ phải thông thường nhất họ cũng không biết.
    Trong cái thời buổi kinh tế thị trường này, tôi chẳng dám mong, càng không dám yêu cầu ai phải hy sinh vì lòng tham con người là vô đáy, nhưng chí ít con người ta cũng chỉ nên hưởng đúng cái “suất” mà mình đáng được hưởng. “Ngậm miệng ăn tiền” để được phần hơn  đã là vô liêm sỉ, dùng quyền hành để tranh giành phần hơn thì vô liêm sỉ cấp cao, còn lợi dụng tí chút công lao trong quá khứ, lợi dụng sự nể vì của những người đương chức vì trước đây thuộc loại “đàn em” để bo bo giữ những cái mà mình không đáng được hưởng thì có lẽ phải phong vô liêm sỉ cấp ngoại hạng.
    Chung quy chỉ vì họ sống trong “vùng cấm” quá lâu, họ luôn coi mình là đối tượng “bất khả xâm phạm” nên trước dư luận, họ luôn luôn “trơ như đá, vững như đồng”.
    Lẽ ra khi có lời nhắc nhở, thậm chí chỉ cần nghe lời “bóng gió”, người còn đôi chút liêm sỉ phải chạnh lòng, điều chỉnh ngay hành vi của mình cho hợp với lẽ thường. Thế đã là đáng trách, người tử tế chẳng bao giờ để xảy ra chuyện như thế.
    Đến khi công luận phải lên tiếng, tên tuổi được bêu riếu khắp bàn dân thiên hạ, thế mà vẫn còn “cãi chày cãi cối”, kêu rằng tòa ngang dãy dọc có được do lao động tới mức “thối cả móng tay”, sống trong căn biệt thự chiếm đoạt mà vẫn kêu rằng “sống đàng hoàng” thì chẳng khác gì Chí Phèo thời hiện đại.
    Phải cho tới khi “chết đến đít”, biết là “nuốt không trôi” mới mở miệng xin lỗi, mới xin trả cái phần mình cướp đoạt thì chắc Chí Phèo có sống lại cũng phải tôn làm sư phụ.
    Thế mới biết, đâu phải chỉ có trẻ con, người chưa đủ tuổi thành niên hay “trẻ người non dạ” mới lâm vào cảnh “thân lừa ưa nặng”!

    10/12/2014
    Ông giáo làng


      Hôm nay: 26th April 2024, 20:30