Mùa màng
Tôi bơi giữa cánh đồng làng Nồm nam gió đổ sóng vàng quanh tôi Thì thầm lúa nói với môi Cái mùi thơm của ngàn đời mùa chiêm Mai em đi chợ giẽ liềm Trưa ngồi chẻ lạt bên thềm mình tôi Tôi còn có lúc thảnh thơi Cứ tất bật suốt cả đời là em Vào mùa rồi bấn bíu thêm Ngày rồi hai bữa cơm đèn làng tôi Ðường làng bề bộn rơm phơi Trong rơm có cả tiếng cười trẻ con Trưa hè ve rít từng cơn Mẹ già chống gậy mang cơm ra đồng Miếng cơm và giữa mênh mông Canh cua ngọt với cà đồng giòn tan... Chạm chân tre ấy đường làng Dang tay rẽ sóng lúa vàng, tôi lên. Phạm Công Trứ | |
Hãy xem Phạm Công Trứ cảm nhận mùa màng ra sao? "Cái mùi thơm của ngàn đời mùa chiêm" thì rõ là xưa cũ quá đi rồi, nhưng mà 'lúa nói với môi" lại đích thị tân kỳ. Thực ra, những chuyện "em đi chợ giẽ liềm", chuyện "chẻ lạt bên thềm", hay cái cảnh "đường làng bề bộn rơm phơi", "mẹ già chống gậy mang cơm ra đồng", rồi cả những thanh âm đặc trưng của mùa màng như: "trong rơm có cả tiếng cười trẻ con" và "trưa hè ve rít từng cơn" đều là những gì rất đỗi bình dị, thân thuộc với nhà nông. Bình dị và thân thuộc đến mức với người nông dân thì những thứ đó chẳng có gì đáng chú ý cả, nó nghiễm nhiên như việc hàng ngày phải ăn uống, hít thở khí trời vậy, hà cớ gì mà PHẢI THƠ VỚI CHẢ PHÚ. ẤY VẬY MÀ SAU HÀNG LOẠT NHỮNG CÂU KỂ NHƯ THẾ, PHẠM Công Trứ đã xâu chuỗi, liên kết chúng lại, thổi hồn thơ vào đó, bằng một câu thơ cũng rất đỗi bình dị: "Miếng cơm và giữa mênh mông / Canh cua NGỌT VỚI CÀ ĐỒNG GIÒN TAN". ẤY LÀ CÁI TÀI CỦA ANH.
Người ta bảo, ngày trước, giá như nhà thơ Nguyễn Bính không có sẵn cái máu phiêu lưu giang hồ thì chắc gì đã có thơ về làng quê hay đến vây!? Cha ông xưa dạy "xa thương, gần thường" có lẽ là đây. Nguyễn Bính không phiêu bạt nơi chân trời góc bể thì đâu ra nỗi nhớ quê da diết để rồi hồn quê thấm đẫm trong thơ ông. Có gì đó giống bậc tiền nhân, mà lại không phải thế, Phạm Công Trứ - người con của những vụ chiêm mùa, của rơm rạ và cua đồng, rời làng quê ra đô thị học hành, rồi đến tận trời Âu tuyết trắng và trở về với văn phòng máy lạnh, vi tính. Nếu như không có cái thuở mà từ đó ra đi, để rồi sau này Phạm Công Trứ cảm thán: "... Ta lớn lên sau lưng là thuở ấy / Cứ đêm đêm đom đóm lại lập loè / Những đứa trẻ vẫn đóng bè cây chuối / Vẫn phất diều, khoét sáo dưới trời quê" trong một bài thơ khác, thì dám chắc anh cũng khó có thể thi vị hoá những thứ rất đỗi bình thường kia. Anh biết ơn tất thẩy những gì thuộc về quá khứ làng quê, bởi đó vừa là bệ phóng cho anh nên người, lại là bến bờ cho anh trở về: "... Dang tay rẽ sóng lúa vàng, tôi lên".
Từ tình cảm riêng tư của mình với quê hương, Phạm Công Trứ như đã nhập vào mọi người, bởi lẽ, có nhiều người đồng cảm với anh. Tôi tin là thế!..."./.
Nguyễn Chu Nhạc
vuhuu.edu.vn