Một ngôn ngữ làm tròn công năng của nó là nhờ những sự phân biệt. Những sự phân biệt về hình thức – âm thanh, trật tự của các dấu hiệu, v.v… – không nhiều thì ít đều báo hiệu những sự phân biệt về nội dung, tức về nghĩa, và những phương tiện phân biệt về hình thức càng phong phú bao nhiêu thì những nội dung được truyền đạt càng minh xác và tinh tế bấy nhiêu.
Vì vậy, khi những người thuộc thế hệ trước thấy trong tiếng mẹ đẻ có những sự phân biệt bị đánh mất đi, họ tất nhiên phải có phần lo lắng tự hỏi: không biết đây có phải là một bước phát triển có tính quy luật của ngôn ngữ hay chỉ là kết quả của một sự khinh suất nào đó đã dần dần phổ biến để trở thành một thói quen chung được mọi người dung thứ rồi rốt cục chấp nhận như một chuẩn mực?
Trong bài này, chúng tôi muốn nói đến một hiện tượng rất phổ biến trong cách sử dụng tiếng Việt của các văn bản xuất hiện vào khoảng mươi năm nay trên báo chí, sách vở, kể cả văn bản khoa học và nghệ thuật: đó là lối sử dụng dù (dầu, dẫu, cho dù, dù cho, cho dầu, dầu cho, dẫu cho) thay cho tuy và mặc dầu.
Ngày nay, dù được dùng phổ biến hơn hẳn tuy và mặc dầu ở những chỗ mà trước những năm 70, người cầm bút vẫn dùng hai từ sau với một ý nghĩa khác hẳn. Vậy sự khác nhau ấy ra sao?
So sánh cách dùng các từ nói trên với nhau trong các tác phẩm cổ điển của thế kỷ 18 như Truyện Kiều, ta thấy rằng một mặt, dù được dùng theo một nghĩa cũ không còn có trong cách dùng ngày nay: nghĩa của nếu (đánh dấu một câu phụ chỉ điều kiện) chẳng hạn như trong câu:
Mai sau dù có bao giờ
Thắp lò hương ấy so tơ phím này,
Trông ra ngọn cỏ cành cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Cách dùng theo nghĩa này cũng thấy còn lại trong ca dao tục ngữ cận đại và hiện đại:
Dù ai lấy được chồng khôn,
Như hũ vàng cốm anh chôn đầu giường.
Vào thời ấy, chữ nẻo chưa biến âm thành chữ nếu và được dùng thay cho dù như bây giờ, và ta không được rõ sự phân biệt giữa hai ý nghĩa dù và nếu như hiện nay được diễn đạt như thế nào. Rất có thể là nó được dùng để diễn đạt cả hai nghĩa, vì cả hai đều có chứa đựng ý nghĩa “điều kiện”, tức ý nghĩa “giả định”. Vậy, mặt khác, giữa dù của thời trước và nếu của ngày nay vẫn có một điểm chung khiến cho hai chữ đó khác hẳn với tuy và mặc dầu, tuy hiện nay giữa dù và nếu đã có một sự phân biệt rất rõ ràng.
Sự khác nhau này cũng phổ quát không kém gì sự khác nhau giữa dù và tuy. Chữ nếu dùng để đánh dấu tính điều kiện của một sự thể giả định: Nếu trời mưa có nghĩa là “trong trường hợp mà trời có thể mưa (là nói giả dụ như thế)”. Sự thể giả định này đưa ra trong phát ngôn là để thông báo một điều gì khác (phần thuyết của câu, thường đi sau chữ thì) sẽ trở thành hiện thực khi nào cái sự thể giả định ấy trở thành hiện thực. Còn Dù trời mưa hay Dù cho trời có mưa có nghĩa là “ngay cả trong trường hợp mà trời có mưa (là nói giả dụ thế)”. Như vậy, so với nếu, dù có thêm cái ý “ngay cả”, cho biết là người nói tiền giả định rằng “trời mưa” là một hoàn cảnh thường cản trở việc thực hiện điều sẽ được nói ở phần thuyết. Đó không phải là một sự khác nhau ở tính chất hay chiều rộng của khung đề, mà là ở chỗ có hay không có một cái tiền giả định có liên quan đến tác dụng của sự thể (giả định) được trình bày trong khung đề đối với sự thể được trình bày trong phần thuyết.
Bây giờ ta thử xem trong tiếng Việt hiện đại, ít nhất là trước 1970, dù (dù cho, dầu cho, dẫu cho, v.v.) khác với tuy và mặc dầu (mặc dù) như thế nào. Ta thử so sánh hai câu sau đây:
(1) a. Tuy/ Mặc dầu hôm qua trời mưa to, tôi vẫn đến.
b. Ngày mai dù có mưa to gió lớn thế nào tôi cũng sẽ đến.
Sự khác nhau quan yếu giữa hai bên là ở chỗ: Trong khi chuyện hôm qua mưa to là một hiện thực, thì chuyện ngày mai mưa to chỉ là một giả định. Đây là một sự phân biệt mà loại hình học ngôn ngữ đã nhận thấy tính phổ quát từ khá lâu. Trong khi hành chức, ngôn ngữ không thể không phân biệt giữa việc trần thuật những sự việc có diễn ra thực (nhất là những sự việc mà người nói có chứng kiến, với những giả định, những dự kiến, những phỏng đoán, những suy diễn, vốn chỉ có trong trí óc con người chứ không hề có (hay ít nhất là chưa hề có) trong thế giới hiện thực, dù những dự đoán ấy có chắc chắn đến đâu chăng nữa. Ngôn ngữ học cũng đã dần dần nhận ra mối quan hệ đương nhiên giữa “thì tương lai” và cách diễn đạt tính không hiện thực: trong rất nhiều ngôn ngữ, cái mà người ta vẫn tưởng là “thì tương lai” thật ra là một hình thức diễn đạt ý nghĩa tình thái phi hiện thực, trong những ngôn ngữ có hình thái học có thể làm thành một thức (mood) riêng, thức giả định.
So sánh hai câu dẫn trên và những câu tương tự, ta thấy sự phân biệt [± Hiện thực] hay hiện thực/giả định giữa dù và tuy/mặc dầu lộ rõ ở chỗ hai từ sau không dùng cho những sự thể được giả định hay dự kiến cho tương lai. Những câu như:
(2) a.* Ngày mai, tuy/mặc dù trời mưa to, tôi cũng sẽ đến.
b.* Sau này, tuy không gặp nhau, tôi cũng sẽ nhớ đến anh.
đều không ổn, và khó lòng có thể gặp trong một văn bản cũ, như trong tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn chẳng hạn. Và ngay cả những người ngày nay thường dùng tuy và mặc dầu cho những câu như thế cũng phải thừa nhận.
Ngoài ra, tuy và mặc dầu cũng không thể dùng trong những câu chứa đựng một phần đề được đánh dấu là [± bất định/nghi vấn] hay một phần thuyết chứa đựng một tham tố [± bất định/nghi vấn]:
3. a.* Tuy/Mặc dầu có ai nói như vậy anh cũng đừng tin
b.* Mặc dù/Tuy cần gì, anh cứ hỏi tôi.
c.* Tuy/Mặc dầu sao, nó cũng là em tôi.
d.* Mặc dầu/Tuy có đi đâu nó cũng nhớ về Hà Nội.
Trong những câu như thế, tuy và mặc dầu đều phải được thay bằng dù.
Cuối cùng, giữa dù và tuy/mặc dầu còn có một sự phân biệt rõ rệt về cú pháp nữa. Một khung đề mở đầu bằng dù bao giờ cũng có thể được đánh dấu biên giới bằng thì, trong khi những câu trạng ngữ mở đầu bằng tuy và mặc dầu, vốn không phải là khung đề, không bao giờ được đánh dấu như vậy.
Trên đây là tình hình trong tiếng Việt hiện đại kể cho tới những năm 70 của thế kỷ. Còn hiện nay thì không còn như thế nữa. Cùng với ưu thế ngày càng lấn át của những lối viết bất thành cú, với những câu lẫn lộn chủ đề với khung đề (như: Trong tình hình này đòi hỏi khắc phục ngay các tồn tại), lẫn lộn trạng ngữ với câu (như: Với những cố gắng vượt bậc nhưng họ vẫn không giải quyết được dứt điểm), lẫn lộn giữa trạng ngữ với chủ đề (như: Bằng những hình tượng sắc nét của tác giả đã cho thấy…) (*), cách hành văn của một số người viết gần đây đã đánh mất những sự phân biệt quan trọng cho phép tiếng Việt truyền đạt những sắc thái tinh tế của tư duy, như sự phân biệt giữa xác định và bất định, giữa danh ngữ có sở chỉ và danh ngữ không có sở chỉ, giữa tiêu điểm và chủ đề, và cả những sự phân biệt cơ bản như giữa hiện thực và phi hiện thực.
Ngày nay ta thấy có rất nhiều người dùng dù vừa như một tác tử điều kiện, vừa như một tác tử “nhân nhượng” (= tuy), chẳng hạn:
4. a. Dù nói tiếng Anh rất khá, anh ta chỉ có bằng A.
….b. Dù chưa quen anh, tôi đã đọc truyện ngắn của anh từ lâu.
….c. Dù anh đã khuyên tôi nhiều lần, nhưng tôi vẫn chưa thông.
….d. Dù nó rất giỏi môn lý, thì giám khảo cũng đánh trượt nó.
….e. Dân bản xứ vẫn còn lo sợ dù tình hình đã lắng dịu hẳn.
Có thể nói rằng trong tất cả các câu này, người viết đều có ý muốn nói tuy hay mặc dầu, nhưng cái tập quán dùng đúng những từ cần dùng để diễn đạt cái ý này đã mất đi rồi. Trong tất cả các câu trên không có lấy một lý do nhỏ nào để cho rằng cái mệnh đề bắt đầu bằng dù có tính chất giả định. Việc dùng dù tỏ ra đặc biệt phi lý trong những câu như (4)b, và (4)c, trong đó người nói (tôi) và người nghe (anh) tất nhiên phải biết chắc chắn rằng mệnh đề đi sau dù là đúng sự thật, chứ tuyệt nhiên không có tính giả định. Trong (4)a và (4)d, dù không thể dung hòa với rất, vốn không thể dùng trong những câu phi hiện thực như * Tôi muốn tìm mua một cái xe rất tốt (chỉ có thể nói một cái xe thật tốt).
Như chúng tôi đã nói ở phần đầu bài này, đây có thể là một sự chuyển biến có tính quy luật khách quan, do yêu cầu phát triển tự nhiên của tiếng Việt mà có. Ngay những kiểu câu như Với những hành động ấy cho thấy họ thiếu trách nhiệm cũng phải xét kỹ xem có phải là phạm lỗi không. Ta cứ nhìn sang tiếng Pháp mà xem: tiếng Pháp trở thành một ngôn ngữ như ngày nay chính là do những lỗi ngữ pháp và từ vựng mà người bản xứ vì không nói đúng được tiếng La-tinh, phạm phải mà ra. Nhưng chúng tôi trộm nghĩ đó là trường hợp khác: những lỗi làm cho tiếng Việt mất đi những phương tiện diễn đạt hữu hiệu và tinh tế như vậy khó lòng có thể coi là một hiện tượng tiến bộ.
———————————–
(*) Theo thống kê của chúng tôi, trên hai đài truyền hình TP Hồ Chí Minh và Hà Nội (do đài TP Hồ Chí Minh tiếp sóng), năm 1986 số lỗi thuộc các loại này chiếm khoảng 1,20% số câu trong một buổi truyền hình, nhưng đến năm 1996, số lỗi ấy lên đến 9,30%. Nếu chỉ lấy những câu có trạng ngữ đứng đầu mà vị từ cần có một chủ ngữ (tức chủ đề) để tính tỷ lệ, ta sẽ có con số khủng khiếp là 66% câu sai. Như vậy, có thể nói rằng viết câu sai kiểu ấy đã thành một cái mốt được nhiều người ưa chuộng. Chẳng hạn những câu như Đội tuyển ta sẽ chiến thắng hay Kinh nghiệm cho ta thấy… hình như bị nhiều người cho là dở hay cổ lỗ gì đó, cho nên cần thay bằng Với đội tuyển, ta sẽ chiến thắng hay Qua kinh nghiệm cho ta thấy… thì mới hay mới hợp thời!
tiengme.org
Vì vậy, khi những người thuộc thế hệ trước thấy trong tiếng mẹ đẻ có những sự phân biệt bị đánh mất đi, họ tất nhiên phải có phần lo lắng tự hỏi: không biết đây có phải là một bước phát triển có tính quy luật của ngôn ngữ hay chỉ là kết quả của một sự khinh suất nào đó đã dần dần phổ biến để trở thành một thói quen chung được mọi người dung thứ rồi rốt cục chấp nhận như một chuẩn mực?
Trong bài này, chúng tôi muốn nói đến một hiện tượng rất phổ biến trong cách sử dụng tiếng Việt của các văn bản xuất hiện vào khoảng mươi năm nay trên báo chí, sách vở, kể cả văn bản khoa học và nghệ thuật: đó là lối sử dụng dù (dầu, dẫu, cho dù, dù cho, cho dầu, dầu cho, dẫu cho) thay cho tuy và mặc dầu.
Ngày nay, dù được dùng phổ biến hơn hẳn tuy và mặc dầu ở những chỗ mà trước những năm 70, người cầm bút vẫn dùng hai từ sau với một ý nghĩa khác hẳn. Vậy sự khác nhau ấy ra sao?
So sánh cách dùng các từ nói trên với nhau trong các tác phẩm cổ điển của thế kỷ 18 như Truyện Kiều, ta thấy rằng một mặt, dù được dùng theo một nghĩa cũ không còn có trong cách dùng ngày nay: nghĩa của nếu (đánh dấu một câu phụ chỉ điều kiện) chẳng hạn như trong câu:
Mai sau dù có bao giờ
Thắp lò hương ấy so tơ phím này,
Trông ra ngọn cỏ cành cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Cách dùng theo nghĩa này cũng thấy còn lại trong ca dao tục ngữ cận đại và hiện đại:
Dù ai lấy được chồng khôn,
Như hũ vàng cốm anh chôn đầu giường.
Vào thời ấy, chữ nẻo chưa biến âm thành chữ nếu và được dùng thay cho dù như bây giờ, và ta không được rõ sự phân biệt giữa hai ý nghĩa dù và nếu như hiện nay được diễn đạt như thế nào. Rất có thể là nó được dùng để diễn đạt cả hai nghĩa, vì cả hai đều có chứa đựng ý nghĩa “điều kiện”, tức ý nghĩa “giả định”. Vậy, mặt khác, giữa dù của thời trước và nếu của ngày nay vẫn có một điểm chung khiến cho hai chữ đó khác hẳn với tuy và mặc dầu, tuy hiện nay giữa dù và nếu đã có một sự phân biệt rất rõ ràng.
Sự khác nhau này cũng phổ quát không kém gì sự khác nhau giữa dù và tuy. Chữ nếu dùng để đánh dấu tính điều kiện của một sự thể giả định: Nếu trời mưa có nghĩa là “trong trường hợp mà trời có thể mưa (là nói giả dụ như thế)”. Sự thể giả định này đưa ra trong phát ngôn là để thông báo một điều gì khác (phần thuyết của câu, thường đi sau chữ thì) sẽ trở thành hiện thực khi nào cái sự thể giả định ấy trở thành hiện thực. Còn Dù trời mưa hay Dù cho trời có mưa có nghĩa là “ngay cả trong trường hợp mà trời có mưa (là nói giả dụ thế)”. Như vậy, so với nếu, dù có thêm cái ý “ngay cả”, cho biết là người nói tiền giả định rằng “trời mưa” là một hoàn cảnh thường cản trở việc thực hiện điều sẽ được nói ở phần thuyết. Đó không phải là một sự khác nhau ở tính chất hay chiều rộng của khung đề, mà là ở chỗ có hay không có một cái tiền giả định có liên quan đến tác dụng của sự thể (giả định) được trình bày trong khung đề đối với sự thể được trình bày trong phần thuyết.
Bây giờ ta thử xem trong tiếng Việt hiện đại, ít nhất là trước 1970, dù (dù cho, dầu cho, dẫu cho, v.v.) khác với tuy và mặc dầu (mặc dù) như thế nào. Ta thử so sánh hai câu sau đây:
(1) a. Tuy/ Mặc dầu hôm qua trời mưa to, tôi vẫn đến.
b. Ngày mai dù có mưa to gió lớn thế nào tôi cũng sẽ đến.
Sự khác nhau quan yếu giữa hai bên là ở chỗ: Trong khi chuyện hôm qua mưa to là một hiện thực, thì chuyện ngày mai mưa to chỉ là một giả định. Đây là một sự phân biệt mà loại hình học ngôn ngữ đã nhận thấy tính phổ quát từ khá lâu. Trong khi hành chức, ngôn ngữ không thể không phân biệt giữa việc trần thuật những sự việc có diễn ra thực (nhất là những sự việc mà người nói có chứng kiến, với những giả định, những dự kiến, những phỏng đoán, những suy diễn, vốn chỉ có trong trí óc con người chứ không hề có (hay ít nhất là chưa hề có) trong thế giới hiện thực, dù những dự đoán ấy có chắc chắn đến đâu chăng nữa. Ngôn ngữ học cũng đã dần dần nhận ra mối quan hệ đương nhiên giữa “thì tương lai” và cách diễn đạt tính không hiện thực: trong rất nhiều ngôn ngữ, cái mà người ta vẫn tưởng là “thì tương lai” thật ra là một hình thức diễn đạt ý nghĩa tình thái phi hiện thực, trong những ngôn ngữ có hình thái học có thể làm thành một thức (mood) riêng, thức giả định.
So sánh hai câu dẫn trên và những câu tương tự, ta thấy sự phân biệt [± Hiện thực] hay hiện thực/giả định giữa dù và tuy/mặc dầu lộ rõ ở chỗ hai từ sau không dùng cho những sự thể được giả định hay dự kiến cho tương lai. Những câu như:
(2) a.* Ngày mai, tuy/mặc dù trời mưa to, tôi cũng sẽ đến.
b.* Sau này, tuy không gặp nhau, tôi cũng sẽ nhớ đến anh.
đều không ổn, và khó lòng có thể gặp trong một văn bản cũ, như trong tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn chẳng hạn. Và ngay cả những người ngày nay thường dùng tuy và mặc dầu cho những câu như thế cũng phải thừa nhận.
Ngoài ra, tuy và mặc dầu cũng không thể dùng trong những câu chứa đựng một phần đề được đánh dấu là [± bất định/nghi vấn] hay một phần thuyết chứa đựng một tham tố [± bất định/nghi vấn]:
3. a.* Tuy/Mặc dầu có ai nói như vậy anh cũng đừng tin
b.* Mặc dù/Tuy cần gì, anh cứ hỏi tôi.
c.* Tuy/Mặc dầu sao, nó cũng là em tôi.
d.* Mặc dầu/Tuy có đi đâu nó cũng nhớ về Hà Nội.
Trong những câu như thế, tuy và mặc dầu đều phải được thay bằng dù.
Cuối cùng, giữa dù và tuy/mặc dầu còn có một sự phân biệt rõ rệt về cú pháp nữa. Một khung đề mở đầu bằng dù bao giờ cũng có thể được đánh dấu biên giới bằng thì, trong khi những câu trạng ngữ mở đầu bằng tuy và mặc dầu, vốn không phải là khung đề, không bao giờ được đánh dấu như vậy.
Trên đây là tình hình trong tiếng Việt hiện đại kể cho tới những năm 70 của thế kỷ. Còn hiện nay thì không còn như thế nữa. Cùng với ưu thế ngày càng lấn át của những lối viết bất thành cú, với những câu lẫn lộn chủ đề với khung đề (như: Trong tình hình này đòi hỏi khắc phục ngay các tồn tại), lẫn lộn trạng ngữ với câu (như: Với những cố gắng vượt bậc nhưng họ vẫn không giải quyết được dứt điểm), lẫn lộn giữa trạng ngữ với chủ đề (như: Bằng những hình tượng sắc nét của tác giả đã cho thấy…) (*), cách hành văn của một số người viết gần đây đã đánh mất những sự phân biệt quan trọng cho phép tiếng Việt truyền đạt những sắc thái tinh tế của tư duy, như sự phân biệt giữa xác định và bất định, giữa danh ngữ có sở chỉ và danh ngữ không có sở chỉ, giữa tiêu điểm và chủ đề, và cả những sự phân biệt cơ bản như giữa hiện thực và phi hiện thực.
Ngày nay ta thấy có rất nhiều người dùng dù vừa như một tác tử điều kiện, vừa như một tác tử “nhân nhượng” (= tuy), chẳng hạn:
4. a. Dù nói tiếng Anh rất khá, anh ta chỉ có bằng A.
….b. Dù chưa quen anh, tôi đã đọc truyện ngắn của anh từ lâu.
….c. Dù anh đã khuyên tôi nhiều lần, nhưng tôi vẫn chưa thông.
….d. Dù nó rất giỏi môn lý, thì giám khảo cũng đánh trượt nó.
….e. Dân bản xứ vẫn còn lo sợ dù tình hình đã lắng dịu hẳn.
Có thể nói rằng trong tất cả các câu này, người viết đều có ý muốn nói tuy hay mặc dầu, nhưng cái tập quán dùng đúng những từ cần dùng để diễn đạt cái ý này đã mất đi rồi. Trong tất cả các câu trên không có lấy một lý do nhỏ nào để cho rằng cái mệnh đề bắt đầu bằng dù có tính chất giả định. Việc dùng dù tỏ ra đặc biệt phi lý trong những câu như (4)b, và (4)c, trong đó người nói (tôi) và người nghe (anh) tất nhiên phải biết chắc chắn rằng mệnh đề đi sau dù là đúng sự thật, chứ tuyệt nhiên không có tính giả định. Trong (4)a và (4)d, dù không thể dung hòa với rất, vốn không thể dùng trong những câu phi hiện thực như * Tôi muốn tìm mua một cái xe rất tốt (chỉ có thể nói một cái xe thật tốt).
Như chúng tôi đã nói ở phần đầu bài này, đây có thể là một sự chuyển biến có tính quy luật khách quan, do yêu cầu phát triển tự nhiên của tiếng Việt mà có. Ngay những kiểu câu như Với những hành động ấy cho thấy họ thiếu trách nhiệm cũng phải xét kỹ xem có phải là phạm lỗi không. Ta cứ nhìn sang tiếng Pháp mà xem: tiếng Pháp trở thành một ngôn ngữ như ngày nay chính là do những lỗi ngữ pháp và từ vựng mà người bản xứ vì không nói đúng được tiếng La-tinh, phạm phải mà ra. Nhưng chúng tôi trộm nghĩ đó là trường hợp khác: những lỗi làm cho tiếng Việt mất đi những phương tiện diễn đạt hữu hiệu và tinh tế như vậy khó lòng có thể coi là một hiện tượng tiến bộ.
Cao Xuân Hạo
———————————–
(*) Theo thống kê của chúng tôi, trên hai đài truyền hình TP Hồ Chí Minh và Hà Nội (do đài TP Hồ Chí Minh tiếp sóng), năm 1986 số lỗi thuộc các loại này chiếm khoảng 1,20% số câu trong một buổi truyền hình, nhưng đến năm 1996, số lỗi ấy lên đến 9,30%. Nếu chỉ lấy những câu có trạng ngữ đứng đầu mà vị từ cần có một chủ ngữ (tức chủ đề) để tính tỷ lệ, ta sẽ có con số khủng khiếp là 66% câu sai. Như vậy, có thể nói rằng viết câu sai kiểu ấy đã thành một cái mốt được nhiều người ưa chuộng. Chẳng hạn những câu như Đội tuyển ta sẽ chiến thắng hay Kinh nghiệm cho ta thấy… hình như bị nhiều người cho là dở hay cổ lỗ gì đó, cho nên cần thay bằng Với đội tuyển, ta sẽ chiến thắng hay Qua kinh nghiệm cho ta thấy… thì mới hay mới hợp thời!
tiengme.org