Chẳng rõ tự khi nào, câu cách ngôn “Chị chờ em ở chợ Chì” đã in sâu trong tiềm thức của người dân vùng Chì, xã Bồng Lai, Quế Võ quê tôi. Chỉ biết rằng, xung quanh câu chuyện dân dã ấy là cả những giai thoại về tài ứng đối văn chương gắn liền với những địa danh của xứ sở Bồng Lai. Và để rồi bất kỳ ai có dịp ghé qua cũng đều thấy lưu luyến hẹn một ngày tao ngộ.
Nằm ngay sát triền đê sông Đuống, nơi có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những bãi ngô xanh ngút ngàn được đắp bồi bởi những hạt ngọc phù sa, cũng như bao phiên chợ quê khác, chợ Chì là điểm đến của mớ rau, con cá, những nông sản, vật dụng gắn liền với đời sống của người nông dân thuần phác. Hẹn nhau đến ngày chợ phiên, người quanh vùng đến chợ Chì không chỉ là trao đổi, mua bán, mà còn để gặp gỡ, tâm tình, để cùng nhau thưởng thức món cháo Chì nóng hổi, một đặc sản riêng có của vùng Chì. Và cũng từ nơi đây, giai thoại về “chị chờ em ở chợ Chì” đã được viết lên.
Chuyện xưa kể lại rằng, một hôm có ông quan phủ đi kinh lý ở vùng Thuận Thành. Trên đường đi, vị quan nọ đã dừng chân bên quán nước ven chợ Chì (nay thuộc huyện Quế Võ) để chờ đò qua sông Đuống. Vốn tính hay khoe khoang tài văn chương chữ nghĩa, nên sau khi hỏi chuyện người dân được một lát thì quan thở dài và lên giọng than phiền rằng đi đâu cũng không được gặp văn nhân tài tử. Có lẽ cái mảnh đất chợ Chì này cũng hiếm người đỗ đạt học hành.
Một vài người ngồi đó tỏ ý không bằng lòng, song vì sợ thế của quan nên không tiện phản đối. Biết được sự phật ý ấy, quan muốn chứng minh và cũng là để khoe tài của mình với mọi người, quan vừa cười vừa nói: “Đấy nhé, thử xem thì biết. Ta thử ra một vế đối, xem quanh đây ai đối được không. Nếu đối hay ta thưởng. Câu đối tức cảnh thôi. Đây là chợ Chì phải không? Thế thì ta ra câu đối này: Chị chờ em ở chợ Chì”.
Kể ra thì câu đối cũng khéo, có thể nói là hay. Quan dụng ý dùng tiểu xảo: Chị chờ nói lái là chợ Chì. Lối ra câu đối này rất thường. Cái khó là tìm ra một tên riêng để đối với chợ Chì, mà khi chuyển ra nói lái vẫn có nghĩa. Thành ra cả đám đông nghĩ mãi chẳng có ai đối được. Quan phủ càng đắc ý: “Đấy, ta nói có sai đâu! Câu đối dễ vậy mà các người nghĩ mãi không ra. Nhân tài ở đất này quả là hiếm thực”!
Đến lúc đó, mọi người trong quán càng ức vì sự mỉa mai của viên quan. Nhưng bỗng có tiếng nói từ bên vệ đường vọng vào: “Bẩm quan lớn, con xin đối”.
Nghe vậy, ai nấy đều nhìn ra ngoài. Người kia vừa nói vừa đặt đôi càng xe xuống đất, vụng về bước vào trong quán. Thì ra đó là một anh phu xe quần áo xuềnh xoàng, chiếc nón rách ngoắc bên vai. Anh ta ngồi đấy đã lâu đón khách, đang định kéo xe đi thì nghe tiếng quan ra câu đối nên vào để hưởng ứng câu chuyện văn chương của quan phủ. Mọi người đều ngạc nhiên và nghĩ rằng cái anh chàng phu xe này chắc gì đã biết chữ nhất là một, mà dám vào đối đáp. Quan phủ chừng như cũng khó chịu nên hất hàm nói: “Được, muốn đối thì cứ đối. Nhưng ta bảo trước, đối phải cho đúng phép tắc văn chương chứ không phải nói lảm nhảm vu vơ như các anh nói chuyện với nhau ở đầu đường góc chợ đâu nhé. Sai phép tắc ta nọc cổ ra đánh ngay tức khắc, lúc đó đừng có bảo là ta ác nghiệt đấy”.
Viên quan vừa nói xong, anh phu xe lễ phép: “Dạ, con đâu dám. Con làm nghề phu xe, chỉ xin lấy nghề nghiệp ra mà nói thôi. Quê con bên Gia Lâm, có cái thôn tên rất nôm na dân dã là Keo Táo. Vậy con xin được lấy cái tên ấy mà ghép vào câu. Câu quan lớn ra: Chị chờ em ở chợ Chì. Con xin đối là: Tao kéo mày về Keo Táo”.
Câu đối hay quá! Keo Táo nói lái cũng là tao kéo. Nghe xong, quan phủ như điếng người. Lúc đó, bà con ngồi chung quanh bụm miệng không dám cười to, nhưng tất thảy ai nấy đều hả hê, vì nghe từ chính miệng anh phu xe văng mày tao vào mặt quan mà quan phải chịu phép. Tiếc rằng, mọi người vì mải mê khen câu đối quá hay, quá chỉnh nên chẳng chẳng ai còn để ý đến việc viên quan phủ kia có giữ lời hứa, thưởng cho anh phu xe không…
Thuở nhỏ, mỗi khi theo bà ra chợ, bà tôi thường bảo “con gái làng này mà không nấu được cháo Chì thì chưa phải là người tháo vát, đảm đang”. Quả vậy, với người quê tôi, món cháo Chì dân dã nhưng chất chứa trong đó là sự mặn mòi của mồ hôi, thấm đẫm của hương đồng gió nội, là sự kết tinh những tinh túy của hạt gạo, của sự khéo léo qua bàn tay lao động của người dân thôn. Nguyên liệu nấu cháo chì gồm gạo tẻ ngâm nước rồi giã nhỏ, gạo nếp xay bột nước rồi lọc khô, sườn lợn, hành hoa, hạt tiêu và gia vị vừa đủ. Sườn lợn đem ninh lấy nước, tiếp đó cho bột gạo tẻ vào khuấy đều. Khi cháo đã nhừ, bột gạo nếp được se nhỏ bằng nửa đầu đũa rồi dùng kéo cắt từng khúc nhỏ (dạng con chì) vào nồi, khuất đều. Hai thứ gạo nếp, tẻ hòa quện tạo nên hương vị đặc trưng khiến bất kỳ ai có dịp thưởng thức đều nhớ mãi khôn nguôi.
Không chỉ nức tiếng với giai thoại “Chị chờ em ở chợ Chì”, với món cháo Chì thấm đượm chất quê, xứ sở Bồng Lai còn được biết đến với nhiều địa danh mà thoạt nghe, không ít người liên tưởng đến “miền cổ tích” như Sa Loan, Vũ Dương, kề bên là Mộ Đạo, Chi Lăng… là ngôi đền Đậu thâm nghiêm cổ kính-nơi thờ Bình Thiên Hiển Đức đại vương, một di tích lịch sử văn hóa, điểm hẹn tín ngưỡng tâm linh của bao người khi có dịp về Bồng Lai. Năm nay, người vùng Chì lại háo hức chờ đón lễ hội đền Đậu (16 - 20-3 Âm lịch), bởi theo tục lệ, đền Đậu cứ 3 năm lại mở hội một lần (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu). Đắm mình trong các sinh hoạt lễ hội như thi dệt vải, đấu vật, cờ người; cùng các nghi thức tế lễ dân gian, người ta như được thanh thản hơn, cùng ước nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, để người với người sống tốt với nhau hơn.
Chuyện xưa kể lại rằng, một hôm có ông quan phủ đi kinh lý ở vùng Thuận Thành. Trên đường đi, vị quan nọ đã dừng chân bên quán nước ven chợ Chì (nay thuộc huyện Quế Võ) để chờ đò qua sông Đuống. Vốn tính hay khoe khoang tài văn chương chữ nghĩa, nên sau khi hỏi chuyện người dân được một lát thì quan thở dài và lên giọng than phiền rằng đi đâu cũng không được gặp văn nhân tài tử. Có lẽ cái mảnh đất chợ Chì này cũng hiếm người đỗ đạt học hành.
Một vài người ngồi đó tỏ ý không bằng lòng, song vì sợ thế của quan nên không tiện phản đối. Biết được sự phật ý ấy, quan muốn chứng minh và cũng là để khoe tài của mình với mọi người, quan vừa cười vừa nói: “Đấy nhé, thử xem thì biết. Ta thử ra một vế đối, xem quanh đây ai đối được không. Nếu đối hay ta thưởng. Câu đối tức cảnh thôi. Đây là chợ Chì phải không? Thế thì ta ra câu đối này: Chị chờ em ở chợ Chì”.
Kể ra thì câu đối cũng khéo, có thể nói là hay. Quan dụng ý dùng tiểu xảo: Chị chờ nói lái là chợ Chì. Lối ra câu đối này rất thường. Cái khó là tìm ra một tên riêng để đối với chợ Chì, mà khi chuyển ra nói lái vẫn có nghĩa. Thành ra cả đám đông nghĩ mãi chẳng có ai đối được. Quan phủ càng đắc ý: “Đấy, ta nói có sai đâu! Câu đối dễ vậy mà các người nghĩ mãi không ra. Nhân tài ở đất này quả là hiếm thực”!
Đến lúc đó, mọi người trong quán càng ức vì sự mỉa mai của viên quan. Nhưng bỗng có tiếng nói từ bên vệ đường vọng vào: “Bẩm quan lớn, con xin đối”.
Nghe vậy, ai nấy đều nhìn ra ngoài. Người kia vừa nói vừa đặt đôi càng xe xuống đất, vụng về bước vào trong quán. Thì ra đó là một anh phu xe quần áo xuềnh xoàng, chiếc nón rách ngoắc bên vai. Anh ta ngồi đấy đã lâu đón khách, đang định kéo xe đi thì nghe tiếng quan ra câu đối nên vào để hưởng ứng câu chuyện văn chương của quan phủ. Mọi người đều ngạc nhiên và nghĩ rằng cái anh chàng phu xe này chắc gì đã biết chữ nhất là một, mà dám vào đối đáp. Quan phủ chừng như cũng khó chịu nên hất hàm nói: “Được, muốn đối thì cứ đối. Nhưng ta bảo trước, đối phải cho đúng phép tắc văn chương chứ không phải nói lảm nhảm vu vơ như các anh nói chuyện với nhau ở đầu đường góc chợ đâu nhé. Sai phép tắc ta nọc cổ ra đánh ngay tức khắc, lúc đó đừng có bảo là ta ác nghiệt đấy”.
Viên quan vừa nói xong, anh phu xe lễ phép: “Dạ, con đâu dám. Con làm nghề phu xe, chỉ xin lấy nghề nghiệp ra mà nói thôi. Quê con bên Gia Lâm, có cái thôn tên rất nôm na dân dã là Keo Táo. Vậy con xin được lấy cái tên ấy mà ghép vào câu. Câu quan lớn ra: Chị chờ em ở chợ Chì. Con xin đối là: Tao kéo mày về Keo Táo”.
Câu đối hay quá! Keo Táo nói lái cũng là tao kéo. Nghe xong, quan phủ như điếng người. Lúc đó, bà con ngồi chung quanh bụm miệng không dám cười to, nhưng tất thảy ai nấy đều hả hê, vì nghe từ chính miệng anh phu xe văng mày tao vào mặt quan mà quan phải chịu phép. Tiếc rằng, mọi người vì mải mê khen câu đối quá hay, quá chỉnh nên chẳng chẳng ai còn để ý đến việc viên quan phủ kia có giữ lời hứa, thưởng cho anh phu xe không…
Thuở nhỏ, mỗi khi theo bà ra chợ, bà tôi thường bảo “con gái làng này mà không nấu được cháo Chì thì chưa phải là người tháo vát, đảm đang”. Quả vậy, với người quê tôi, món cháo Chì dân dã nhưng chất chứa trong đó là sự mặn mòi của mồ hôi, thấm đẫm của hương đồng gió nội, là sự kết tinh những tinh túy của hạt gạo, của sự khéo léo qua bàn tay lao động của người dân thôn. Nguyên liệu nấu cháo chì gồm gạo tẻ ngâm nước rồi giã nhỏ, gạo nếp xay bột nước rồi lọc khô, sườn lợn, hành hoa, hạt tiêu và gia vị vừa đủ. Sườn lợn đem ninh lấy nước, tiếp đó cho bột gạo tẻ vào khuấy đều. Khi cháo đã nhừ, bột gạo nếp được se nhỏ bằng nửa đầu đũa rồi dùng kéo cắt từng khúc nhỏ (dạng con chì) vào nồi, khuất đều. Hai thứ gạo nếp, tẻ hòa quện tạo nên hương vị đặc trưng khiến bất kỳ ai có dịp thưởng thức đều nhớ mãi khôn nguôi.
Không chỉ nức tiếng với giai thoại “Chị chờ em ở chợ Chì”, với món cháo Chì thấm đượm chất quê, xứ sở Bồng Lai còn được biết đến với nhiều địa danh mà thoạt nghe, không ít người liên tưởng đến “miền cổ tích” như Sa Loan, Vũ Dương, kề bên là Mộ Đạo, Chi Lăng… là ngôi đền Đậu thâm nghiêm cổ kính-nơi thờ Bình Thiên Hiển Đức đại vương, một di tích lịch sử văn hóa, điểm hẹn tín ngưỡng tâm linh của bao người khi có dịp về Bồng Lai. Năm nay, người vùng Chì lại háo hức chờ đón lễ hội đền Đậu (16 - 20-3 Âm lịch), bởi theo tục lệ, đền Đậu cứ 3 năm lại mở hội một lần (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu). Đắm mình trong các sinh hoạt lễ hội như thi dệt vải, đấu vật, cờ người; cùng các nghi thức tế lễ dân gian, người ta như được thanh thản hơn, cùng ước nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, để người với người sống tốt với nhau hơn.
Thành Trung
BaoBacNinh.com.vn