Thêm một cách nhìn về ý nghĩa của từ "Quan họ"
Mỗi năm một lần, hội Lim "đến hẹn lại lên" ở đất Quan họ Bắc Ninh, với những làn điệu làm say đắm lòng người. Trong những ngày đầu năm 2005, những người làm công tác văn hoá nghệ thuật ở Bắc Ninh hết sức chú ý tới việc mới phát hiện trong thư tịch cổ một số sáng tác thi ca của đại thi hào Nguyễn Du có liên quan tới bản sắc của dân ca Quan họ. Với những phác họa về hình thức sinh hoạt, diễn xướng, cách thức tổ chức, giao lưu Quan họ, các tác phẩm của Nguyễn Du đã cung cấp thêm nguồn tư liệu giúp cho việc nhìn nhận ý nghĩ ngôn từ của loại hình dân ca này. Nguyễn Du, quê nội ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng quê ngoại lại ở làng Kim Thiều, xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long, nên thường về thăm quê ngoại, thăm ông ngoại làm quan ở tỉnh Bắc Giang. Với dân ca Quan họ, Nguyễn Du vừa có cái nhìn của nhà xã hội học, vừa có cảm thụ sâu sắc, có sự rung động thật sự của một thi nhân. Ông viết về dân ca Quan họ không nhiều, nhưng những gì ông để lại thật sự quí giá. Qua đó, người ta có thể nhận biết được cái ý nghĩa đích thực mang tính đặc trưng về ngôn từ phản ánh mà ông dùng để chỉ dân ca Quan họ từ thuở xa xưa khi mới hình thành, phát triển. Cụm từ Quan họ sẽ được hiểu như là một hình thức tổ chức sinh hoạt vắn hóa mang tính chất dân gian, nhưng lại có sự nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi người chơi am tường tiêu chuẩn, tuân theo lề luật. Có lẽ điều này cắt nghĩa vì sao nhu cầu về "chơi Quan họ" suốt hàng trăm năm vốn chỉ tồn tại nguyên nghĩa tại 49 làng Quan họ gốc - những làng thuộc các vùng quê được gọi là địa linh nhân. Trong bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ (một loại văn tế mà các từ phải đối nhau về nghĩa và thanh điệu) của Nguyễn Du có nhiều câu: Câu 15: "Nhất lịch sự là quân phường ngoài chế, những vất ra điếu thuốc bông đào. Đội thế thần thì Quan họ trong làng, cũng mang tới cân ngà quả đá." Câu 25: "Ngồi trong nhà thì chị em chín, mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, cũng có ả trao trầu tận miệng, mĩ nữ như hoa. Leo trên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu cao bằng mạn tọa." Câu 82: "Vì Quan họ nên ta mộ đức, bạn hữu quen còn đến rủ nhau Vào trong làng hỏi ả Sạ uy, lứa tác cũ hãy còn bao ná?" Theo cách diễn đạt của Nguyễn Du, từ Quan họ đối với các chữ "quân phường", "chị em", "trong làng" để chỉ một nhóm người có chung sở thích gặp mặt, liên kết với nhau. Từ "họ" đối với các từ "em", từ "làng" cũng chỉ những nhóm người tuân theo quy ước để cùng nhau vui chơi, ca hát. Như vậy, chắc chắn từ "họ" trong "Quan họ" không thể có nghĩa là dừng lại đứng lại, họ lại... như một số nhà nghiên cứu từng phân tích trước đây. Nhiều công trình khoa học của các nhà nghiên cứu nghệ thuật, các nhạc sĩ, trong đó có cả các vị giáo sư, tiến sĩ nổi danh được xuất bản từ năm 1980 đến 2003, khi cắt nghĩa từ "Quan họ" đều tách thành hai từ để rồi thiên về hưởng lý giải nghĩa đen rằng "Quan" là ông quan thời phong kiến, "họ" là dừng lại, đứng lại, không đi nữa... Đành rằng trong lịch sử, có không ít những câu chuyện có vẻ như minh chứng điều này, như vua Lý Thánh Tông, chúa Trịnh Sâm, các ông quận công, Trạng Me, Trạng Ngọt... đã từng có lần "họ" (dừng lại, đứng lại) và ngây ngất bởi tiếng hát Quan họ đằm thắm ở vùng Kinh Bắc ngày xưa. Chính vì quan niệm như vậy, một số tác giả cho rằng Quan họ là tiếng hát "họ" nhà quan, tiếng hát quan viên hai họ trong tiệc cưới, tiếng hát hay làm quan quân dừng lại, tiếng hát giữa hai làng kết chạ, kết họ với nhau... Thậm chí có người còn dựa vào nội dung tấm bia đá "Thọ, Phúc thần hiến điền" dựng năm 1734 để quy nguồn gốc dân ca Quan họ vào một vùng Lim và do ông quận công Đỗ Nguyên Thụy quê làng Đình Cả (Tiên Du ) sáng lập. Những cách lý giải duy danh định nghĩa như thế chưa được dư luận coi là thỏa đáng, còn rất nhiều điều cần bàn. Vả lại, nếu theo cách thức nhìn nhận gắn với nghĩa đen thì trên thực tế, khi có vị vua, vị chúa bất chợt mê hát đến độ ngần ngơ phải dừng chân lại thì gọi sao đây, chả lẽ gọi là "vua họ" hay là "chúa họ"? Dân ca Quan họ có tự bao giờ? Chỉ biết chung chung là loại dân ca này ra đời cách đây rất nhiều thế kỷ. Dân ca Quan họ là gì? Mới biết đó là loại hình dân ca đặc sắc gắn liền với những sinh hoạt hội hè, ca hát, giao lưu, gắn liền với đời sống tình cảm, tinh thần của bao lớp người lao động luôn biết hưởng tới cái đẹp, cái cao cả, lòng yêu quê hương, đất nước, sự thương yêu trân trọng con người. Trong bối cảnh như vậy, việc tìm thấy nguồn tư liệu mà đại thi hào dân tộc Nguyễn Du để lại chắc chắn sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, gợi mở nhiều điều để có thể tìm tòi, hiểu đến căn nguyên từ "Quan họ". Vietbao |