Có một loại “chữ lạ” tại chùa Phước Điền, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
[size=30]20TH82014[/size]
by phongtauhu in Hán Nôm, Uncategorized[size][url][/url]
[/size]
Ths. Nguyễn Thanh Phong
Bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Đại học An Giang
Chùa Phước Điền, còn gọi là Trại Ruộng, nằm trên địa bàn xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây được xem là một trong những căn cứ đầu tiên được ông Đoàn Minh Huyên hướng dẫn các đại đệ tử lập nên trong công cuộc khai hoang lập làng ở vùng Thất Sơn. Ngôi chùa được Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang công nhận là Di tích lịch sử cách mạng vào năm 1999. Chùa thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, qua nhiều lần trùng tu, đến nay dung hợp cả cách thờ cúng của Phật giáo và Đạo giáo, được đông đảo tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Hòa Hảo ở các vùng lân cận đến chiêm bái.
Trong một lần đến tham quan tại chùa Phước Điền, chúng tôi vô tình phát hiện tại đây có một hệ thống hoành phi, câu đối bằng chữ Hán và bằng một loại “chữ lạ”. Phần hệ thống tư liệu chữ Hán cũng có nhiều điểm đặc biệt về nội dung chuyển tải và cách bày trí so với các cơ sở thờ tự khác. Nhưng điểm đáng chú ý hơn là phần hệ thống tư liệu được viết bằng một loại “chữ lạ”, chưa từng thấy xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, chứa đựng nhiều điều lý thú, đáng để chúng ta quan tâm tìm hiểu. Bài viết này bước đầu giới thiệu hệ thống tư liệu chữ Hán tại chùa Phước Điền, bên cạnh đó, chúng tôi tập trung phân tích để làm rõ tính chất đặc biệt của loại “chữ lạ” này, từ đó đưa ra những phán đoán, nhận định bước đầu về nguồn gốc hình thành và ý nghĩa của nó.
Chùa Phước Điền có kết cấu 2 gian, gian trước thờ Tam Bảo, chư Phật, Bồ tát và Thánh chúng, gian sau thờ Thầy Tổ và Cửu huyền thất tổ trăm họ. Cách bày trí này vừa tiếp thu ảnh hưởng của chùa Phật giáo truyền thống, vừa chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian được hình thành tại vùng đất mới khai khẩn. Ngoài ra, chùa còn có phần hậu liêu khá rộng để đón tiếp khách thập phương đến chiêm bái và nghỉ ngơi. Phần chính điện của chùa có diện tích không lớn, có lẽ được trùng tu trên nền đất cũ vốn dành cho số lượng hữu hạn tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tu tập ở thời kỳ đầu. Điều đó cũng phần nào phù hợp với tinh thần “dụng tâm bất dụng tướng” của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và nhiều giáo phái dân gian khác.
Hệ thống hoành phi và câu đối chữ Hán ở chùa Phước Điền không nhiều. Hoành phi quanh đi quẩn lại vẫn là tên thôn Hưng Thới (興泰村) và bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương (寶山奇香, mùi hương lạ trong núi báu), tức giáo phái do Đức Phật Thầy Tây An sáng lập năm 1849. Ngoài ra còn có hai bài kệ mang màu sắc sấm vĩ nhằm tiên tri những sự việc sắp xảy ra trong tương lai theo niềm tin tâm linh của giáo phái này. Thứ nhất là bài:
H1. 寶玉君明天越阮
山中師命地南前
奇年狀再進復國
香出呈生造業焉
Bửu ngọc quân minh thiên việt nguyễn
Sơn trung sư mệnh địa nam tiền
Kỳ niên trạng tái tấn phục quốc
Hương xuất trình sinh tạo nghiệp yên
Bài sấm kệ này được khắc trên mặt ngoài ngôi miếu thờ Trăm quan trước cửa chùa, đọc theo chiều ngang hoặc dọc đều có nghĩa, được lưu truyền rộng rãi trong tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Hòa Hảo như một sự tiên đoán cho thế cuộc trong tương lai. Thế nhưng về mặt văn bản, bài sấm kệ này có hai chỗ khác biệt so với văn bản được lưu truyền rộng rãi hiện nay: nguyễn阮 ª nguyên元 và yên (焉trợ từ) ª yên (安an, bình yên). Trên thực tế bài kệ này có nhiều dị bản, do đó xác định đâu là bản gốc, bản chính là việc giới nghiên cứu cần tiếp tục làm. Còn thứ hai là bài:
H2. 金龍出鳳廊三期
隆田字出合玄遺
歸結臺方存日月
壇園燭校母人隨
寶法寺歸天山日
月穩香奇合五靈
Kim long xuất phụng lang tam kỳ
Long điền tự xuất hiệp huyền di
Quy kết đài phương tồn nhật nguyệt
Đàn viên chúc hiệu mẫu nhân tùy
Bảo pháp tự quy thiên sơn nhật
Nguyệt chiếu hương kỳ hiệp ngũ linh.
Bài kệ thất ngôn dài sáu câu được khắc vào bia đá để thờ, bên trong có nhiều chữ sai do đặc trưng phát âm của người Nam bộ, chẳng hạn: huyền vi (玄為) lại viết là huyền di (遺di có nghĩa là còn sót lại, còn vương đọng lại), tự (寺chùa) lại viết là tự (字chữ), chữ ổn (穩vững chắc, ổn định) lại phiên âm Hán Việt là “chiếu”… Nội dung bài sấm kệ ca ngợi tạo hóa huyền cơ, sự trường tồn của tự nhiên đất trời, tiên tri đại hội Long Hoa kỳ ba… Thế nhưng, cách hành văn, tạo câu không rõ ràng sáng sủa, cố tình tách ghép chữ (Bửu Sơn Kỳ Hương) cho mang màu sắc huyền bí của sấm vĩ, nội dung toàn bài không thống nhất, chặt chẽ, giá trị nghệ thuật không cao.
Đáng giới thiệu nhất trong hệ thống tư liệu chữ Hán là một loạt câu đối chữ Hán được tô vẽ ở cổng chùa, trang trí hai bên gian thờ trong chùa, trên các cây cột của nhà mát che giếng cổ trong sân chùa. Chúng tôi nhận thấy hệ thống chữ Hán này chủ yếu là sản phẩm tự tạo, nghĩa là do người trong chùa tự đặt ra chứ không phải dùng lại những câu chữ hay mĩ từ có sẵn. Điều này thấy rõ trên các chữ “Phước”, “Điền”, “Minh”, “Huyên” hay “Bửu Sơn”, “Kỳ Hương”, “Thới Sơn” nằm ở đầu hoặc giữa mỗi cặp câu đối. Chẳng hạn như những cặp câu đối sau:
H3. 福寶山林三教仰瞻回正道
田奇香至四恩完悉脫迷途
Phước bửu sơn lâm tam giáo ngưỡng chiêm hồi chánh đạo
Điền kỳ hương chí tứ ân hoàn tất thoát mê đồ (sai chữ “tất” 悉ª畢).
H4. 福冠東西鐘鼓挽回名利客
田光南北偈經覺醒暝暗人
Phước quán đông tây chung cổ vãn hồi danh lợi khách (sai chữ “quán” 冠ª貫)
Điền quang nam bắc kệ kinh giác tỉnh minh ám nhân.
H5. 福集地靈男女醒心虔六字
田生人傑旄倪覺性篤三原
Phước tập địa linh nam nữ tỉnh tâm kiền lục tự
Điền sinh nhân kiệt mạo nghê giác tính đốc tam nguyên (sai chữ “nguyên”原ª元).
H6. 明日本來佛演開宗傳正教
暄提是岸祖宏攝化救迷情
Minh nhật bổn lai phật diễn khai tông truyền chánh giáo
Huyên đề thị ngạn tổ hoằng nhiếp hóa cứu mê tình.
H7. 福德泰山仁民英雄和天地
田人泰順風饒財寶種有情
Phước đức thới sơn nhân dân anh hùng hòa thiên địa (sai chữ “nhân” 仁ª人)
Điền nhân thới thuận phong nhiêu tài bảo chủng hữu tình.
Đọc qua nội dung các câu đối, có thể thấy người sáng tạo ra chúng là người có trình độ Hán ngữ cao, am hiểu niêm luật và từ loại khi thiết lập vế đối; có lòng tự hào đối với quê hương, xứ sở khi chiết tự tên đất, tên người, tên chùa để đặt nên vế đối. Trong khuôn viên chùa còn có một cái giếng cổ, có lẽ được đào để lấy nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, vì vậy mà người đời sau trùng tu lại giếng này để tưởng niệm công ơn của tiền nhân theo tinh thần “Tỉnh đường kiến lập kỉ niệm sư” (井堂建立記念師, lập nhà giếng này để kỉ niệm thầy tổ). Thế nên, giếng này không còn là giếng bình thường nữa mà là giếng của tổ thầy, giếng thần, giếng hộ an trăm họ. Quanh giếng là những dòng chữ ca ngợi:
H8. 鄉用留存客四方 Hương dụng lưu tồn khách tứ phương (Xóm làng dùng vẫn còn dành phần cho khách bốn phương)
H9. 深井潔精水綿長 Thâm tỉnh khiết tinh thủy miên trường (Giếng sâu tinh khiết, nước chảy ra mãi)
H10. 客來歡喜麗歸堂 Khách lai hoan hỷ lệ quy đường (Khách đến đây vui mừng ra thăm nhà giếng)
H11. 井心白水萬秋來客樂良腔 Tỉnh tâm bạch thủy vạn thu lai khách lạc lương xoang (Lòng giếng nước trong lành khách đến ngàn năm thấy vui trong dạ)
H12. 神居在位護境平安終貴處 Thần cư tại vị hộ cảnh bình an chung quý xứ (Thần ở tại đây phò hộ đất này bình an giàu có)
H13. 井清靖事安 Tỉnh thanh tịnh sự an (Nước trong mọi việc cũng lắng đọng bình an)
H14. 神顯基盛樂 Thần hiển cơ thạnh lạc (Thần hiển lộ ra điềm thịnh vượng an vui)
Trên đây là một số nội dung tiêu biểu của hệ thống tư liệu chữ Hán tại chùa Phước Điền. Dụng ý của chúng tôi khi giới thiệu nội dung này là để góp phần làm sáng tỏ hệ thống “chữ lạ” đang hiện diện tại đây. Hai hệ thống tư liệu này có mối quan hệ như thế nào, có do cùng một người sáng tạo hay không, nội dung phản ánh có gì tương đồng hay khác biệt không… là những vấn đề chúng tôi muốn qua đây làm rõ.
Đầu tiên, cần phải khẳng định rằng, loại “chữ lạ” này được sáng tạo trên cơ sở của chữ Hán, người sáng tạo nên chúng phải là người rất am tường về chữ Hán. Quan sát toàn bộ ngôi chùa, chúng tôi nhận thấy có 18 câu được viết bằng loại chữ này dưới hình thức liễn đối, tổng cộng là 142 chữ (xem phần phụ lục). Trong số đó, có 114 chữ đã được nhận dạng và phiên thiết bằng chữ quốc ngữ bên dưới, 28 chữ chưa được nhận dạng và phiên thiết bằng chữ quốc ngữ. Số lượng chữ này đủ nhiều để chúng ta tiến hành một cuộc khảo sát về mặt tự dạng, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của chúng.
Về mặt tự dạng, chúng cơ bản được kết hợp bởi các bộ thủ chữ Hán với nhau, hoặc giữa bộ thủ với chữ hoàn chỉnh. Chữ được kết hợp bởi ít bộ thủ (bộ phận) nhất là những chữ có 2 bộ thủ (bộ phận) như chữ “ta” (kim金 và do由), “an” (do由 và nguyệt月), “đồ” (thất七 và phất弗). Chữ được kết hợp bởi nhiều bộ thủ (bộ phận) nhất là những chữ có 7 bộ thủ (bộ phận) như chữ “truyền” (kim金, công公, nhân人, trung中, cửu九, nguyệt月, bổn本); chữ “nguyện” (nguyệt月, trung中, thập十, cửu九, nhân人, nguyệt月, sinh生). Hầu hết các chữ còn lại có số bộ thủ (bộ phận) dao động từ 3 – 6, nhiều nhất là những chữ được kết hợp bởi 4 bộ thủ (bộ phận). Điều này khiến cho loại “chữ lạ” này phức tạp hơn rất nhiều so với chữ Hán, số nét viết nhiều hơn, cấu hình chữ cũng lớn hơn. Đặc biệt là cách tạo chữ không theo bất cứ nguyên tắc cấu tạo chữ Hán (và cả chữ Nôm) nào hiện nay.[1] Ở đây, chúng tôi thấy nhiều chữ có kết cấu theo kiểu chữ hội ý, thế nhưng phân tích ý nghĩa các bộ thủ (bộ phận) chữ Hán thì ta lại thấy chúng hầu như không có liên hệ với nhau về ý nghĩa. Vì vậy, chúng cũng không phải là loại chữ hội ý.
Về mặt ngữ âm, các câu đối “chữ lạ” này được đọc bằng cả âm Hán Việt lẫn âm gốc Việt, đặc điểm này khá giống với các câu đối bằng chữ Nôm. Một số câu đối hoàn toàn được đọc bằng âm Hán Việt, đặc trưng ngữ âm không khác mấy so với các câu đối chữ Hán. Chẳng hạn:
L1. Tâm thọ bồ đề thành chánh giác
Như lai phật nguyện độ ta bà. (Phụ lục 4)
L2. Thổ vượng nhơn tùng nhơn thổ vượng
Thần an trạch dẫn tự an thần. (Phụ lục 5)
L3. Vạn cổ đào huê chiêu thánh mẫu
Thiên thu xuân sắc hội thần tiên. (Phụ lục 8)
L4. Thiên an đồ bảo thuận lập địa
Quốc nam hộ trì nghiêu điều tâm. (Phụ lục 7)
Một số câu đối khác đọc bằng âm Hán Việt xen lẫn âm gốc Việt khá nhuần nhuyễn, mang đậm đặc trưng ngữ âm của tiếng Việt. Chẳng hạn:
L5. Ngày mười tám tháng bảy hoàng cầu tỏ rạng (“hoàn” viết sai thành “hoàng”)
Chính lòng bà tổ mẫu hóa sanh. (Phụ lục 1)
L6. Ân nhuần thắm gội vạn lòng kim
Thạnh thới lưu danh thiên vạn cổ. (Phụ lục 2)
L7. Ông bà chín kiếp giống rồng tiên
Vạn cổ lưu danh thất tổ truyền. (Phụ lục 3)
L8. Vạn quốc chư bang đến phò trì
Đức Phật vĩ đại vạn quốc huy. (Phụ lục 6)
Như vậy, có thể thấy, loại chữ lạ này vừa được đọc bằng âm Hán Việt (mô phỏng âm đọc chữ Hán đời Đường), vừa được đọc cả bằng âm gốc Việt. Điều này khá giống với cách đọc chữ trong các văn bản Nôm. Thế nhưng, điểm khác biệt so với chữ Nôm là, những chữ đọc bằng âm Hán Việt ở đây có tự dạng không giống chữ Hán, mà được tạo mới gần giống như các chữ đọc theo âm gốc Việt. Đây là điều rất lý thú của “chữ lạ” nơi đây.
Về mặt từ vựng, chúng bao gồm các từ vựng gốc Hán và cả từ vựng gốc Việt. Từ vựng gốc Hán xuất hiện nhiều nhất là các thuật ngữ Phật giáo và Đạo giáo như: tâm, bồ đề, chánh giác, như lai, ta bà, phật, thánh mẫu, thần tiên, hộ trì, hóa sanh…; ngoài ra còn có những từ vựng quen thuộc trong sách vở xưa như: vạn cổ, đào hoa, thiên thu, xuân sắc, lưu danh, thiên cổ, hoàn cầu, vạn quốc, chư bang, vĩ đại… Phần lớn chúng là những mĩ từ có ý nghĩa tốt đẹp, dùng trong trường hợp tán dương, ca ngợi hay khuyến dụ người khác tu hành. Còn phần từ vựng gốc Việt được huy động để chỉ ngày tháng (ngày mười tám tháng bảy); con số (chín kiếp); bày tỏ tình cảm thái độ (lòng, thắm); những tính từ, động từ, danh từ vốn quen thuộc trong lời nói hằng ngày (tỏ, rạng, nhuần, gội, giống, rồng, đến)… Nhìn chung, số lượng từ vựng gốc Hán chiếm phần áp đảo so với từ vựng gốc Việt.
Có một điểm quan trọng không thể không nói tới là hiện tượng lặp lại từ vựng trong cùng một câu hoặc trong các câu khác nhau. Hiện tượng lặp từ vựng trong câu như trường hợp “Thổ vượng nhơn tùng nhơn thổ vượng, Thần an trạch dẫn tự an thần”, còn lặp ở các câu khác nhau có các từ vựng: vạn cổ, vạn quốc, Phật, bà, tổ… Điều thú vị là phần lớn các từ vựng được lặp lại có tự dạng giống nhau, chữ sau không khác so với chữ trước; có vài trường hợp chữ sau khác so với chữ trước (vạn, quốc). Hơn nữa, một số chữ đồng âm khác nghĩa có cách viết gần giống nhau, chẳng hạn chữ “bà” trong “ta bà” và trong “ông bà”, hoặc những chữ có âm đọc gần giống nhau thì cách viết cũng gần giống nhau, như trường hợp “tổ” và “thổ”. Điều này chứng minh rằng, loại chữ viết này được sử dụng một cách có chủ ý, được tạo lập dựa trên những nguyên tắc nhất định, chứ không phải là sáng tạo và sử dụng tùy tiện, bừa bãi.
Về mặt ngữ pháp, một số câu đối được tạo dựng theo nguyên tắc ngữ pháp của văn ngôn cổ, tức kiểu tạo câu trong văn bản Hán văn thời phong kiến, chẳng hạn những câu đọc bằng âm Hán Việt L1, L2, L3, L4 phía trên; còn một số câu khác được tạo dựng theo nguyên tắc ngữ pháp tiếng Việt, như các câu L5, L6, L7, L8 phía trên. Điều này chứng tỏ người sáng tạo “chữ lạ” này không đơn thuần chỉ ghi lại câu chữ có sẵn trong sách vở cổ mà còn phản ánh lời ăn tiếng nói hằng ngày vốn rất quen thuộc của người dân nơi đây.
So sánh hệ thống tư liệu chữ Hán và loại “chữ lạ” này, chúng tôi thấy chúng có sự gần gũi với nhau về mặt ý nghĩa và nội dung phản ánh; thế nhưng giữa chúng cũng có nhiều điểm khác biệt. “Chữ lạ” tập trung tán dương giáo lý nhà Phật, công ơn thầy tổ, ca ngợi tổ tiên giống nòi, các đấng thần linh, kêu gọi mọi người học Phật tu nhơn, ít nhiều có màu sắc tiên tri sấm vĩ. Còn tư liệu chữ Hán phần nhiều ca ngợi công đức tiền nhân khai cơ mở đạo, ca ngợi giáo phái, thầy tổ, ca ngợi thần linh và kêu gọi tín đồ tu hành, trong đó cũng ít nhiều có nội dung tiên tri thế cuộc. Chúng tôi đoán rằng, phần “chữ lạ” chỉ do một người sáng tạo ra, còn phần chữ Hán do nhiều người viết, một bộ phận có thể được viết cùng thời với “chữ lạ” và do cùng một người viết ra, bộ phận chữ Hán còn lại có thể do người đời sau lúc trùng tu chùa viết thêm vào.
Tóm lại, từ những phân tích các phương diện ngôn ngữ phía trên, chúng tôi cho rằng đây là một loại chữ viết lạ, không phải chữ Nôm tiếng Việt hoặc chữ Nôm của các dân tộc thiểu số sống phía nam Trung Quốc. Có lần, chúng tôi đem loại “chữ lạ” này hỏi một giáo sư người Đài Loan thì cô này cũng thừa nhận đây là loại chữ lạ cô chưa hề thấy qua. Hỏi người quản tự về nguồn gốc xuất hiện của loại chữ này, chú nói trước đây ông thân sinh chú còn sống làm quản tự chùa này thì đã thấy có loại chữ này rồi, đến đời của chú thì khi trùng tu chùa đã giữ lại nguyên trạng chữ viết hoặc phục chế trên đá hoa cương theo nguyên bản cũ. Điều này chứng tỏ, loại chữ viết này đã có từ lâu, tồn tại nhiều đời ở ngôi chùa này chứ không thấy ở các chùa miếu khác. Phải chăng chúng ra đời cùng thời với quá trình di dân “trảm thảo khai sơn” của tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương? Phải chăng có việc người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương hoặc các cao đồ sáng tạo ra một loại chữ viết riêng để truyền bá giáo lý của mình, nhưng do quá phức tạp khó hiểu nên không thể lưu truyền rộng rãi? Nếu đó là sự thật thì việc sáng tạo chữ viết này có ý nghĩa rất lớn về mặt tư tưởng và nhận thức. Chúng tôi hy vọng các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh tiếp tục đào sâu nghiên cứu để làm rõ những vấn đề này.
Ths. Nguyễn Thanh Phong
Email: ntphongagu1985@gmail.com
Phụ lục: ảnh chụp các câu đối có chứa “chữ lạ” trong chùa
1. Ngày mười tám tháng bảy hoàng cầu tỏ rạng
Chính lòng bà tổ mẫu hóa sanh.
2. Ân nhuần thắm gội vạn lòng kim
Thạnh thới lưu danh thiên vạn cổ.
3. Ông bà chín kiếp giống rồng tiên
Vạn cổ lưu danh thất tổ truyền.
4. Tâm thọ bồ đề thành chánh giác
Như lai phật nguyện độ ta bà
5. Thổ vượng nhơn tùng nhơn thổ vượng
Thần an trạch dẫn tự an thần
6. Vạn quốc chư bang đến phò trì
Đức Phật vĩ đại vạn quốc huy.
7. Thiên an đồ bảo thuận lập địa
Quốc nam hộ trì Nghiêu điều tâm
8. Vạn cổ đào huê chiêu thánh mẫu
Thiên thu xuân sắc hội thần tiên
9. Chưa đọc được đây là những chữ gì.
[1] Có 6 nguyên tắc cấu tạo chữ Hán: tượng hình, hội ý, chỉ sự, hình thanh, giả tá, chuyển chú.
Nguồn: https://phongtauhu.wordpress.com/2014/08/20/co-mot-loai-chu-la-tai-chua-phuoc-dien-huyen-tinh-bien-tinh-an-giang/