Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    Âm, Vần, Điệu và Luật

    QaniTri
    QaniTri
    Admin

    Nam Libra Monkey
    Tổng số bài gửi : 1568
    Tiền xu Ⓑ : 3891
    Được cảm ơn № : 6
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 07/01/2013
    Đến từ Đến từ : HCMC
    Côngviệc / Sởthix Côngviệc / Sởthix : Languages, Softwares, Sciences, Martial arts

    Âm, Vần, Điệu và Luật Empty Âm, Vần, Điệu và Luật

    Bài gửi by QaniTri 23rd June 2017, 13:50

    Âm
    Âm (sound) do sự nhóm họp của một hoặc nhiều nguyên âm tạo nên. Những âm gần giống nhau, không kể các phụ âm đứng trước hay đứng sau hay sự tác động của các dấu gây sự trầm bổng của âm, tạo nên vần trong thơ. Chẳng hạn,
    âm đơn: à, ca, cha, đá, lá, ta
    âm kép: biên, chiêm, chuyên, xuyên
    Bảng phân các loại âm sau đây được trích từ Hệ thống thanh trong tiếng Việt (Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm):



    Loại thanh
    Tên các thanh
    Dấu chỉ thanh
    Chua thêm
    Bằng
    phù bình thanh
    trầm thượng thanh
    không có dấu dấu huyền
    Trắc
    phù thương thanh
    trầm thương thanh
    phù khứ thanh
    trầm khứ thanh
    ngã (~)
    hỏi (?)
    sắc (')
    nặng (.)
    phù nhập thanh
    trầm nhập thanh
    sắc (')
    nặng (.)
    riêng cho các tiếng đằng sau có phụ âm ch, p, và t
    Nếu lựa từ sao cho có âm và thanh tương hợp thì khi đọc lên sẽ nghe êm tai, ta gọi lời văn có vần. Hai tiếng vần với nhau khi có âm tương tự và có cùng thanh (hoặc là cùng bình thanh hoặc là cùng trắc thanh). Trong thơ, vấn đề hợp vần là điều cốt yếu. Sự phối trí âm thanh nhịp điệu là yếu tố cơ bản của thơ.
    Vần
    Vần (rhyme) là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Đây là một quy luật để nối các câu trong bài thơ với nhau. Thường vần được dùng để nối câu gieo vào chữ cuối cùng của câu thơ. Có hai loại vần:
    ·         vần bình: những chữ không dấu hoặc dấu huyền — ba, bà
    ·         vần trắc: những chữ có dấu hỏi, ngã, sắc, nặng — bả, bã, bá, bạ
    Chữ "đấy", "cấy" cùng phát ra một âm "ây" song đều thuộc trắc thanh. Những tiếng "dâu", "màu", "sầu" có âm "âu" và "au" và thuộc bình thanh.
    Vần thể còn được quan niệm là vần giàu hay nghèo:
    ·         Vần giàu (hay còn gọi là Vần Chính): những chữ có cùng âm và thanh
    o   Thanh bằng: Phương, sương, cường, trường
    o   Thanh trắc: Thánh, cảnh, lãnh, ánh
    ·         Vần nghèo (hay còn gọi là Vần Thông): đồng thanh nhưng với âm tương tự
    o   Thanh bằng: Minh, khanh, huỳnh, hoành
    o   Thanh trắc: Mến, lẽn, quyện, hển
    Ví dụ hai câu dùng Vần Chính:
    Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu
       Gối loan tuyết đóng, chăn  giá đông
    Cưỡng vận
    Khi hai vần là Vần Thông với nhau mà thôi.
    Người lên ngựa kẻ chia bào
       Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san
    Lạc vận
    Khi hai vần không thuộc Vần Chính hay Vần Thông.
    Người về chiếc bóng năm canh
      Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
    Trong thơ Việt, có hai cách gieo vần
    ·         Gieo vần ở giữa câu (Yêu Vận hay "vần lưng"): Chữ cuối của câu trên vần với một chữ nằm bên trong câu dưới như trong thể thơ lục bát, chữ cuối câu có sáu chữ vần với chữ thứ sáu của câu tám chữ sau đó. Chẳng hạn Nguyễn Du truyện Kiều (1(6)-2(6)) (2(8)-3(6)) (3(8)-4(6)) (4(8)-..):
    Người về chiếc bóng năm canh
        Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
    Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
        Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
    ·         Gieo vần ở cuối câu (Cước Vận hay "vần chân"): Các chữ ở cuối câu vần với nhau.
    Vần tiếp
    các cặp trắc bằng xen kẽ tiếp nhau. Chẳng hạn Xuân Diệu trong Tương Tư Chiều (2,3) (4,5) (6,7):
    1.      Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm,
    2.      Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.
    3.      Không gì buồn bằng những buổi chiều êm,
    4.      Mà ánh sáng đều hòa cùng bóng tối.
    5.      Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối;
    6.      Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành;
    7.      Mây theo chim về dãy núi xa xanh
    8.      Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ.
    9.      Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ.
    Vần chéo
    Trong thi đoạn bốn câu, chữ cuối câu thứ nhất vần với câu thứ ba và chữ cuối câu thứ hai vần với câu thứ tư. Chẳng hạn Anh Thơ trong bài Tiếng chim tu hú (1,3) (2,4):
    1.      Nắng hè đỏ hoa gạo
    2.      Nước sông Thương trôi nhanh
    3.      Trên đường đê bước rảo
    4.      Gió nam giỡn lá cành
    Nhiều khi chỉ cần chữ cuối câu thứ hai vần với câu thứ tư mà thôi. Chẳng hạn Quang Dũng trong bài Đôi bờ (2,4):
    1.      Xa quá rồi em người mỗi ngả
    2.      Bên này đất nước nhớ thương nhau
    3.      Em đi áo mỏng buông hờn tủi
    4.      Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
    Vần ôm
    Trong thi đoạn bốn câu, chữ cuối câu thứ nhất vần với câu thứ tư và chữ cuối câu hai vần với câu thứ ba. Vần trắc ôm vần bằng, hay ngược lại. Chẳng hạn Nguyên Sa trong Áo lụa Hà Đông (1,4) (2,3):
    1.      Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
    2.      Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    3.      Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    4.      Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
    Vần ba tiếng
    Trong thi đoạn bốn câu, chữ cuối câu một, câu hai và câu thứ tư vần với nhau. Câu ba khác vần. Chẳng hạn Thâm Tâm trong Tống Biệt Hành (1,2,3).
    1.      Đưa người ta không đưa qua sông
    2.      Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
    3.      Bóng chiều không thắm không vàng vọt
    4.      Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
    Cách gieo vần dùng chữ cuối cùng của câu cũng xuất hiện trong các bài thơ của châu Âu, chẳng hạn như hai câu trích trong bài On His Being Arrived to the Age of Twenty-three của nhà thơ người Anh John Milton (tiếng Anh):
    That I to manhood am arrived so near,
    And inward ripeness doth much less appear,
    Hay tạm dịch là:
    Tuổi thành xuân đến quá nhanh
    Đã nào một chút trưởng thành trong tôi
    Ở đây âm "ia" (của near và appear) được dùng để làm vần nối hai câu thơ.
    Điệu
    Điệu (rhythm), hay còn gọi là nhạc điệu, tạo nên do âm thanh của từ được chọn và nhịp điệu ngắt câu. Nhạc trong thơ được tạo nên bởi ba yếu tố: vần, tiết tấu và từ. Thơ lục bát, ca dao là một thể loại giàu nhạc tính.
    Âm hưởng của vần:
    (a)- Vần bằng thường gây cảm giác nhẹ nhàng, mềm mại.
    Gió mơn man sợi nắng mành
        Sương còn đu ngọn lá xanh miệt mài
    Dương gian hé rạng hình hài
        Trời se sẽ lạnh, đất ngai ngái mùi
    (b) - Vần trắc thường gây cảm giác mạnh mẽ, động đậy, tỉnh thức.
    Gió mơn man sợi nắng mành
        Sương còn đu ngọn lá xanh miệt mài
    Dương gian hé rạng hình hài
        Trời se sẽ lạnh, đất ngai ngái mùi
    ·         Tiết tấu của câu: Tiết tấu là nói đến cái nhịp, cái điệu của câu thơ. dựa vào chỗ ngắt đoạn, tức chỗ chia câu thành từng vế, mỗi vế có nghĩa trọn vẹn. Đó là nhịp dài (--), khi ngâm người ta ngừng lại ngân nga lâu một chút. Ngoài ra, trong mỗi vế, khi ngâm tùy theo hứng, người ta cũng có thể ngừng lại ngân nga ngắn hơn ở những chỗ vế chia thành từng bộ phận, đó là nhịp ngắn (-).
    Dương gian (-) hé rạng (-) hình hài (--)
    Trời (-) se sẽ lạnh (-), đất ngai (--) ngái mùi(--)
    ·         Nhịp trong thơ: tạo nên do sự phân định của câu và của từ, tương tự khi viết cho dấu phẩy, khi đọc ngưng hơi.
    Nhịp (4/4) - (2/2/2/2)
    Em ngồi cành trúc (--) em tựa cành mai (--)
    Đông đào (-) tây liễu (-) biết ai (-) bạn cùng (--)
    Nhịp (2/2/2) - (2/2/2/2)
    Trời mưa (-) ướt bụi (-) ướt bờ (-)
    Ướt cây (-) ướt lá (--) ai ngờ (-) ướt em (--)
    Nhịp (2/4) - (2/2/2/2)
    Yêu mình (--) chẳng lấy được mình (--)
    Tựa mai (-) mai ngã (--) tựa đình (-) đình xiêu (--)
    Nhịp (2/4) - (4/4)
    Đố ai (-) quét sạch lá rừng (--)
    Để ta khuyên gió (--) gió đừng rung cây (--)
    Nhịp (2/4) - (2/4/2)
    Hỡi cô (-) tát nước bên đàng (--)
    Sao cô (-) múc ánh trăng vàng (--) đổ đi (--)
    Nhịp (4/2) - (2/4/2)
    Trách người quân tử (-) bạc tình (--)
    Chơi hoa (--) rồi lại bẻ cành (--) bán rao (--)
    Nhịp (3/2/2) - (4/3/2)
    Đạo vợ chồng (-) thăm thẳm (-) giếng sâu (--)
    Ngày sau cũng gặp (--) mất đi đâu (-) mà phiền (--)
    ·         Nhạc tính của từ: Theo ngữ học, mỗi từ đơn của ta thường là một âm tiết, khi phát lên nhẹ hay mạnh, trong hay đục là tùy theo vị trí phát âm của nó trong khẩu cung (kể từ môi đến cuống họng, kể cả độ mở của miệng). Một từ được phát lên tại vị trí nào trong khẩu cung là phải chịu ảnh hưởng của bốn yếu tố tạo nên nó: nguyên âm, phụ âm đầu, phụ âm cuối và thanh. Vì thế từ nào có:
    1.      nguyên âm bổng như: i, ê, e
    2.      phụ âm vang như: m, n, nh, ng
    3.      thanh bổng như: không dấu, dấu sắc, dấu hỏi, thì từ được phát ra, âm sẽ cao, trong và nhẹ.
    Ngược lại, từ nào gặp phải :
    1.      nguyên âm trầm: u, ô, o,
    2.      phụ âm tắc: p, t, ch, c,
    3.      và thanh trầm: dấu huyền, dấu ngã, dấu nặng thì từ phát ra âm sẽ đục và nặng.
    Sự trong đục của các từ ngắt nhịp trong câu, và nhất là của các từ dùng làm vần có ảnh hưởng nhiều nhất đến nhạc tính của thơ.
    Hôm qua (-) tát nước đầu đình (--)
        Bỏ quên cái áo (-) Trên cành hoa sen (--)
    Em được (--) thì cho anh xin (--)
        Hay là (-) em để làm tin (-) trong nhà. (--)
    Những từ ngắt nhịp và những từ dùng làm vần trong 4 câu thơ này hầu hết đều có những yếu tố tạo nên âm vang và trong, nên nhạc thơ nghe vui, diễn tả được tình cảm trong sáng, yêu đời của chàng trai ở đây.
    Nụ tầm xuân (-) nở ra xanh biếc. (--)
        Em đã có chồng (--) anh tiếc (-) lắm thay. (--)
    Âm “iếc” trong 2 từ “biếc” và “tiếc” lấy làm vần ở đây có 2 nguyên âm bổng (iê) vút cao với thanh sắc cũng thuộc loại thanh bổng nhưng đã bị đứt hơi, tắc nghẽn bởi phụ âm cuối ‘c’, được mệnh danh là âm tắc, nên khi đọc lên nghe như tiếng nấc, nhạc thơ vì vậy chậm lại, nghe nghẹn ngào, tức tưởi. Như thế, vần “iếc” ở đây gieo rất đắt, đã cực tả được nỗi tiếc nuối đứt ruột của chàng trai khi trở lại chốn cũ, gặp lại người xưa, tình mình thì đang nồng, người mình yêu lại quá đẹp, nhưng than ôi muộn mất rồi, vì nay nàng đã là gái có chồng!
    Yêu ai tha thiết, thiết tha
        Áo em hai vạt trải ra chàng ngồi.
    Đôi khi để đảm bảo cho nhạc tính của câu ca dao (âm luật, âm vận), những âm tiết của từ kép có thể đảo ngược vị trí. Như câu ca dao trên hai âm tiết “tha thiết” được đảo thành “thiết tha” vì thể lục bát chỉ gieo vần bằng (tha, ra).
    Thơ hoặc ca dao hay sử dụng từ láy, nhờ sự lập lại toàn thể hay một số yếu tố của từ gốc mà từ láy khi phát âm, hai điểm phát âm sẽ trùng nhau (từ láy hoàn toàn) hay tiến sát gần nhau (từ láy không hoàn toàn) tạo thành một chuỗi hòa âm, giúp cho nhạc điệu của thơ vừa phong phú, vừa tăng uyển chuyển, nhịp nhàng.

    Xem thêm: http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%A1_l%E1%BB%A5c_b%C3%A1t#Th.C6.A1_l.E1.BB.A5c_b.C3.A1t


      Hôm nay: 26th April 2024, 21:28