Trong các thành tố của ngôn ngữ tiếng Anh, phát âm được coi là khó khăn lớn nhất đối với người học, đặc biệt là người Việt Nam. Về lý thuyết, tiếng Anh và tiếng Việt thuộc hai ngữ hệ khác nhau, do đó chúng có nhiều sự khác biệt trong hệ thống phiên âm mà cụ thể là những phụ âm cuối. Trên thực tế, rất nhiều người học tiếng Anh gặp khó khăn với việc phát âm các phụ âm cuối trong tiếng Anh. Bài báo này nhằm giới thiệu hệ thống phụ âm cuối trong hai ngôn ngữ Anh –Việt, những lỗi sai mà sinh viên thường mắc khi phát âm các phụ âm cuối tiếng Anh và gợi ý một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng trên.
Trong các thành tố của ngôn ngữ tiếng Anh, phát âm được coi là khó khăn lớn nhất đối với người học, đặc biệt là người Việt Nam. Về lý thuyết, tiếng Anh và tiếng Việt thuộc hai ngữ hệ khác nhau, do đó chúng có nhiều sự khác biệt trong hệ thống phiên âm mà cụ thể là những phụ âm cuối. Trên thực tế, rất nhiều người học tiếng Anh gặp khó khăn với việc phát âm các phụ âm cuối trong tiếng Anh. Bài báo này nhằm giới thiệu hệ thống phụ âm cuối trong hai ngôn ngữ Anh – Việt, những lỗi sai mà sinh viên thường mắc khi phát âm các phụ âm cuối tiếng Anh và gợi ý một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng trên.
Trước khi tìm hiểu những lỗi sai mà người học thường mắc phải khi phát âm các phụ âm cuối tiếng Anh, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về hệ thống phụ âm cuối trong tiếng Anh và tiếng Việt.
Hệ thống phụ âm cuối trong tiếng Anh | Hệ thống phụ âm cuối trong tiếng Việt |
b (lab), d (sod), g (bag), θ (bath), ð (bathe), ʃ (ash), ʒ (rouge), tʃ (itch), dʒ (bridge), l (ball), f (laugh), v (love), s (kiss), z (buzz), p (hop), t (bat), k (luck), m (lamb), n (sun), (song), r (roar) | c (các), ch (trách), m (đêm), n (tên), nh (xinh), ng (tăng), p (lớp), t (cắt) |
Từ bảng trên có thể thấy tiếng Việt chỉ có 8 phụ âm cuối trong khi tiếng Anh có đến 21 phụ âm cuối, chưa kể đến một số lượng lớn các nhóm phụ âm cuối (được tạo thành bằng việc ghép 2, 3, thậm chí 4 phụ âm đơn) như trong các ví dụ sau: lamp, film, health, grasp (2 thành tố); prompt, next (3 thành tố); glimpsed, texts (4 thành tố). Điều này có nghĩa là tiếng Anh có hệ thống phụ âm cuối phức tạp hơn rất nhiều so với tiếng Việt, do đó gây nhiều khó khăn cho người Việt học tiếng Anh.
Khi phát âm các từ tiếng Anh riêng lẻ, người học không chỉ mắc lỗi ở các phụ âm lạ và khó chỉ có trong tiếng Anh như /tʃ dʒ ʃ θ ð/ mà ở cả các phụ âm quen thuộc như /p t k n b d g f v s z l/. Hầu hết những lỗi phát âm phụ âm cuối từ mà sinh viên mắc phải nằm trong bốn nhóm sau:
- Phát âm sai phụ âm cuối
- Không phát âm phụ âm cuối
- Không bật hơi phụ âm cuối
- Phát âm thừa phụ âm cuối
Lỗi phát âm sai phụ âm cuối:
Lỗi này xảy ra đặc biệt với các phụ âm không có trong tiếng Việt như /tʃ dʒ ʃ θ ð/. Ví dụ, sinh viên thường phát âm sai âm /tʃ/thành /t/, /s/, âm /dʒ/ thành /t/, /g/, /s/, /z/, hay âm /θ/ thành /t/, /s/, và /th/ trong tiếng Việt. Thậm chí với phụ âm quen thuộc như /l/, do ảnh hưởng của phương ngữ Hải Phòng, nhiều sinh viên chuyển /l/ thành /n/ hoặc /er/ để dễ phát âm.
Lỗi không phát âm phụ âm cuối:
Khi gặp một từ có phụ âm cuối khó phát âm như /dʒ/, hoặc phụ âm đó không đứng ở vị trí cuối từ trong tiếng Việt như /b d z l f v/ thì sinh viên có xu hướng không phát âm các phụ âm này.
Lỗi không bật hơi phụ âm cuối:
Đối với các phụ âm bật hơi trong tiếng Anh như /p t k b d g/ thì sinh viên thường mặc định coi chúng như các phụ âm có ký hiệu tương tự trong tiếng Việt và mắc lỗi không bật hơi các âm này khi chúng ở vị trí cuối từ tiếng Anh.
Lỗi phát âm thừa phụ âm cuối:
Do tiếng Anh có đặc điểm riêng là các phụ âm gió như /s z ʃ/, nhiều người học thường thêm âm gió /s/ hoặc /z/ vào sau từ tiếng Anh để làm cho việc phát âm của mình nghe có vẻ “giống” người Anh. Đây là lỗi sai khá phổ biến trong sinh viên, đặc biệt là những người có tiếng Anh ở trình độ thấp.
Để khắc phục những vấn đề tồn tại trong việc phát âm phụ âm cuối từ tiếng Anh ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tiếng Anh tại trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics, cần có sự phối hợp giữa các bên: giáo viên, sinh viên, và nhà quản lý chương trình đào tạo.
Thứ nhất, người học cần nhận thức được những điểm giống và khác nhau về hệ thống phụ âm cuối ở hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; Các vấn đề mà họ gặp phải trong việc phát âm các phụ âm cuối từ tiếng Anh, để từ đó có quyết tâm cải thiện khả năng phát âm của chính họ.
Người giáo viên cũng có thể giúp sinh viên nâng cao nhận thức bằng cách sử dụng thật hiệu quả thời gian được phân phối cho nội dung này, tạo cơ hội cho sinh viên nói tiếng Anh càng nhiều càng tốt, chú ý sửa lỗi phát âm cho sinh viên, kể những câu chuyện cười tiếng Anh mà ở đó cái cười được gây ra bởi việc phát âm sai phụ âm cuối từ, hay tổ chức các trò chơi khuyến khích sinh viên thi phát âm đúng.
Thứ hai, vì thời gian cho việc luyện phát âm trên lớp rất hạn chế, sinh viên cần luyện phát âm ngoài giờ lên lớp. Họ có thể luyện tập cùng các bạn của mình, cùng giáo viên, hoặc bất cứ ai biết tiếng Anh và có thể sửa lỗi cho mình. Ngoài ra, họ còn có thể học qua những giáo trình luyện phát âm tiếng Anh đang được bày bán rộng rãi.
Cuối cùng, cần có sự điều chỉnh lại thời gian dành cho nội dung luyện phát âm trong phân phối chương trình môn học. Có thêm thời gian luyện tập sinh viên mới ý thức được sự cần thiết của việc phát âm đúng và hay, giáo viên mới có điều kiện giúp đỡ sinh viên, và vì vậy, những nỗ lực của cả hai phía, mới dần dần mang lại hiệu quả lâu dài.
viettronics.edu.vn