Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    Khoảng cách thế hệ

    avatar
    congdantoancau

    Tổng số bài gửi : 633
    Tiền xu Ⓑ : 1732
    Được cảm ơn № : 27
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 12/05/2014

    Khoảng cách thế hệ Empty Khoảng cách thế hệ

    Bài gửi by congdantoancau 25th June 2014, 09:42

    Xã hội phát triển kéo theo nhiều thay đổi trong đời sống, kể cả trong mối quan hệ gia đình. Và cụm từ “khoảng cách thế hệ” cũng xuất phát từ đó. Nhiều nhà tâm lý trong nước nhận xét rằng cách biệt giữa cha mẹ và con cái trong xã hội Việt Nam ngày càng rộng hơn, thể hiện qua nhiều khía cạnh, từ tri thức, ý thức, quan niệm sống, tâm lý, đến cách cư xử.

    Trong các thính giả trẻ đang nghe Đài thì Trà Mi chắc là không có bạn nào lạ lẫm với cụm từ "khoảng cách thế hệ" hoặc là chưa trải qua những khó khăn do "khoảng cách thế hệ" gây ra, phải không?

    Khoảng cách thế hệ trong mắt người trẻ ngày nay ra sao? Thế hệ trẻ cần phải làm gì để góp phần thu hẹp những khoảng cách đối với các bậc cha mẹ giữa nhịp sống công nghiệp vội vã hôm nay? Mời quý vị cùng chia sẻ với 3 thanh niên đến từ Nghệ An, Ninh Bình, và Hà Nội là:

    Tiến: Em là Tiến, hiện tại là sinh viên, quê ở Ninh Bình.

    Trung: Em là Trung, quê ở Nghệ An, hiện là sinh viên.

    Thu: Em là Thu, sinh viên năm cuối Trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân ạ.

    Tâm tư thế hệ trẻ

    Trà Mi: Nói về khoảng cách thế hệ thì câu hỏi đầu tiên, các bạn có cảm nhận như thế nào về khoảng cách thế hệ trong xã hội Việt Nam ngày nay nói chung?

    Tiến: Theo ghi nhận của em là có sự thay đổi khá nhiều. Như trước đây, trong gia đình thấy con cái có cử chỉ - hành động với bố mẹ có cái gì rất là truyền thống và lễ phép hơn, cho tới bây giờ thì có sự xáo trộn lớn, bởi vì khi mà đi ra ngoài thì thế hệ mới phát triển, cái suy nghĩ nó cũng bị ảnh hưởng.

    Trà Mi: Vâng. Đó là cảm nhận của Tiến. Thế, Trung và Thu, hai bạn có cảm nhận như thế nào về cái khoảng cách thế hệ trong xã hội Việt Nam ngày nay?

    Thu: Em cảm nhận thấy là giữa cha mẹ và con cái hiện nay không còn được gắn kết với nhau như trước nữa; các việc làm của con cái bây giờ hầu như ngoài tầm kiểm soát của bố mẹ. Cái bất hòa giữa cha mẹ và con cái bây giờ thì nhiều hơn. Mức độ than phiền của cha mẹ đối với con cái càng ngày càng cao hơn. Chung quanh mình thấy các ông bố bà mẹ thường rất hay kêu ca về các bạn trẻ bây giờ về lối sống, ăn mặc hay là cách nói năng.

    Chung quanh mình thấy các ông bố bà mẹ thường rất hay kêu ca về các bạn trẻ bây giờ về lối sống, ăn mặc hay là cách nói năng.

    Bạn Thu, Hà Nội

    Trung: Nhìn ra xã hội Việt nam ngày nay dường như khoảng cách đó càng về sau này thì khoảng cách càng nới rộng hơn.

    Trà Mi: Như vậy thì cái ảnh hưởng của nó, cái tác động của nó đối với từng thành viên trong xã hội và đối với xã hội nhìn chung như thế nào?

    Tiến: Thực ra cái đấy rất rõ ràng, đa số giới trẻ bị ảnh hưởng, mất phương hướng và hầu như là người ta có nhiều suy nghĩ theo cái lối hưởng thụ nhiều hơn.

    Trà Mi: Mời ý kiến của Trung.

    Trung: Khi mà khoảng cách dần dần nới ra đến một thời điểm nào đó thì sẽ có những cái ảnh hưởng nhất định về văn hóa, rồi về tư tưởng, tức là người trẻ dường như không xác định được lý tưởng của mình trong cuộc sống.

    Nguyên do cách biệt

    Trà Mi: Nguyên do của cách biệt thế hệ là do cha mẹ họ bảo thủ hay là do con cái hiện nay có khuynh hướng độc lập?

    Trung: Người lớn tuổi họ luôn luôn nghĩ rằng cần phải làm thế này, cần phải làm thế nọ, và dường như họ áp đặt cái tư tưởng đó đối với nguời trẻ, và cái điều đó dễ gây ra mâu thuẫn giữa thế hệ bố mẹ với thế hệ con cái. Tuổi trẻ không muốn gò bó trong một cái gì, mà tuổi trẻ luôn luôn muốn vùng vẫy.

    Thu: Em thì em xin đồng ý với kiến của anh Trung nói là con cái bây giờ có tư tưởng là muốn độc lập nhiều hơn, nhưng mà cũng còn tùy thuộc vào cha mẹ nữa nếu như mà cha mẹ có suy nghĩ thoáng hơn và có trình độ học vấn cao hơn thì cha mẹ hiểu được tư tưởng của con cái nhiều hơn.

    Trà Mi: Có phải là do thế hệ con cái hồi xưa họ dựa dẫm cha mẹ, họ lệ thuộc cha mẹ nhiều, còn ngày nay thì có vẻ là họ độc lập hơn, họ tách khởi vòng tay lo lắng khuyên bảo của cha mẹ hơn, cho nên cái khoảng cách cũng từ đó mà dần dần rộng hơn?

    Trung: Tại cả hai bên. Cái tư tưởng bảo thủ của người lớn rồi là cái sự độc lập quá mức của người trẻ, hai cái dẫn đến mâu thuân nhau trong tư tưởng, dẫn đến xung đột.

    Trà Mi: Bàn về cái quyền uy cũng như là cái quyền hạn của cha mẹ đối với con cái ngày nay có nhiều ý kiến cho rằng quyền hạn của cha mẹ ngày nay bị giới hạn rất nhiều thành ra cái quyền uy cũng giảm đi. Như hồi xưa đó thì "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" nhưng mà ngày nay thì dường như cái khuynh hướng đó đảo ngược rồi, "con cái đặt đâu ba mẹ ngồi đó", các bạn có ý kiến gì không?

    Nguyện vọng của thế hệ trẻ

    Tiến: Dạ, em là Tiến. Em có ý kiến ạ.

    Bố mẹ cũng không nên áp đặt con cái quá trong mọi trường hợp, bởi vì là bây giờ đi ra ngoài có nhiều cái nó mới thì mình phải thích nghi, bố mẹ có thể chưa thích nghi được hoặc là không thích nghi được nhưng mà không nên buộc con cái phải theo cái nguồn tư tưởng của mình, phải để con cái có cái gì đó được tự do và độc lập.



    Người lớn tuổi họ luôn luôn nghĩ rằng cần phải làm thế này, cần phải làm thế nọ, và dường như họ áp đặt cái tư tưởng đó đối với nguời trẻ, và cái điều đó dễ gây ra mâu thuẫn giữa thế hệ bố mẹ với thế hệ con cái.

    Bạn Trung, Nghệ An

    Trà Mi: Vâng. Ý kiến của Tiến cho rằng không hẳn là bây giờ con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó nhưng mà cần một cái sự dung hòa, cha mẹ cởi mở hơn, đừng có quá bảo thủ với cái quyền uy, quyền hạn của người làm cha làm mẹ đối với con cái.

    Thu: Em thì không có đồng ý với ý kiến đó ạ. Dù sao trong tất cả mọi thời đại thì mình là con cái mình vẫn phải luôn luôn tôn kính và tôn trọng cha mẹ rồi, nhưng mà trong thời đại hiện nay thì nó phát triển hơn thì cha mẹ không phải là người áp đặt con cái như là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy như xưa nữa, nhưng mà cũng không phải là con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy. Và em nghĩ cha mẹ nên là người đồng hành cùng con cái thì tốt hơn, nên chia sẻ tâm tư và góp ý kiến và chỉ dẫn con cái hơn bởi vì cha mẹ phần nào thì cũng là những người đi trước thì sẽ có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho con cái nhiều hơn. Và cha mẹ bây giờ không nên có tư tưởng là con cái phải như thế này phải như thế kia. Cha mẹ bây giờ thường có vai trò như một người bạn đối với con cái thì tốt hơn, thì là nên chia sẻ mọi chuyện với con cái hơn, chứ cha mẹ bây giờ không nên như trước nữa, không thể áp đặt tư tưởng của mình đối với con cái, hay là không thể bắt cái này, bắt cái kia nữa. Cha mẹ mà chưa thực sự là người bạn đồng hành của con cái thì con cái rất là dễ sa ngã.

    Tiến: Bố mẹ để cho con cái quyết định lựa chọn mọi việc, bố mẹ chỉ là người chỉ đường chứ không phải là người dẫn đường như trước nữa. Bố mẹ chỉ con đường đó cho con cái đi, còn quyết định là nơi con cái.

    Kỳ vọng của bậc cha mẹ

    Trà Mi: Đó là cái kỳ vọng của các bạn đối với cha mẹ của mình, nhưng mà ngược lại, chính bản thân mình các bạn nên phải làm gì, cần phải làm gì để góp phần xóa bỏ cái cách biệt thế hệ ngày một lớn hơn như các bạn nhận xét đó? Mời ý kiến của Trung.

    Trung: Cái tình riêng của con cái mà bộc lộ với cha mẹ ngày xưa, đó là vâng theo tất cả những gì cha mẹ bảo với mình, còn trong thời đại ngày nay thì có một cái khác, đó là vâng theo tất cả những gì mà mình cảm thấy tốt đẹp khi cha mẹ nói với mình. Có một câu nói rất hay: "Chúng ta có nhiều nơi để đi, nhưng chúng ta chỉ có một chốn để về, đó là gia đình", và nơi cái gia đình đó mình tìm được nguồn ấm cúng nhất và bình an nhất trong tâm hồn, thì cái điều của người trẻ cần làm đó là khi mà cảm thấy đúng thì phải giải thích cho bố mẹ hiểu chứ đừng gây ra những cái không hay trong cuộc sống như là vì cha mẹ không đồng ý cho nên con bỏ nhà đi. Còn đối với bố mẹ thì cũng nên chấp nhận cái tư tưởng của con cái, suy nghĩ một chút xíu về những cái hành động của nó, nguyên nhân tại sao nó làm như vậy.

    Thu: Thế hệ trẻ bây giờ nếu như mà biết chia sẻ tâm tư và tình cảm với cha mẹ thì là sẽ được nhiều lối quen hơn, sống tốt hơn, còn nếu như không có sự liên đới với cha mẹ cho nên là sa ngã nhiều.

    Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Trung . Bây giờ xin nghe ý kiến của Tiến. Tức là chúng ta đồng ý với nhau là cái cách biệt thế hệ là cái vấn đề không thể xóa bỏ được, xã hội càng phát triển thì nó càng nảy sinh nhưng mà chúng ta chỉ có một giải pháp là tìm cách hòa hợp mà thôi. Bạn xử lý ra sao trước những sự cách biệt giữa mình với cha mẹ của mình?

    Trung: Mỗi cá nhân người trẻ nên tự đào tạo chính mình.

    Bố mẹ để cho con cái quyết định lựa chọn mọi việc, bố mẹ chỉ là người chỉ đường chứ không phải là người dẫn đường như trước nữa.

    Bạn Tiến, Ninh Bình

    Thu: Em rất hay tâm sự và nói chuyện với bố mẹ. Tất cả mọi chuyện em đều xin ý kiến của bố mẹ cho nên là em không bị hoang mang, rất ít khi làm phật lòng bố mẹ và dung hòa được cái tư tưởng của cha mẹ và em. Khi mà không đồng ý quan điểm của cha mẹ thì lúc đó em không nói gì cả, nhưng mà sau đó lặng lẽ viết một bức thư gửi cho bố mẹ nói về quan điểm của con như thế.

    Tiến: Dạ, em là Tiến. Em có ý kiến như thế này. Trong những lúc mà xung đột đó thì em thường tĩnh lặng lại, không phản ứng ngay, suy nghĩ để có cái ứng xử thật tốt với bố mẹ.

    Trà Mi: Các bạn có bao giờ các bạn gọi là mà mình chịu khó, mình tự ép buộc mình phải nghe ý kiến của ba mẹ không?

    Trung: Càng nghiên cứu thì càng thêm khôn ngoan. Người lớn không phải là sai hoàn toàn, người trẻ cũng không phải là đúng tất cả, mỗi người có một tư tưởng riêng, một cách nhìn khác nhau, trong cuộc sống có thể có những giây phút nhiều khi mình buộc lòng phải nghe bố mẹ vì cái vấn đề này. Cái điều căn bản nhất, đó là tư tưởng của mình nhìn nhận vấn đề đó như thế nào chứ không phải là bố mẹ mình nói với mình như thế nào.

    Trà Mi: Ý của Trung có nghĩa rằng là không phải là mình tự mình ép mình phải nghe theo ý kiến của ba mẹ hoặc là mình phải làm theo cái ý của mình mà mình nên tìm cái cách nhìn nhận vấn đề một cách có lợi cho cả hai, có lợi cho bầu không khí gia đình.

    Trung: Vâng.

    Trách nhiệm của nhà trường, xã hội

    Trà Mi: Mình cũng đã nói đến cái trách nhiệm của ba mẹ cũng như cái trách nhiệm của con cái, thế còn cái trách nhiệm của những người làm công tác xã hội, của những người làm công tác giáo dục thì sao, trong cái dịp hàn gắn hoặc là hòa hợp hơn cái khoảng cách thế hệ?

    Tiến: Thứ nhất về cái việc giáo dục, nhà trường nên để ý cái việc giáo dục nhân bản - con người ngay từ đầu. Ở Việt Nam thì cái này thì rất nhiều nhà trường hãy còn ơ hờ về vấn đề giáo dục con người này, mà chủ yếu tập trung giáo dục tri thức. Còn về cái giáo dục truyền thông thì em nghĩ rằng vai trò của truyền thông rất là quan trọng. Em thấy là cũng có một số chương trình có liên quan đến quan hệ gia đình và nên phát triển mạnh cái đó.

    Trà Mi: Đó là ý kiến của Tiến. Trung và Thu, các bạn có ý kiến nào khác bổ sung không?

    Thu: Em thấy ở Việt Nam bây giờ công tác xã hội nói về khoảng cách gia đình, cha mẹ con cái, nó vẫn chưa được cao lắm, chưa được coi trọng lắm cho nên là các em chưa nhận thức được rõ ràng.

    Trà Mi: Các bạn có cái đề nghị gì không, hay là có cái nguyện vọng như thế nào, nếu các bạn có cơ hội được đệ đạt ý kiến của mình lên những người hữu trách?

    Thu: Em thì em vẫn muốn là tất cả cùng nhìn nhận lại và mọi người nên đưa ra ý kiến để có một phương pháp giáo dục tốt nhất cho giới trẻ hiện nay đó.

    Trà Mi: Trung? Bạn có ý kiến nào không?

    Trung: Trước hết về cái giáo dục thiết nghĩ truyền hình hay là báo chí nên có nhiều chương trình để gắn kết thế hệ trước với thế hệ sau này, giống như đó là hai thế hệ cùng tranh luận về một vấn đề chẳng hạn, thì em nghĩ đó là cái rất tốt để tìm được cái điểm chung giữa thế hệ trước và thế hệ sau này, gắn kết hai luồng tư tưởng lại với nhau.

    Trích từ http://www.rfa.org/


      Hôm nay: 8th May 2024, 00:47