Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    Dung hòa khoảng cách

    avatar
    congdantoancau

    Tổng số bài gửi : 633
    Tiền xu Ⓑ : 1732
    Được cảm ơn № : 27
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 12/05/2014

    Dung hòa khoảng cách Empty Dung hòa khoảng cách

    Bài gửi by congdantoancau 25th June 2014, 09:30

    “Mẹ chồng nào cũng có câu cửa miệng: ngày xưa mẹ thế này, thế kia, có sao đâu (!). Hồi chưa về làm dâu và sinh con, em với bà rất hòa thuận, hợp nhau.

    Còn bây giờ... buồn lắm, cũng chỉ vì chuyện nuôi dưỡng trẻ...”- TS Trương Bích Hà, giám đốc Trung tâm tư vấn thuộc Trung ương Hội Kế hoạch hóa gia đình VN, nói về một trong vô số “ca” tư vấn...

    Căng thẳng từ ăn đến chơi

    Rất nhiều ông, bà cụ gọi đến trung tâm vừa khóc vừa kêu ca: “Tôi thương cháu tôi, nó còn nhỏ thế đã biết gì mà các anh chị ấy đày đọa nó”. Vài cụ ông, cụ bà khác bất bình vì bố mẹ các cháu nội, ngoại của ông bà bắt con phải ăn, ngủ, học tập đúng giờ giấc, trong khi kinh nghiệm của ông bà là trẻ đang lớn, muốn ăn phải cho cháu ăn, cháu muốn ngủ đừng ép nó phải dậy. Ngày xưa ông bà nuôi bố mẹ nó như thế, có sao đâu (!).

    Theo TS Hà, đang có bốn nguyên nhân chính thường dẫn đến... bất đồng thế hệ quanh việc nuôi dưỡng trẻ. Đó là các vấn đề về chăm sóc trẻ, chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh và ngôn ngữ dạy trẻ. Trong đó, bố mẹ các cháu luôn muốn con sạch sẽ, ăn uống khoa học với thực đơn nhiều cá, tôm, cua...; còn ông bà lại ít muốn cho cháu tắm vì nghĩ cháu còn “non”, không muốn cháu ăn cua vì cho rằng “cua không có máu”, ăn tôm thì sợ cháu ho...

    Chính vì những bất đồng “tích tiểu thành đại” này, nhiều cặp mẹ chồng - nàng dâu vốn tâm đầu ý hợp thành ra khó cùng ăn ở. Một phụ nữ đến trung tâm xin được tư vấn, lý do là lấn cấn với mẹ chồng. Tìm hiểu mới biết bà mẹ chồng vốn có kinh nghiệm nên rất tin vào cách nuôi con của mình. Trong khi cô con dâu có học, đọc sách báo thấy kinh nghiệm của mẹ chồng chưa phù hợp, từ cách cho trẻ ăn, ngủ, chơi đùa. Thậm chí mẹ chồng chị này cho rằng ăn nhiều... muối trẻ mới khỏe, thường xuyên cho cháu ăn mặn đến mức... không thể ăn được. Khi trao đổi với bà thì bà cho là... láo, hỗn. Anh chồng ở giữa cứ rối như tơ vò, chạy đi chạy lại giữa vợ và mẹ, không khí gia đình luôn căng thẳng.

    Khi các cháu nhỏ, bà và mẹ có bất đồng trong chăm sóc, nhưng nuôi dạy các cháu lớn cũng lại có bất đồng mới. Chồng chị Trần Thúy Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) là con một, khi vợ sinh con trai đầu lòng, ông bà xem cháu chẳng khác ông hoàng trong nhà. Từ bé cháu đã được quyền ngồi một chỗ “giao việc”, còn ông bà luôn đóng vai “người giúp việc tận tụy”, bưng cho cháu từ nước uống, cơm ăn; thỉnh thoảng lén cho cháu tiền tiêu riêng từ lương hưu của ông bà... Chị góp ý thì ông bà lấy quyền làm cha mẹ bác bỏ thẳng thừng. Nay con trai chị đã thành sinh viên, ra dáng một “công tử bột”: ý thức tự lập, sự năng động, nhanh nhạy tỏ ra kém hơn hẳn so với bạn bè.

    Theo các chuyên gia, hai người đàn bà xa lạ, chưa hiểu gì về nhau tự dưng về ở với nhau, cùng chăm sóc một đứa trẻ thì không... bất đồng mới là lạ. Đó không hẳn là mâu thuẫn mà là một khoảng cách. “Thế hệ vợ chồng trẻ hôm nay ít nhiều đã từng va chạm và biết áp lực của cuộc sống nên muốn con cái đáp ứng được các yêu cầu của nhịp sống, thời đại; có những phẩm chất như quyết đoán, tự tin, nhạy cảm và khả năng đối mặt với các khó khăn. Điều đó là đúng và cần thiết. Nhưng có lẽ điều cần thiết hơn là làm sao, cách nào thật nhẹ nhàng để các bậc ông bà ý thức được việc rèn luyện các cháu từ nhỏ” - TS Trương Bích Hà cho biết.

    Khoảng cách thế hệ: làm sao để dung hòa?

    “Ai cũng thương con, thương cháu, nhưng kinh nghiệm mỗi thời mỗi khác” - TS Hà nói. Theo chị, nguyên lý chung là nhận thức đúng sẽ dẫn đến hành vi đúng. Muốn có nhận thức đúng phải cung cấp kiến thức cho họ. Các cô con dâu, con gái khéo léo phải hiểu ông bà làm vậy chỉ vì thương cháu. Nếu muốn ông bà thương cháu đúng cách, hãy đưa ông bà đến gặp bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia tâm lý, thầy cô giáo... Cứ “mưa dầm thấm lâu”, chắc chắn các ông bà sẽ hiểu ra.

    Có những cô con dâu rất ngoan ngoãn khéo léo, bà mẹ chồng rất nhanh nhẹn thương con, nhưng mới có một đứa cháu đã tưởng như “không đội trời chung”(!). Theo TS Hà, đừng chuyện gì cũng đổ cho mẹ chồng, bố chồng, các ông bố bà mẹ trẻ bên cạnh kiến thức nuôi dạy trẻ tân tiến phải hiểu tâm lý người già để dung hòa khoảng cách thế hệ. Các chuyên gia có kinh nghiệm cũng cho rằng vai trò của ông chồng trong trường hợp này rất quan trọng, vợ và mẹ hiểu nhau nhiều hay ít, nhanh hay lâu thường do sự ứng xử của người chồng.

    Mâu thuẫn, lấn cấn giữa ông bà, cha mẹ thật ra cũng không đến mức độ “ghê gớm”, nghiêm trọng lắm nếu các bên đều phải hiểu rằng tất cả đều chung mục đích. Bởi ông bà, cha mẹ nào cũng vì thương con thương cháu; cũng mong muốn con cháu lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn và thành đạt.

    Theo:TuoiTre

    Nguồn: Vietbao.vn


      Hôm nay: 8th May 2024, 00:43