Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    Người “bật mí” những bí mật của chữ Việt cổ

    avatar
    congdantoancau

    Tổng số bài gửi : 633
    Tiền xu Ⓑ : 1732
    Được cảm ơn № : 27
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 12/05/2014

    Người “bật mí” những bí mật của chữ Việt cổ Empty Người “bật mí” những bí mật của chữ Việt cổ

    Bài gửi by congdantoancau 20th June 2014, 15:35

    “Lần đầu tiên tìm và giải mã được chữ Việt cổ, tôi đã khóc, khóc như một đứa trẻ” - ông Đỗ Văn Xuyền, ở phường Tân Dân (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), một thầy giáo nghỉ hưu, hơn 40 năm qua đã bỏ tiền túi để đi tìm chữ Việt cổ, nhớ lại. Trong khi sưu tầm và nghiên cứu, ông Xuyền còn phát hiện ra nhiều bí mật trong quá trình hình thành và phát triển chữ viết của cha ông.

    Người “bật mí” những bí mật của chữ Việt cổ Nguoibatmi01
    Ông Xuyến với những chữ Việt cổ tìm được

    Gian nan tìm chữ viết cổ

    Mặc dù đã gần ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trông ông Xuyền vẫn vượng lắm. Mái tóc bồng bềnh, khuôn mặt phúc hậu pha chút phong trần, ông giống một văn sỹ hơn là một nhà khảo cổ học dù là không chuyên. Có lẽ trời phú cho sức khỏe nên ông vẫn cần mẫn đi tìm, giải mã chữ viết của tổ tiên.

    “Vào một chiều cách đây hơn 40 năm, trong khi lao động, học sinh của tôi đã đào được những phiến đá, búa, rìu có hoa văn kỳ lạ, giống như chữ viết cổ. Ý định đi tìm chữ Việt cổ xuất phát từ đó” - ông Xuyền tâm sự.

    Người “bật mí” những bí mật của chữ Việt cổ Nguoibatmi02
    Chữ Việt cổ khắc trên sách đá trong đền thờ Thục Nương (người đọc Hịch khởi nghĩa của Hai Bà Trưng) có từ thời Hai Bà Trưng, xã Phương Lâu, Việt Trì

    Hành trình tìm chữ của cha ông có cả niềm vui và nước mắt. Năm 1989, khi đến xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, ông thấy một ngôi miếu đổ nát có tên Thiên Cổ miếu. Tại đây, người dân đã đào được một thanh kiếm bằng đồng, một cái bát đồng có ghi thứ chữ lạ. Sau đó, khi nghe tin ở Sa Pa (Lào Cai), phát hiện một bãi đá cổ có những con chữ lạ, thế là ông “khăn gói quả mướp” lên đường.

    Càng tìm tòi, phát hiện ông càng thấy say mê, cái thú tìm chữ cổ như đã ngấm vào máu của ông. Khi biết thông tin ở địa phương nào phát hiện chữ viết lạ, dù xa đến mấy, ông cũng không tiếc thời gian, công sức tìm đến. Khi thì Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, lúc ông lại ngược lên Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu...

    Ông đã dồn tất cả những đồng lương ít ỏi của mình cho những chuyến đi. Thậm chí, ông Xuyền còn thế chấp sổ lương hưu để vay tiền ngân hàng, làm lộ phí cho những cuộc hành trình bất tận về cội nguồn. Ông đã sưu tập được một khối lượng lớn tư liệu, chữ Việt cổ và đã khu biệt được một bộ chữ gồm 47 chữ cái. Để thuận tiện cho việc dịch chữ, ông Xuyền đã cho ra đời cuốn sách Giải mã chữ Việt cổ.

    Ông Xuyền tâm sự: “Không phải chuyến đi nào cũng mang lại kết quả. Nhiều lần, tôi đến tận Quảng Bình, Quảng Trị, lên đỉnh Trường Sơn gặp đồng bào Cọi tìm chữ viết trên “trang sách” bằng lá cây hay qua miền Trung tìm chữ trên những viên gạch Chăm... nhưng không phải là chữ Việt cổ. “Có những chuyến đi, tôi bị ốm thập tử nhất sinh như sau chuyến đi Sa Pa, tôi phải nằm liệt giường tới 4 tháng”.

    Người “bật mí” những bí mật của chữ Việt cổ Nguoibatmi03
    Ông Xuyền viết chữ Việt cổ trên giấy lụa
    Bảng so sánh chữ cái Việt cổ mà ông Xuyền tìm được ở các đỊa phương


    Nền giáo dục thời Hùng Vương phát triển mạnh


    Căn phòng làm việc của ông Xuyền sẽ không có gì đặc biệt, nếu trên những ngăn tủ không có những ký hiệu rất lạ mắt. Do đọc thông, viết thạo chữ Việt cổ nên tất cả ký hiệu ở cuốn sổ tay hay ở các ngăn tủ và cả những phong thư, ông đều dùng chữ của tổ tiên có từ thời Vua Hùng.

    Theo ông Xuyền, ngay buổi lập nước, chúng ta có một nền giáo dục rực rỡ. Thời Hai Bà Trưng các tướng tá đều được học hành chu đáo như Lê Ả Lan, Lê Anh Tuấn ở Đường Lâm, Sơn Tây; tả tướng Phật Nguyệt, nữ tướng Lê Chân, nữ tướng Thiều Hoa... đều được sử chép là học chữ rất tài. Hai Bà Trưng còn được mẹ là bà Man Thiện đón vợ chồng thầy Đỗ Năng Tế và Tạ Cẩn Nương về dạy chữ tại nhà.

    Để chứng minh, ông đã lập tấm bản đồ về 60 đền thờ thầy và địa điểm trường lớp qua các thời Vua Hùng, Triệu Đà và Hai Bà Trưng từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc. Tại thành phố Việt Trì, ông đã tìm thấy miếu thờ thầy giáo Vũ Thê Lang quê ở Mộ Trạch, Hải Dương và vợ là Nguyễn Thị Thục quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên đây dạy học thời vua Hùng thứ XVIII. Có thầy, có trò, tất phải có chữ, nhưng chữ viết của cha ông có từ bao giờ? - là câu hỏi khiến ông Xuyền phải lao tâm khổ tứ, đi tìm câu trả lời.

    Người “bật mí” những bí mật của chữ Việt cổ Nguoibatmi05
    Bảng chữ Việt cổ được đặt trong Thiên cổ miếu

    Chữ viết nước ta có trước khi người Hán đô hộ

    Qua quá trình nghiên cứu, ông Xuyền cho rằng. “Chúng ta đã có chữ viết trước khi chữ Hán được đưa vào nước ta”. Bởi ngay từ thời Hai Bà Trưng, nền giáo dục đã phát triển. Trong khi đó, chữ Hán chỉ vào Việt Nam từ năm 186 do Sĩ Nhiếp đưa sang.

    Tôi thầm nghĩ, giả thiết này của ông hoàn toàn có cơ sở vì thâm ý của ngoại bang đôi khi rất hiểm độc. Khi đô hộ, bao giờ chúng cũng muốn đồng hóa văn hóa nước ta, nên trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, chữ Việt cổ không còn dấu tích là điều có thể. Điều này thể hiện rõ trong chiến dịch tận thu trống đồng của Mã Viện hay chính sách “Đốt sách, chôn Nho” của nhà Minh khi xâm lược nước ta.

    Ông Xuyền còn tìm nhiều bằng chứng để bảo vệ ý kiến của mình: Trong cuốn “Thanh Hóa quan phong” của Vương Duy Trinh, tác giả viết: “Vì thập châu (vùng Tây Bắc) là nơi biên viễn nên dân ta còn lưu giữ được thứ chữ ấy – một loại chữ Việt cổ. Để có tính khách quan, ông Xuyền tìm bằng chứng trong sách Thông giám cương mục của Chu Hi đời Tống. Sách có đoạn viết: “Đời Đường Nghiêu thứ 5 (2352 trước Công nguyên) người Nam Di Việt đến chầu, hiến con rùa lớn, lưng rùa rộng ba thước có chép chữ khoa đẩu (con nòng nọc), ghi chép việc từ khai thiên lập địa đến nay”...

    Người “bật mí” những bí mật của chữ Việt cổ Nguoibatmi06
    Bản đồ các đền thờ thầy giáo do ông Xuyền phát hiện

    Trước ông Xuyền, trong cuốn “Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ”, nhà nghiên cứu Lê Trọng Khánh cũng nhắc đến chữ khoa đẩu thời tiền sử của dân tộc ta. Nhiều nhà khoa học tiền bối và hiện tại, cũng đã bỏ nhiều công nghiên cứu chữ Việt cổ nhưng dường như tất cả còn dang dở. Điều này càng thôi thúc tiếp tục cuộc hành trình mình đã chọn. Tôi nhận thấy, quyết tâm đó hiện rõ trên ánh mắt dù đã có phần đục mờ của ông.

    Lúc chia tay, ông tặng chúng tôi cuốn Giải mã chữ Việt cổ. Như đoán được ý chồng, vợ ông bảo, “ông ấy muốn phổ cập chữ Việt cổ đấy”. Bà vừa nói vừa ánh lên một nụ cười phúc hậu. Chắc hẳn trong bao năm qua, không có sự đồng tâm của bà, ông Xuyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên con đường thiên lý tìm về với nguồn cuội của mình.

    Năm 2005, nhân dịp lên thăm và làm việc tại tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch nước khi đó là Trần Đức Lương đã dành thời gian trao đổi với ông Xuyền về chữ Việt cổ và động viên ông tiếp tục nghiên cứu. Gần đây nhất, ông Xuyền cũng đã có buổi báo cáo về đề tài chữ Việt cổ lên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. Cuối năm 2007, tại Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi, hơn 40 nhà khoa học đã nghe ông báo cáo về những phát hiện mới của chữ Việt cổ. GS Trần Phương, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao những phát hiện của ông.

    Bên cạnh sở thích tìm chữ Việt cổ, ông Xuyền còn say mê sáng tác văn học với bút danh Khánh Hoài. Trẻ em rất thích những tác phẩm của ông như Băng Ngũ Hổ, Những chuyện bất ngờ, Cuộc chia tay của những con búp bê... Người lớn thì được nhiều trận cười khi xem phim Ghen, Bảy ngày làm vợ, chuyển thể từ chuyện ngắn của ông. Hiện ông là Chủ nhiệm đề tài chữ Việt cổ của Bộ phận nghiên cứu thời tiền sử thuộc Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam.
    (Bài và ảnh: Hoàng Phú - PNVN)

    http://www.5giay.vn/chuyen-doi-xua-va-nay/1460780-dung-noi-vn-co-chu-viet-la-nho-thang-tau-nha.html


      Hôm nay: 27th April 2024, 11:32