Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    MIDI là gì ? Tạo nhạc MIDI như thế nào ? Các công cụ để tạo nhạc MIDI

    avatar
    congdantoancau

    Tổng số bài gửi : 633
    Tiền xu Ⓑ : 1732
    Được cảm ơn № : 27
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 12/05/2014

    MIDI là gì ? Tạo nhạc MIDI như thế nào ? Các công cụ để tạo nhạc MIDI Empty MIDI là gì ? Tạo nhạc MIDI như thế nào ? Các công cụ để tạo nhạc MIDI

    Bài gửi by congdantoancau 11th July 2015, 18:21

    Kỹ thuật Computer : Xử lý nhạc MIDI -bài 1-
    KỸ THUẬT COMPUTER 
    XỬ LÝ NHẠC MIDI 

    Đôi lời phi lộ 

    Một số bạn trẻ đã gửi e-mail và hỏi tôi một số vấn đề liên quan đến cách xử lý file MIDI, từ việc tạo ra đến cách giải quyết những vấn đề liên quan đến loại file ấy. 
    Một số bạn khác (ở trong nước) thì thường than phiền là ... nghe nhạc MIDI sao mà ... chán quá ! Không thấy hay như khi nghe MP3, thậm chí nghe nhạc Midi cứ như là nghe ... mèo gào vậy ! Thật ra thì không phải như thế. Nhạc MIDI nghe cũng ... “đã tai” chẳng kém gì - nếu không muốn nói một cách công bằng và chính xác là ... HƠN HẲN - các loại định dạng khác như wav, mp3, cda. 
    Để trả lời chung cho các bạn ấy, tôi viết bài tham khảo này, hy vọng sẽ giúp ích được ít nhiều cho các bạn 
    Vì thời gian eo hẹp, không tiện tra cứu nhiều, nên các sai sót hoặc sơ xuất chắc hẳn không thể tránh khỏi, trong trường hợp ấy rất mong được các thức giả bỏ quá đi cho. 

    Nội dung 

    1-Nhạc MIDI là gì ? 
    2-Lưu file MIDI (.mid) và file nhạc bản (.gif) từ forum Trinhnu.net 
    3-In file nhạc bản (.gif) thông qua trình soạn thảo văn bản WORD 
    4-Nghe file MIDI có và không có bộ khuếch đại Amplifier 
    5-Tạo ra bộ sưu tập các bản nhạc ưa thích của riêng mình 
    6-Tạo ra file MIDI từ trình ENCORE 
    7-Liên hệ giữa file âm thanh (.mid) và file nhạc bản (.enc) 
    8-File nhạc bản định dạng (.gif) hoặc (.jpg) 
    9-File nhạc bản định dạng (.pdf) có thực sự cần thiết hay không ? 
    10-Chuyển đổi file MIDI thành file WAV và MP3 

    ==================== 

    I-Nhạc MIDI là gì ? 

    Nhạc thường (bao gồm tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng các bộ gõ và cả tiếng hát nữa) đều tồn tại dưới dạng SÓNG ÂM THANH hình Sin (Sinus). Dẫu rằng chúng khác nhau về cường độ (mạnh, yếu), trường độ (dài, ngắn), cao độ (trầm, bổng), tiết tấu (nhanh, chậm) và âm sắc (bản sắc riêng của các công cụ nhạc), nhưng điểm chung nhất tất cả đều là sóng âm, với bản chất CƠ HỌC : Một luồng sóng âm, bất kể từ nguồn nào, đều làm rung động bầu không khí quanh nó, truyền đi trong không gian bao la, rồi đập vào tai người nghe, làm rung động màng nhĩ, khiến cho người ấy nghe được âm thanh đó. 
    Để ghi lại, lưu lại một sóng âm thường thì người ta sử dụng kỹ thuật TƯƠNG TỰ (Analog), biến một sóng âm bản chất cơ học thành sóng điện từ, với những định dạng (format) quen thuộc như .wav, .cda, .mp3 v.v... 
    File âm thanh định dạng wav thường chiếm rất nhiều không gian dĩa, file cda cũng là một loại file wav, được sử dụng cho các dĩa CD (compact disc) nên cũng chiếm dụng không gian tương đương 
    Kỹ thuật NÉN file ra đời đã hình thành nhạc mp3 với rất nhiều ích lợi (chiếm dụng không gian ít hơn từ 10 lần đến 20 lần so với file wav, nhờ đó có thể truyền tải được trên mạng Internet nhiều và nhanh hơn) Nếu một bài hát thông thường lưu ở định dạng wav chiếm trung bình khoảng 40 Mb , thì file Mp3 tương ứng chỉ cần từ 2Mb cho đến 4 Mb 
    Nghĩa là một dĩa CD nhạc thông thường (dung lượng 650 Mb) có thể chứa được khoảng 10 đến 15 bài hát (tuỳ theo dài ngắn), thì một dĩa CD-Mp3 có thể chứa được từ 150 bài cho đến ... 300 bài hát !!! 
    Tưởng rằng MP3 đã là một thành tựu lớn lao khó có định dạng nào bắt kịp, nhưng trong thực tế kỷ lục lại thuộc về một định dạng khác nữa : Định dạng MIDI (đuôi .mid hoặc .MID) 

    Nhạc Midi không dùng KỸ THUẬT TƯƠNG TỰ (Analog), mà dùng KỸ THUẬT SỐ (Digital) để lưu lại âm thanh. Mỗi âm thanh của các nhạc cụ khác nhau được GÁN cho một chuỗi ký tự số nhị nguyên tương ứng (chỉ bao gồm 2 chữ số 0 và 1) chẳng hạn như 010101, hoặc 101010, hoặc 000111, 110011 v.v... 
    Như vậy một chuỗi âm thanh sẽ được ghi lại như một ... chuỗi số . Và quá trình lưu file âm thanh được quy về như một quá trình SỐ HÓA, kèm theo là LƯU SỐ. 
    Ở công cụ nghe, một quá trình ngược sẽ được thực thi : Chuỗi số sẽ được biến đổi, hoán cải ngược lại thành chuỗi âm thanh. 
    Vì thế Nhạc Midi còn được gọi bằng những tên khác như : nhạc điện tử, hay gọn hơn nữa là ... nhạc ... số 
    Vì đã được tiêu chuẩn hóa nên nhạc Midi chơi rất chính xác và rất hay, rất lạ tai. Một lợi ích quan trọng hơn nữa là file nhạc Midi chiếm dụng rất ít không gian . Một bài hát định dạng wav 40 Mb, định dạng Mp3 khoảng 4 Mb, thì một file Midi tương ứng chỉ mất khoảng 40 Kb (ít hơn Mp3 một trăm lần, và ít hơn Wav một ngàn lần !!!). Nghĩa là sẽ có (thật ra là đã có) những dĩa CD kỹ thuật số dung lương cũng chỉ 650 Mb như các dĩa khác, nhưng chứa được trên mười ngàn bài hát ! 

    Với dung lượng nhỏ xíu như vậy, Midi quả là một chú bé David thần kỳ, đánh gục hết các gã khổng lồ Goliath khác, và chính nó đã trở nên một nhà vô địch, một công cụ lý tưởng để truyền tải nhạc trên InterNet vậy 

    II-Lưu file âm thanh Midi và file nhạc bản gif từ forum Trinhnu 

    Midi như đã nói ở phần trên, nhờ những tiện nghi vô hạn của nó, nên đã rất nhanh và rất sớm được sử dụng trên mạng InterNet. Rất nhiều website có cho phổ biến và download nhạc Midi (tải từ mạng xuống). 
    Nhưng có thể nói Trinhnu.net chính là một trong những website đầu tiên cho người xem có được khả năng UPLOAD nhạc Midi (tải lên mạng). Nhờ đó, Forum Trinhnu nhanh chóng trở thành một tụ điểm độc đáo, thu hút rất đông viewers. Trong một thời gian ngắn, số lượng bài hát được tải lên đã vượt qua con số một ngàn ! 

    1-Một bài hát trên diễn đàn Trinhnu yêu cầu tối thiểu phải có 2 loại file : 

    -Một là file nhạc bản (music sheet) dưới định dạng quen thuộc nhất là .gif, các định dạng khác như jpg cũng có thể được chấp nhận, vì dung lượng của một nhạc bản ở các định dạng này thường chỉ chiếm 20, hoặc 30 Kb 
    File này có thể được tạo ra bằng các trình soạn nhạc thông dụng như Encore, Finale, Sibelius, CakeWalk v.v... bằng cách nhập nốt nhạc (Input notes) vào các dòng nhạc mẫu, sau đó lưu bằng cách chọn FILE/ “Save as gif file”. Cũng có thể tạo ra bằng cách viết tay, nhập nốt nhạc vào các dòng nhạc kẻ bằng tay trên giấy thường, sau đó đem đi QUÉT (Scan) bằng MÁY QUÉT (Scanner) để lưu thành file .gif hoặc .jpg 

    -Hai là file âm thanh dưới định dạng Midi (đuôi .mid), hoặc định dạng Karaoke (đuôi .kar) 
    Việc tạo ra những file này cũng thực hiện bằng cách nhập nốt nhạc (Input notes) vào các khung nhạc (systems), sau đó nhấn “FILE/ Save as .mid file” . 
    Tạo ra file Midi một dòng nhạc đơn (thường là dòng giai điệu Melody) thật cũng đơn giản và dễ dàng, không khó khăn gì, nhưng việc thực hiện hòa âm, phối khí sao cho nhiều nhạc cụ cùng chơi một lúc phối hợp hài hòa với nhau lại là một việc khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi người soạn nhạc, viết hòa âm phải có kinh nghiệm lăn lóc từng trải với nhạc nhiều năm, kèm theo ngẫu hứng nhất thời mới có thể thực hiện được một cách thành công (dù chỉ tương đối ) 
    (Ở một đoạn sau -đoạn thứ 6- vấn đề này sẽ được khai triển rộng thêm.) 

    2-Lưu file gif và mid trên trang Trinhnu . Trên trang trinh nữ 

    -Muốn lưu nhạc bản (music sheet) : chỉ cần Right click vào chỗ trống trên nền bản nhạc. Trong menu (lệnh đơn) mở ra, chọn “Save picture as” là sẽ lưu được file ảnh gif của bản nhạc 

    -Muốn lưu file âm thanh (sound file, midi file) : Right-click vào nút có chữ Midi, trong lệnh đơn (menu) mở ra chọn “Save target as ...” là sẽ download được file âm thanh về máy của mình dễ dàng. Việc tải xuống các file midi này thường là rất nhanh, không có khó khăn, trở ngại gì cả. 

    ....................................... 

    Kỹ thuật Computer : Xử lý nhạc MIDI -bài 2- 

    KỸ THUẬT COMPUTER 
    XỬ LÝ NHẠC MIDI 

    ...................................... 

    III-In file gif ra giấy 

    Để IN được file nhạc bản (music sheet) từ forum Trinh Nữ ra giấy, thường thì có 3 cách 

    1-Một là, từ ngay trên Website Trinh Nữ nhấn File/ Print ... (Nút File nằm trên thanh công cụ Tool bar) 

    2-Hai là, cũng ở trên trang Trinh Nữ, khi open một bài hát nào đó ra, bạn sẽ thấy ở bên tay phải màn hình, ngay phía dưới dòng “log in” có một khung chữ nhật nhỏ chứa 2 nút : Nút “Email this song to a friend” (gửi bài hát này tới bạn bè qua e-mail) và nút “Printer friendly” . Nhấn vào nút “Print ...” này sẽ in được bài hát ra giấy. 

    Đó là 2 cách in trực tiếp (directly print), giúp ta in ngay từ trên trang web, dù là lúc in ta đang online (trực tuyến) hoặc offline (ngoại tuyến). 

    Tuy vậy, khi áp dụng 2 cách in này, thường thì về mặt nhạc (nốt nhạc, dòng nhạc) và lời nhạc tiếng Anh đều không có trở ngại gì, nhưng về phần lời nhạc tiếng Việt (có dấu) thì vấp phải vô số trục trặc, trở ngại : kết quả là ta có được những bài nhạc đầy những DẤU HỎI và những Ô VUÔNG bí hiểm, phải vừa đọc vừa đoán lời nhạc, thậm chí ... chịu thua, không thể đoán nổi đó là chữ gì nữa. 

    Nguyên nhân của sự cố này là do lỗi của MÁY IN (Printer) : Mỗi tác giả khi soạn nhạc thường dùng mỗi người một kiểu font khác nhau, các máy in không support, hoặc support không đầy đủ các font tiếng Việt ấy (đặc biệt là với font UNICODE), do đó với những ký tự (character) xa lạ với các ký tự tiếng Anh, thường thì máy in không hiểu, bèn tự động loại bỏ ký tự lạ đó, thay vào bằng một dấu hỏi (?) hoặc một ... ô vuông bí hiểm !!! 
    Đây là vấn đề của các hãng sản xuất máy in. 
    Máy computer của bạn và ngay cả hệ điều hành Windows cũng đều không có lỗi gì trong sự cố này. 
    Chỉ những máy in nào được support UNICODE và VIETNAMESE FONTS đầy đủ mới có khả năng in hoàn hảo theo 2 cách trên mà thôi. 
    Đôi khi, lại có trường hợp máy in đã support đầy đủ Viet fonts, nhưng người điều khiển máy in không biết cách sử dụng những support này, thì kể như ... “có cũng như không” !!! 


    3-Ba là, in gián tiếp thông qua trình soạn thảo văn bản MS-WORD : 
    Từ WORD 97 và WORD 2000 trở đi, font Unicode đã được cài đặt mặc định sẵn trong máy tương đối hoàn chỉnh. Do đó, nếu in bài hát qua WORD thì sẽ khắc phục được các sự cố dấu hỏi và ô vuông kể trên. 

    Cách làm cụ thể như sau : 

    -Right-click vào chỗ trống trên nền bản nhạc, chọn “Save picture as ...” để lưu music sheet thành một file ảnh (.gif) trước đã. 
    -Mở WORD ra, trên tool bar (thanh công cụ) chọn “Insert/Picture/From file ...” , sẽ mở ra một hộp thoại cho phép ta chọn file ảnh gif vừa lưu . Nhấn INSERT. File ảnh bản nhạc đó sẽ được CHÈN (insert) vào trong văn bản Word 
    -Left-click vào hình vừa chèn trong WORD, sẽ thấy nổi lên 8 cái QUAI là 8 nút vuông đen ở 4 góc và chính giữa 4 cạnh. Có thể nắm các quai đó (bằng mũi tên 2 đầu) để kéo kích thước bài hát tăng giảm cho vừa kích thước trang giấy A4 sẽ in . 
    -Trên Thanh công cụ lại chọn File/ Print .... để IN. 

    Cách thứ ba này giúp ta in được file văn bản (.doc) dễ dàng và chính xác tuyệt đối (có thể save hoặc không save file này, cũng vẫn in được). 


    IV-NGHE NHẠC MIDI 

    Để nghe nhạc Midi từ trên máy tính, chỉ cần nhấn chuột trái (left-click) vào tên file của bản nhạc, thì lập tức computer sẽ mở trình ứng dụng Window Media Player (cài mặc định –default-có sẵn trên máy chạy hệ điều hành Windows) để chơi file ấy 
    Tuy vậy, nhạc nghe “tự nhiên” như vậy chỉ tàm tạm, không thể nói được là hay ! 

    Muốn nghe nhạc Midi cho hay, cần giải quyết một số vấn đề như sau : 

    -Card âm thanh (Sound card) 
    -Bộ khuếch đại (Amplifier) 
    -Bộ loa (Speakers) 
    -Phần mềm (Software) nghe nhạc Midi chuyên dụng (Midi player) 
    -Chỉnh lại các thông số của máy tính 

    1-Vấn đề Sound card 

    Có thể nói Sound card là yếu tố tiên quyết, có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng nghe nhạc nói chung, nghe nhạc Midi nói riêng. Ở những máy tính đời mới, card âm thanh thường được tích hợp (integrated) sẵn trên main board (bản mạch chủ), chẳng hạn như “AC97 3D Audio”, hoặc “6 Channel Audio” thường tích hợp theo các máy Pentium 4. Với những sound card đời mới này, chất lượng âm thanh thường là từ tốt cho đến rất tốt, nên nghe nhạc rất hay, không có vấn đề gì 

    Ở những máy tính cũ hơn, sound card thời ấy chỉ tuyệt vời cho ... chơi games mà thôi, còn nếu phải nghe nhạc bằng những card ấy thì ... ôi thôi ! Nghe chẳng khác gì nghe .... mèo gào vậy ! 
    Còn ở các điểm dịch vụ Internet, ở cơ quan, công sở, trường học thì chất lượng âm thanh lại càng bê bết hơn nữa 

    Do đó, để cải thiện chất lượng nghe nhạc, khi chưa có điều kiện trang bị máy comp đời mới, việc đầu tiên phải làm là lắp đặt cho máy một Sound card loại tốt. 
    Trên thị trường linh kiện máy tính, có rất nhiều loại sound card khác nhau, nhưng về mặt chất lượng âm thanh thì có lẽ không có hiệu nào sánh nổi với CREATIVE 
    Bản thân CREATIVE cũng có rất nhiều loại, chất lượng cao thấp tuỳ thuộc vào ... giá cả. Cụ thể như sau : 

    -Creative SB Audigy 2.6.1 ( giá khoảng 120 USD) : tuyệt hảo. Cho ra âm thanh surround với hiệu quả siêu trầm (super bass), chất lượng không thua gì âm thanh của một thính phòng. 
    -Creative SB Live! SE 5.1 (giá khoảng 36 USD) : cực hay 
    -Creative SB Live! Value 4.1 (giá khoảng 30 USD) : rất hay 
    -Creative Sound Blaster thường (khoảng 18 USD) : cũng hay 

    Đặc trưng chung của các loại card Creative là không bị “mất” (lost) hoặc “biến dạng” (distorted) âm thanh như các loại card khác. 
    Máy tính của tôi chỉ dùng loại Creative hạng bét (18 USD) nói trên thôi, nhưng chất lượng âm thanh nghe cũng đạt được ... trên mức hài lòng ! 

    2-Bộ khuếch đại Amplifier 

    Ở máy tính, âm thanh thường được dẫn trực tiếp từ Sound card ra loa (Speakers), không thông qua bộ khuếch đại tín hiệu (Amplifier, gọi tắt là Ampli), do đó những âm bass, treble không nghe được rõ, chưa kể tạp âm sẽ không được lọc, hậu quả là nghe nhạc sẽ không hay 

    Nếu bạn có Amplifier, nên nối dây dẫn từ sound card ra cắm vào ngõ “LINE-IN” của Ampli, và từ ngõ “LINE-OUT” của Ampli nối ra loa, âm thanh sẽ nghe hay gấp bội vậy. 
    Nếu bạn không có sẵn Amplifier, có thể dùng tạm ngõ “LINE-IN” của Cassette player hoặc của giàn máy Kenwood, để MƯỢN ĐỠ Ampli (và cả loa) của máy này, chất lượng nhạc nghe cũng khá hơn nhiều. Chỉ cần nối dây dẫn từ sound card ra cắm vào ngõ “LINE-IN” của Cassette là xong ! (Không cần dùng đến bộ loa của máy tính) 

    3-Bộ loa (Speakers) 

    Bộ loa máy tính thường gồm có 2 cái. Với Sound card tốt, thì 2 loa này cũng dùng được. 
    Nếu muốn nghe nhạc “điệu nghệ” hơn, tất nhiên cũng cần đến những bộ loa chuyên dụng, chẳng hạn như : 

    -Creative SBS15 speaker (12 USD) 
    -Creative SBS370 speaker system (27 USD) 
    -Creative Inspire 4400 4.1 speaker system (56 USD) 
    -Creative Inspire 5200 5.1 speaker system (83 USD) 
    -Creative Inspire 6600 6.1 speaker system (112 USD) 

    (Có thể tham khảo www.creative.com để biết thêm chi tiết hoặc ... đặt mua hàng) 

    4-Phần mềm (softwares) nghe nhạc Midi 

    Windows đã cài sẵn “Windows Media Player” như là chương trình chơi nhạc Midi mặc định (default). Như vậy, trên nguyên tắc, không cần install thêm chương trình nghe nhạc Midi nào cả vẫn có thể chơi được, nghe được nhạc Midi. 
    Tuy vậy, nếu có thêm các softwares chuyên dụng thì nhạc Midi nghe cũng hay hơn nhiều. Dưới đây là một số softwares chuyên “xử lý” nhạc Midi : 

    -Sweet Midi Player 
    -Midi Master 2000 
    -Van Basco http://www.vanBasco.com 
    -Herosoft http://www.herosoft.com 
    -WinAmp http://www.winamp.com 
    -WinGroov http://www.wingroove.com 

    Trong tất cả các trình ứng dụng (application) nói trên, mỗi trình đều có những điểm ưu, khuyết, cường, nhược khác nhau ... Nhưng có lẽ không trình nào qua nổi Wingroov trong lãnh vực Midi cả. 

    5-Chỉnh lại các thông số trong máy tính 

    Rất nhiều khi máy tính của bạn có đủ hết các điều kiện thiết yếu kể trên mà nghe nhạc Midi vẫn thấy ... dở òm , chỉ vì đã quên chưa chỉnh lại một vài thông số liên quan đến việc xử lý file Midi. 
    Thường là phải chỉnh lại 2 nơi : 

    1-Một là trong Control Panel : 

    Nhấn Start/Settings/Control Panel 
    Trong cửa sổ mở ra, chọn Multimedia (Left-Click vào icon Multimedia) 
    Ở cửa sổ tiếp theo ta sẽ thấy một hàng chứa 5 tab : 
    AUDIO – VIDEO – MIDI – CD MUSIC – DEVICES 
    Nhấn vào tab thứ ba (tab MIDI) sẽ mở ra cửa sổ mới. Trong mục Single Instrument có liệt kê một số công cụ Midi output. Thí dụ như ta sẽ thấy các công cụ : 

    -Creative Music Synth [220] 
    -SB 16 Midi Out [330] 
    -Wingroov 
    -.... v.v......... 

    Bạn cần chọn và nghe thử từng công cụ này, để tìm ra công cụ nào chơi Midi hay nhất cho riêng mình. Nếu đã cài sound card Creative thì tất nhiên chọn Creative Synth sẽ thích hợp nhất. 

    2-Hai là, trong mỗi trình chơi nhạc Midi (Wingroove, Van Basco ...), cũng cần xem lại phần Setting/Midi out và chỉnh lại cổng ra dành riêng cho Midi thích hợp nhất 

    Thí dụ : 
    a-Nếu dùng Wingroove, mở wgplayer.exe 
    Chọn Setting/Midi Out 
    Trong cửa sổ mở ra ta sẽ thấy : 
    -Wingroov direct 
    -Midi Mapper 
    -SB 16 Midi Out [330] 
    -Creative Music Synth [220] 
    -Wingroov 
    Và mặc định thường là “Midi Mapper”. Chọn lại “Creative Synth” thay cho “Midi Mapper” nhạc Midi chơi sẽ hay hơn. 

    b-Nếu dùng VanBasco, chọn Setup/Midi 
    Chọn “Creative Music Synth [220]” rồi nhấn OK 

    Các công cụ Output trên chỉ là thí dụ tượng trưng thôi, tuỳ theo các loại sound card và softwares được cài đặt mà các công cụ trên sẽ thay đổi khác với các thí dụ nêu trên. 

    Nguyên tắc là nếu đã cài sound card Creative, thì các thông số tương ứng cũng cần chỉnh lại, chọn công cụ Midi Out (Creative) tương ứng. 

    Với những trang bị và chỉnh sửa cần thiết nêu trên, nhạc Midi chơi trên máy tính của bạn sẽ hay không thua gì một giàn nhạc thính phòng thực sự cả. Thậm chí có thể nghe rõ, rất rõ, từng nhạc cụ một, đang say sưa hoà nhịp trong một giàn nhạc tuyệt vời (GREAT BAND) nữa !!! 

    Chúc các bạn thành công. 

    ....................................... 

    Kỹ Thuật Computer -Xử Lý Nhạc MIDI -Bài 3- 


    KỸ THUẬT COMPUTER 
    XỬ LÝ NHẠC MIDI 
    -Bài 3- 

    Tiếp theo “Xử lý nhạc Midi bài 1 và 2” 
    Sorry ... Mong các bạn thông cảm vì HSN không có thời gian rảnh nên bài này bị gián đoạn quá lâu. 

    PHẦN II 
    -TẠO RA FILE MIDI- 
    (Riêng tặng các bạn trẻ muốn tự mình soạn nhạc) 

    A-FILE MIDI ĐƠN một khung nhạc ghi giai điệu Melody 

    Để tạo ra file Midi một khung nhạc đơn (Melody) ghi lại các nốt nhạc đơn lẻ của bài hát là điều ... dễ nhất trên đời. Với bất kỳ một trình soạn nhạc nào cũng có thể làm việc này tương đối dễ dàng 

    Thí dụ với trình soạn nhạc ENCORE 4.5 có thể khởi đầu như sau : 

    +File/New để mở ra một trang soạn nhạc mới 

    +Trong cửa sổ mở ra (cửa sổ CHOOSE PAGE LAYOUT) : 
    -Trong Staff format : chọn Single staves (1 khung nhạc) 
    -Staves per system : chọn 1 (1 khung nhạc Melody) 
    -Systems per page : chọn 10 ( 10 dòng nhạc mỗi trang) hoặc 13 tuỳ ý thích 
    -Measures per system : chọn 3,hoặc 4, hoặc 5, hoặc 6 tuỳ ý (Số ô nhạc cho mỗi dòng nhạc) 
    Rồi nhấn OK 

    +Tiếp theo là chọn NHỊP : Trong trình Encore Nhịp default (mặc định : cài sẵn) là nhịp 4/4 . Nếu bản nhạc muốn soạn ở nhịp 4/4 thì không cần chỉnh bước này. Nếu bài nhạc muốn soạn ở các loại nhịp khác (như 2/4,3/4,6/8 v.v ...) thì phải chọn nhịp lại bằng cách : 
    -Nhấn Measures trên Toolbar (thanh công cụ) . Chọn Time signature 
    -Trong cửa sổ mở ra : From measure 1 to ... : Nhấn vào chỗ mũi tên ngang (đến hết bài) 
    Tiếp theo chọn nhịp tương ứng rồi nhấn OK . 

    +Tiếp theo là chọn KEY của bài hát : Encore mặc định KEY Do trưởng (C) hoặc La thứ (Am), không thăng (# : diese) không giáng (b : bemol) 
    -Muốn chọn âm giai khác , ta nhấn Measures (trên thanh toolbar). Chọn Key signature 
    -Làm tương tự : From measure 1 to (end) . 
    -Muốn chọn Key có dấu thăng có thể dùng mũi tên lên : 1# (Sol trưởng hoặc Mi thứ) 2# (Re trưởng hoặc Si thứ ), 3# (La trưởng hoặc Fa thăng thứ) 4# (Mi trưởng hoặc Do thăng thứ) v.v... 
    -Muốn chọn Key có dấu giáng có thể dùng mũi tên xuống : 1b (Fa trưởng hoặc Re thứ) 2b (Si b trưởng hoặc Sol thứ) 3b ( Mib trưởng hoặc Do thứ) ... 

    +Tới đây có thể bắt đầu Input notes nhạc cho bài hát : Muốn Input notes , nhấn Windows/ Palette/Notes sẽ mở ra một bảng công cụ các notes nhạc ( tròn, trắng, đen, móc đơn, móc đôi ....) để ta chọn mà input từng nốt một cho đến hết bài 

    +Lưu file : Sau khi Input notes xong , nhấn File/Save as ... Trong hộp thoại lưu mở ra , ở phần File Name : đặt tên cho bài hát, ở phần Save as type có thể chọn enc (để lưu như một file nhạc bản encore), hoặc mid (để lưu như một file âm thanh midi đơn thuần). Bạn nên lưu ở cả 2 định dạng .enc và .mid này để có 2 file cơ bản : File .enc để chỉnh sửa, và file .mid để nghe lại. 

    Với file Midi vừa tạo ra, ta đã hoàn tất việc soạn giai điệu (Melody) của bản nhạc 

    Với các trình soạn nhạc khác (Finale, CakeWalk, Sibelius v.v...), chi tiết có thể khác đôi chút, nhưng nguyên tắc nói chung là cũng tương tự như vậy cả. 

    +Nghe lại file Midi vừa tạo ra trên Encore : 
    Trên Toolbar của Encore nhấn Windows, chọn Tempo để chỉnh lại độ nhanh chậm của bài hát (thường từ 65 đến 180). 
    Cũng trên Toolbar Windows ấy, nhấn Staff-sheet để chọn nhạc cụ ưa thích, có thể chỉnh âm lượng (volume) lớn nhỏ cũng nhờ nút này. 

    +Nghe lại file Midi bằng các trình nghe nhạc khác (Windows Media Player, WinAmp ...) : Rất đơn giản, chỉ cần nhấn File/Open rồi chọn tên file Midi muốn nghe là xong. 

    File Midi kiểu này sẽ chơi được bài hát ta vừa input nhưng vì chỉ có một dòng nhạc đơn lẻ nên khi nghe tất nhiên chỉ thấy những nốt nhạc rời rạc như ... cơm nguội mà thôi , nếu chọn những nhạc cụ gió như Flute, Whistle, Ocarina, Voice Oh, Atmosphere, Space-Voice thì nghe cũng tàm tạm . 

    B-FILE MIDI HÒA ÂM CƠ BẢN 

    Một file Midi hòa âm cơ bản luôn gồm có 2 thành phần : Melody và nhạc đệm 

    +Melody tạo ra như đã trình bày ở phần trên 
    +Phần nhạc đệm tối thiểu phải có 1 dòng nhạc, đó là dòng Piano ghi phần nhạc đệm cơ bản cho bài hát. 

    hoặc 2 dòng nhạc : 
    -Bass ghi lại tiếng đàn Bass 
    -Piano ghi phần nhạc đệm cơ bản 

    hoặc 3 dòng nhạc : 
    -Bass ghi lại tiếng đàn Bass 
    -Drums ghi tiếng trống 
    -Piano ghi phần nhạc đệm cơ bản 

    hoặc 5 dòng nhạc : 
    -Bass ghi lại tiếng đàn Bass 
    -Drums ghi tiếng trống 
    -Piano ghi phần nhạc đệm cơ bản 
    -Guitar ghi phần nhạc đệm bằng Guitar 
    -Strings ghi các tiếng đàn dây, làm tăng độ du dương 

    Ở bước khởi đầu, chỉ nên thực hiện những file đơn giản (Mel + 1) hoặc (Mel + 2) hoặc (Mel+3) mà thôi. Khi nào thao tác thuần thục rồi sẽ mở rộng thành file (Mel + 5) cũng chưa muộn. 

    C-TẠO RA FILE MIDI (Mel +n ) 

    Để tạo ra một file Midi (Mel + n) có rất nhiều cách khác nhau, nhưng nói chung có thể quy về 3 cách chủ yếu : 

    1-Một là, dùng TEMPLATES của các softwares thông dụng như Finale, Cake Walk, BB, Sibelius, Encore, Jammer v.v.... 
    -Open các templates này ra, chọn lại các thông số theo ý mình . 
    -Sau đó input notes của bài hát vào dòng Melody. 
    -Sau khi save, nhấn nút play để nghe lại bài nhạc vừa soạn 

    Ưu điểm của phương pháp này là nhanh và ít tốn công phu 
    Nhưng hậu quả là luôn cho ra những bài nhạc “máy”, trình tấu tương tự như nhau dẫn đến nhàm chán, tầm thường. 
    Một hậu quả khác không kém phần quan trọng là phương pháp “ăn sẵn” này chính nó sẽ làm thui chột năng lực sáng tạo nhạc của ... chính bạn. 

    -Nếu không rành hoặc chưa rành về nhạc lý 
    -Nếu không biết hoặc chưa biết chơi đàn 
    thì dẫu có dùng softwares soạn nhạc nào đi nữa, cuối cùng cũng chỉ có được những sản phẩm thuộc loại ... rác hoặc phế liệu, thứ phẩm mà thôi. 

    Một điểm quan trọng khác nữa cũng cần lưu ý rằng “Tất cả các softwares soạn nhạc kể trên đều là nhạc phương Tây, do người Âu Mỹ soạn ra”, nên nếu dùng chúng để diễn tả nhạc nhanh, vui nhộn, theo phong cách Âu Mỹ thì còn tương đối dễ, chứ nếu phải dùng chúng để diễn tả nhạc buồn, nhạc có hồn Việt Nam thì quả thật là ... “thiên nan vạn nan” vậy ... 
    Biết đến bao giờ Tranh, Sáo, Bầu, Nhị , Nguyệt mới được “số hóa” ? Biết bao giờ mới có được một software soạn nhạc mang âm hưởng Việt Nam ??? 

    2-Hai là, IMPORT (nhập liệu) các templates ưa thích 

    Muốn thực hiện phương pháp này đầu tiên bạn phải tự xây dựng lấy một ... “kho dữ liệu nhạc” cho riêng mình trước đã. Trong đó, bao gồm những templates mẫu cho từng thể loại nhạc khác nhau, templates TRƯỞNG khác với templates THỨ. Slow tất nhiên khác xa với Rock ! Khi đã có “kho dữ liệu” ấy rồi, mỗi lần muốn sử dụng chỉ cần IMPORT chúng (hoặc Copy/Paste) là xong. 

    Trong thời gian vừa qua, tôi đã xây dựng được một tập hợp các templates mẫu bao gồm nhiều thể loại, làn điệu thông dụng từ Slow, Slow Rock, Bolero, Rumba, Tango, Chachacha, Rock (các loại) tương đối có thể tạm gọi là đầy đủ. Có cái thì phải đi sao chép lại từ các tác phẩm hay, có cái phải tự tìm cách viết ra. 
    Nếu các bạn trẻ muốn chia sẻ các templates ấy, xin gửi e-mail về địa chỉ 
    HSN : hsn2k3@yahoo.com 
    Sẽ được tặng một số templates mẫu ấy (free) để tuỳ nghi sử dụng 

    3-Ba là INPUT NOTES ( nhập nốt thủ công) vào tất cả các dòng nhạc 

    Cách này rất mất thời gian, nhưng bù lại khả năng nhạc của bạn sẽ tăng tiến đến mức ... không ngờ , và đây cũng chính là cách đa dạng nhất, phong phú nhất, mang đậm dấu ấn phong cách riêng của bạn nhất, đồng thời cũng ích lợi nhất, hiệu quả nhất trong việc soạn file hoà âm cao cấp sau này vậy ! 
    Yêu cầu của phương pháp này là bạn phải vững, rất vững về nhạc lý bên cạnh đó có nhiều kinh nghiệm trong việc chơi đàn thật mới dễ thực hiện. Amateur thì vô phương sử dụng cách này ! 

    Ngoài 3 cách ấy ra còn một cách thứ tư nữa là ... gửi thư e-mail về địa chỉ dưới đây : 

    midimakinggroup@yahoo.com 

    Nhóm ấy sẽ thực hiện file Midi và cả file hoà âm cho các bạn, tất nhiên là phải ... chi tiền ! Dân chuyên nghiệp như họ tất nhiên không có chuyện ... làm giùm ! 

    D-FILE MIDI HÒA ÂM NÂNG CAO 

    Một file Midi hòa âm nâng cao được thực hiện bằng cách thêm từ 4 đến 10 nhạc cụ khác nữa vào cho file cơ bản nói trên. 
    Theo kinh nghiệm sử dụng thực tế, một file hoà âm nâng cao chỉ cần 8 nhạc cụ (1 melody + 5 cơ bản + 2 nâng cao) là vừa . Nhiều quá sẽ ... rối, hơn nữa thông thường computer cũng chỉ nhận diện và chơi được 8 nhạc cụ mà thôi, dẫu có thêm nhiều vào cũng chỉ vô ích, vì máy nó sẽ ... “cho qua” hết ! 
    Phương pháp chủ yếu ở bước này là input notes thủ công (manual), và những ai có kinh nghiệm chơi đàn guitar classic hoặc guitar solo sẽ thực hiện bước này dễ dàng, thuận lợi hơn những người chưa quen với các kỹ thuật vừa nêu. 

    Một số bạn thường hỏi tôi dùng software nào để soạn nhạc. Xin trả lời là tôi dùng ENCORE, trên nền tảng các templates mẫu sưu tập từ nhiều nguồn, thủ pháp chủ yếu là IMPORT và INPUT. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là một phương pháp “đã dùng quen tay” mà thôi , trong thực tế, có thể có nhiều phương pháp khác tốt hơn thế nhiều. 

    Chúc các bạn thành công 


    gms.vn


      Hôm nay: 29th April 2024, 00:55