Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    VỀ TẤM BIA HỘP PHÁT HIỆN TẠI NÚI CỐC XÃ DĨNH TRÌ, HUYỆN LẠNG GIANG, TỈNH BẮC GIANG

    avatar
    congdantoancau

    Tổng số bài gửi : 633
    Tiền xu Ⓑ : 1732
    Được cảm ơn № : 27
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 12/05/2014

    VỀ TẤM BIA HỘP PHÁT HIỆN TẠI NÚI CỐC XÃ DĨNH TRÌ, HUYỆN LẠNG GIANG, TỈNH BẮC GIANG Empty VỀ TẤM BIA HỘP PHÁT HIỆN TẠI NÚI CỐC XÃ DĨNH TRÌ, HUYỆN LẠNG GIANG, TỈNH BẮC GIANG

    Bài gửi by congdantoancau 4th June 2015, 00:41

    VỀ TẤM BIA HỘP PHÁT HIỆN TẠI NÚI CỐC XÃ DĨNH TRÌ, HUYỆN LẠNG GIANG, TỈNH BẮC GIANG
    LÂM GIANG



    Năm 1998, Đoàn sưu tầm tư liệu Hán Nôm chúng tôi về làm công tác sưu tầm tại xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã thấy tận mắt và in rập tấm bia hộp do nhân dân ở đây mới phát hiện được ở núi Cốc. Khi đến huyện Lạng Giang lại được ông Nguyễn Văn Kính Trưởng phòng Văn hóa huyện trao cho bản phô tô bài văn bia do các cụ ở Dĩnh Trì chép lại.

    Loại hình bia hộp xuất hiện ở Việt Nam không nhiều, riêng ở bia này có những chi tiết giúp làm sáng tỏ đôi điều về dòng họ Giáp, về người cha, cũng như về bản thân Trạng nguyên Giáp Hải, người làng Dĩnh Kế, nay thuộc Thị xã Bắc Giang, điều này nói lên giá trị của tấm bia mới tìm thấy.

    Trong tập kỷ yếu của Trường Đại học Ngoại ngữ Osaka, Nhật Bản, Số 21 năm 1999, tác giả YAO Takao đã thu thập, nghiên cứu về loại hình bia hộp tại Việt Nam, cho rằng: “Loại bia này có giá trị quý là vì có nhiều thông tin về mối quan hệ trong đẳng cấp chi phối”. ở đây tác giả đã tập hợp được 12 tấm bia hộp, và công bố nguyên văn 11 bia, tất cả đều là bia xuất hiện ở nửa cuối thế kỉ XV, đầu XVI, với những soạn giả có tên tuổi như Lương Thế Vinh, Nguyễn Xung Xác, Nguyễn Trực, Vũ Duệ. Về tấm bia hộp ở núi Cốc, Bắc Giang, tác giả đã biết đến, nhưng chưa có bản rập và chưa khảo sát được tại chỗ, nên chưa có trong bản thống kê này.

    Gọi là “Bia hộp” (Box inscription) là vì nó có hình dạng giống như một cái hộp hình chữ nhật. Mỗi bia có hai phiến đá, một phiến là bia chính và một phiến dùng làm cái nắp úp lên bia chính. Nắp thường để ghi tên mộ chí, như: Phan Khê hầu mộ chí, Quận thượng chúa Lê Thị chi mộ chí, Tây Việt quốc Quốc Thái phu nhân Nguyễn Thị chi mộv.v. Còn phần bia chính dùng để ghi tiểu sử của người được mai táng, như họ tên, ngày sinh, ngày mất, chức vụ trong triều đình (nếu có), cùng cha mẹ, anh em, con cái, …

    Tấm bia hộp phát hiện tại núi Cốc Bắc Giang cũng nằm trong thông lệ đó. Nội dung của nó nói về thân thế sự nghiệp, gia sự, con cháu... của người cha của Giáp Hải, (Trạng nguyên khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính (1538), triều Mạc).

    Nắp của bia gồm 111 chữ, được khắc vào dịp dời mộ tới núi Cốc vào ngày Nhâm Dần, tháng 8 năm Hoàng triều Diên Thành thứ 4 (1581). Phần bia chính gồm 553 chữ, bị mờ mất nét nhiều chữ, rất khó đọc, được viết ngay khi mai táng người cha Giáp Hải húy Đức Kỳ, hiệu Khánh Sơn tiên sinh, vào ngày 12 tháng 7, năm Cảnh Lịch thứ 2 (1549). Như vậy, 32 năm sau khi Giáp Hải qua đời, mộ được chuyển lên núi Cốc.

    Như trên đã nói, văn bia bị mờ nhiều chữ. Nếu không có sự bổ trợ của cuốn gia phả họ Giáp ở Bảo Lộc Sơn (nay thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), trong đó đã chép lại toàn bộ nội dung bài văn mộ chí, thì việc khôi phục lại nguyên văn bài văn bia tất sẽ gặp nhiều khó khăn.

    Nội dung bài văn bia giúp ta hiểu rõ một số vấn đề sau đây:

    1. Khá nhiều sách vở đời sau chép về thân thế và sự nghiệp của Giáp Hải, (trong đó có những truyền thuyết và những huyền thoại khá li kì), đều cho rằng Giáp Hải là kết quả của mối tình giữa bà bán nước ở bến sông Bát Tràng, huyện Gia Lâm với người chăn vịt vô danh. Rằng, khi Giáp Hải độ 2,3 tuổi chơi ở sân, có một lái buôn người Dĩnh Kế rời thuyền lên bờ, vào hàng uống nước, thấy người mẹ đứa bé ra ngoài vắng, lại vì nhà hiếm con nên ôm trộm đứa bé đem về làm con nuôi !(1). Về vấn đề này văn bia nói khác: “Cụ Giáp Đức Kỳ, hiệu Khánh Sơn tiên sinh, mất ngày 12 tháng 7 năm Cảnh Lịch thứ 2 (1549), thọ 68 tuổi, lúc đầu lấy bà họ Nguyễn, sinh được một trai là Giáp Hãng, sau lấy con gái ông họ Đỗ, sinh được hai trai là Giáp Trừng (Sau đổi Giáp Hải) và Giáp Thanh, cùng một người con gái đã gả chồng nhưng mất sớm”. Như thế, Giáp Hải là con bà hai; trước ông, cũng đã có người anh trai cả là Giáp Hãng. Chưa hẳn cụ Khánh Sơn hiếm con, cố ý bắt Giáp Hải về làm con nuôi như truyền thuyết đã kể.

    Về chi tiết có liên quan đến Bát Tràng, Gia Lâm, thì trong gia phả nói rõ rằng, họ Giáp ở Dĩnh Kế vốn từ Gia Lâm di cư lên đã lâu đời. Rằng “Tiên thế là người Cổ Bi, vì đời quá xa không thể khảo cứu được...”

    2. Trong các sách xưa còn kể rằng, có thầy địa lý khi xem xét phần mộ tổ tiên của Giáp Hải thấy không phải là mộ “được”, như vậy tại sao Giáp Hải lại đỗ đại khoa cao đến như thế ? Và khẳng định Giáp Hải ắt phải là con nuôi, có cha là người chăn vịt. Người cha ấy chết đột ngột trong đêm giao hoan với bà hàng nước, bà vội chôn người chăn vịt ngay sau quán nước, sáng hôm sau thấy mối đùn, mộ “được”, phát ngay. Sau đêm đó bà hàng nước có thai, rồi sinh ra Giáp Hải”(2). Về việc này, văn bia cho biết Giáp Hải đỗ Đệ nhất giáp đệ nhất danh khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính (1538), đến năm Cảnh Lịch thứ 2 (1549), cụ Khánh Sơn mới qua đời, lúc này Giáp Hải đã làm quan cho triều nhà Mạc được 11 năm, được phong đến tước bá (Văn bia cho biết cụ Khánh Sơn khi mất, được ấm phong Thái bảo. Lệ ấm phong của nhà Mạc cũng vẫn theo như lệ ấm phong của nhà Lê sơ: Người được phong đến tước bá, thì cha và ông đều được phong Thái bảo, mẹ và bà đều được phong Liệt phu nhân, vợ được phong Tự phu nhân, con trưởng được phong Hiển cung đại phu, các con được phong Mậu lâm lang... Mẹ đẻ của Giáp Hải bà họ Nguyễn cũng được phong Liệt phu nhân). Vì có sự chuyển mộ cha lên núi Cốc của anh em Giáp Hãng, Giáp Hải mà người đời mới huyên truyền câu chuyện như đã nêu trên chăng ?

    3. Khi chuyển mộ cụ Khánh Sơn lên núi Cốc, năm 1581, thì Giáp Hải đã được thăng lên đến tước Công, trải Thượng thư 5 bộ, cho nên ở nắp bia trước đây chưa khắc chữ nào, nay cho khắc thêm tước vị của Giáp Hải và ấm phong của cha: “Phụng phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thái bảo, tặng thêm Tả thị lang, tước Diễn Văn hầu (vẫn theo lệ ấm phong, người được phong đến quốc công thì cha và ông được phong hầu v.v.)”

    Bản rập của tấm bia hộp trên hiện đã được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu No.34786-87. Do bia mờ, chất lượng bản rập lại chưa thật tốt, nên nhân có bản gia phả trong tay, cùng với bản chép trực tiếp tại bia của các cụ ở xã Dĩnh Trì do ông Nguyễn Văn Kính, Trưởng phòng Văn hóa huyện Lạng Giang tặng (dĩ nhiên bản chép trực tiếp tại bia này cũng không hơn bản rập là mấy), tôi xin xác lập nguyên bản bài văn của bia hộp này, những chỗ sai dị cũng nêu ra để so sánh, đối chiếu, sau đó, phiên âm và dịch nghĩa để những ai quan tâm đến vấn đề này có tài liệu tham khảo.

    Nguyên văn phần nắp:

    顯 考 太 保 慶 山 府 君, 以 子 澂 歷 吏 戶 禮 兵 刑 等 部 尚 書, 兼 東 閣 大 學 士, 知 經 筳 事 少 保, 倫 郡 公 封 廕 例. 莫 朝 特 進 金 紫 榮 祿 大 夫, 太 保, 慶 山 先 生 甲 公 之 墓.

    奉 封 特 進 金 紫 榮 祿 大 夫, 太 保, 加 贈 左 侍 郎, 演 文 侯; 顯 妣 奉 封 演 文 正 夫 人.

    皇 朝 延 成 四 年, 八 月 壬 寅 日, 謹 奉 移 葬 于 郢 池 社 谷 林 之 山.

    Nguyên văn phần bia chính:

    先 考 太 保 甲 府 君 墓 誌

    先 府 君 諱 河, 字 譫 甫, 姓 甲, 鳳 山 郢 計 社 人.

    曾 祖 諱 順 忠, 胡 末 明 亂, 家 昌 城 南, 不 從 明 人 役 使, 避 居 安 勇 縣 如 鐵 上 社, 遂 為 是 鄉 目 長, 及 卒, 因 葬 其 鄉.

    祖 諱 保 福, 再 回 本 鄉 業 焉; 妣 皆 吳 氏.

    考 贈 特 進 金 紫 榮 祿 大 夫, 太 保, 諱 德 琪; 妣 贈 列 夫 人, 姓 黃, 前 作 後 述, 世 舉 其 仁 1.

    府 君 於 洪 德 十 三 年 壬 寅 生, 天 性 孝 友, 資 稟 通 悟, 涉 臘 經 史, 明 燭 事 理, 家 以 耕 讀 為 業. 嘗 廣 田 宅 百 餘 所, 富 能 仁, 積 能 散, 兵 荒 時, 恒 以 家 粟 貧 人 艱 乏 2, 人 服 其 義.

    光 紹 間, 舉 力 田, 服 其 身.

    統 元 四 年, 郡 邑 舉 堪 老 悌, 府 君 聞 命, 辭 避 不 敢 自 當. 是 年 領 鄉 選 充 府 生.

    永 定 初 以 澂 從 仕 恩 例 敕 封 特 進 金 紫 榮 祿 大 夫, 太 保. 府 君 承 心 端 厚3 處 事 平 當, 不 忮 不 求, 教 忠 教 孝, 其 為 父 子 兄 弟 足 法; 鄉 人 有 不 平 事, 輒 質 之 平, 規 人 之 過, 恤 人 之 困, 勉 人 之 善, 鄉 人 甚 尊 敬 之. 至 於 為 善 取 樂 孝 教 子 登 科, 又 人 所 難 者.

    景 歷 二 年 七 月 十 二 日 己 酉 卒, 年 六 十 有 八, 號 慶 山 先 生. 初 娶 阮 氏 生 男 沆, 今 見 任 謹 事 郎 粉 池 屯 田 所 使, 中 娶 杜 公 之 女, 贈 列 夫 人, 號 慈 行, 生 男 二, 一 即 澂 嘗 舉 大 正 戊 戌 科 進 士 第 一 名, 今 見 任 特 進 金 紫 榮 祿 大 夫 東 閣 學 士, 穌 溪 伯, 柱 國. 季 公 清, 今 見 授 特 進 金 紫 榮 祿 大 夫 崇 謹 子; 一 女 適 國 子 舍 生 陳 迪, 哲(3), 後 娶 兵 科 都 給 事 中 阮 公 之 女, 無 子. 其 孫, 男 廣 淵 廕 授 茂 林 郎4 治, 洪, 澧, 崇, 康 及 女 子 七 皆 幼.

    本 年 十 二 月 二 十 六 日 己 酉 葬 于 午 山, 祖 塋 之 次 坐 癸 向 丁. 沆, 澂, 清 攀 號 悲 莫 重. 惟 先 君 以 勤 勞 起 家, 以 善 慶 遺 後5, 之 公 之 德, 不 可 名 言. 一 旦 奄 棄, 榮 養 不 汆. 子 沆, 澂, 清 未 般 清 報 萬 一, 取 敘 系 閱 梗 概, 刻 而 奄 諸 繼6 昊 天 罔 極. 嗚 呼 痛 哉!

    景 歷 二 年 己 酉 十 二 月 二 十 六 日, 子 沆, 澂, 清 百 拜 稽 頭 謹 誌.

    Khảo dị:

    Gia phả chép 前 述 世 濟 其 仁.

    Gia phả chép 貨 人 難 乏.

    Gia phả chép 康 心 端 厚.

    Gia phả chép thêm chữ 即.

    Gia phả chép 以 福 慶 遺 子 孫.

    Gia phả chép 言 一 旦 規 人 之 過, 恤 人 之 困, 勉 人 之 善, 鄉 人 甚 尊 敬 之, 敢 敘 系 閱 梗 概 刻 而 奄 諸 繼 昊 天 罔 極. 嗚 呼 痛 哉!

    Phiên âm phần Nắp:

    Hiển khảo Thái bảo Khánh Sơn phủ quân, dĩ Trừng lịch Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình đẳng bộ Thượng thư, kiêm Đông các đại học sĩ Tri kinh diên sự thiếu bảo, Luân quận công, phong ấm lệ. Mạc triều Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Thái bảo Khánh Sơn tiên sinh Giáp công chi mộ.

    Phụng phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thái bảo, gia tặng Tả thị lang, Diễn Văn hầu; hiển tỉ phụng phong Diễn Văn Chánh phu nhân.

    Hoàng triều Diên Thành tứ niên, bát nguyệt, Nhâm Dần nhật, cẩn phụng di táng vu Dĩnh Trì xã Cốc Lâm chi sơn.

    Phiên âm phần Bia chính:

    TIÊN KHẢO THÁI BẢO GIÁP PHỦ QUÂN MỘ CHÍ

    Tiên phủ quân húy Hà, tự Thiêm Phủ, tính Giáp, Phượng Sơn Dĩnh Kế xã nhân.

    Tằng tổ húy Thuận Trung, Hồ mạt Minh loạn, gia Xương thành nam, bất tòng Minh nhân dịch sử, tỵ cư Yên Dũng huyện, Như Thiết Thượng xã, toại vi thị hương Mục trưởng, cập tốt, nhân táng kì hương.

    Tổ húy Bảo Phúc, tái hồi bản hương nghiệp yên, tỉ giai Ngô Thị.

    Khảo tặng Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thái bảo, húy Đức Kỳ; tỉ tặng Liệt phu nhân, tính Hoàng, tiền tác hậu thuật, thế cử kỳ nhân.

    Phủ quân ư Hồng Đức thập tam niên Nhâm Dần sinh, thiên tính hiếu hữu, tư bẩm thông ngộ, thiệp liệp kinh sử, minh chúc sự lý, gia dĩ canh độc vi nghiệp. Thường quảng điền trạch bách dư sở, phú năng nhân, tích năng tán, binh hoang thời, hằng dĩ gia túc…, bần nhân gian phạp, nhân phục kỳ nghĩa.

    Quang Thiệu gian, cử lực điền phục kỳ thân.

    Thống Nguyên tứ niên, quận ấp cử kham hiếu đễ, phủ quân văn mệnh, từ tị bất cảm tự đương. Thị niên, lĩnh Hương tuyển sung Phủ sinh.

    Vĩnh Định sơ, dĩ Trừng tòng sĩ ân lệ sắc phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu chí Thái bảo. Phủ quân thừa tâm đoan hậu, xử sự bình đương, bất chí bất cầu, giáo trung giáo hiếu, kỳ vi phụ tử huynh đệ túc pháp; hương nhân hữu bất bình sự, triếp chất chi bình, quy nhân chi quá, tuất nhân chi khốn, miễn nhân chi thiện. Hương nhân thậm tôn kính chi. Chí ư vi thiện thủ lạc giáo tử đăng khoa, hựu nhân sở nan giả.

    Cảnh Lịch nhị niên, thất nguyệt, nhị thập nhật Kỷ Dậu tốt, niên lục thập hữu bát, hiệu Khánh Sơn tiên sinh. Sơ thú Nguyễn Thị sinh nam Hãng, kim kiến nhậm Cẩn sự lang Phấn Trì đồn điền sở sứ, trung thú Đỗ Công chi nữ, tặng Liệt phu nhân, hiệu Từ Hạnh, sinh nam nhị, nhất tức Trừng thường cử Đại Chính Mậu Tuất khoa Tiến sĩ đệ nhất danh, kim kiến nhậm Đặc Tiến kim tử vinh lộc đại phu Đông các học sĩ, Tô Khê bá, trụ quốc. Quý công Thanh, kim kiến thụ Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Sùng Cẩn tử; nữ nhất, thích Quốc tử Xá sinh Trần Địch, chiết, hậu thú Binh khoa đô cấp sự trung Nguyễn Công chi nữ, vô tử. Kỳ tôn, nam Quảng Uyên ấm thụ Mậu lâm lang, Trị, Hồng, Lễ, Sùng, Khang cập nữ tử thất, giai ấu.

    Bản niên thập nhị nguyệt, nhị thập lục nhật, Kỷ Dậu táng vu Ngọ Sơn, tổ oánh chi thứ tọa quý hướng đinh. Hãng Trừng, Thanh phàn hào bi mạc trọng. Duy Tiên quân dĩ cần lao khởi gia, dĩ thiện khánh di hậu, chi công chi đức, bất khả danh ngôn. Nhất đán yêm khí, vinh dưỡng bất thổn. Tử Hãng, Trừng, Thanh vị ban thanh báo vạn nhất, cảm tự hệ duyệt ngạnh khái, khắc nhi yêm chư kế mân thiên võng cực. Ô hô thống tai !

    Cảnh Lịch nhị niên Kỷ Dậu, thập nhị nguyệt, nhị thập lục nhật, tử Hãng, Trừng, Thanh bách bái khể đầu cẩn chí.

    Dịch nghĩa phần Nắp:

    Hiển khảo Thái bảo Khánh Sơn phủ quân, vì con là Trừng trải làm Thượng thư các bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, kiêm Đông các đại học sĩ, Tri kinh diên sự Thiếu bảo, tước Luân Quận công, được lệ phong ấm.

    Mộ Khánh Sơn tiên sinh Giáp Công, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Thái bảo triều Mạc.

    Phụng phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Thái bảo, tặng thêm Tả thị lang, tước Diễn Phái hầu; hiển tỉ được phong Diễn Văn Chánh phu nhân.

    Ngày Nhâm Dần tháng 8 năm Hoàng triều Diên Thành thứ 4 (1581), kính di chuyển mộ táng tới núi Cốc Lâm xã Dĩnh Trì.

    Dịch nghĩa phần bia chính:

    MỘ CHÍ TIÊN KHẢO THÁI BẢO GIÁP PHỦ QUÂN

    Phủ quân húy Hà, tự Thiêm Phủ, họ Giáp, người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Sơn.

    Tằng tổ (cụ), húy Thuận Trung, cuối đời nhà Hồ, gặp loạn giặc Minh, nhà ở phía nam thành Xương Giang, vì không theo sai khiến phu dịch của người Minh, lánh cư ở xã Như Thiết Thượng, huyện Yên Dũng, rồi làm Mục trưởng hương ấy, khi mất, an táng tại đó.

    Tổ (ông), húy Bảo Phúc, lại trở về quê cũ lập nghiệp; tỉ (bà), họ Ngô.

    Khảo (bố), được tặng Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Thái bảo húy Đức Kỳ; tỉ (mẹ), được tặng Liệt phu nhân, họ Hoàng, miệng nói tay làm, người đời tôn là bậc nhân nghĩa. Phủ quân sinh năm Nhâm Dần niên hiệu Hồng Đức thứ 13 (1482), vốn sẵn tính trời, kính yêu cha mẹ, nhường nhịn anh em, tư chất thông minh, thiệp liệp kinh sử, giải quyết công việc sáng suốt, nhà sống bằng nghề nông và đọc sách. Vườn ruộng rộng hơn trăm thửa, giàu có mà hay làm điều nhân, tích được của mà hay tán phát. Khi binh hỏa tàn hoang, rộng lòng đem thóc của nhà ra cấp cho người nghèo, cứu vớt kẻ khó, khiến mọi người đều khâm phục nghĩa cử đó.

    Khoảng năm Quang Thiệu (1516-1521), thi lực điền, Tiên quân đạt được.

    Năm Thống Nguyên thứ tư (1525), quận ấp đề cử là người hiếu đễ, phủ quân nghe mệnh, từ chối, không dám tự nhận. Năm ấy, lĩnh chức Hương tuyển, sung Phủ sinh.

    Năm Vĩnh Định thứ nhất (1547), vì Giáp Trừng làm quan, theo lệ được tập ấm, sắc phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Thái bảo. Phủ quân là người ngay thẳng, nhân hậu, xử sự công bằng, không đố kỵ, cầu cạnh, giữ đạo trung hiếu, đủ phép tắc cha con, anh em. Người trong hương có chuyện bất bình, đều đến hỏi han, dàn xếp, uốn nắn kẻ có lỗi, thương người khốn khó, khuyên người cố gắng làm điều thiện. Người trong hương đều tôn kính. Đến như làm điều thiện, giữ lễ, dạy con đỗ đạt, lại đều là những việc khó làm.

    Ngày 12 tháng 7 năm Kỷ Mão, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 2 (1549), Tiên quân qua đời, thọ 68 tuổi, lấy hiệu Khánh Sơn tiên sinh. Lúc đầu [Tiên quân] lấy bà họ Nguyễn, sinh được mình Giáp Hãng, hiện đương nhậm chức Cẩn sự lang Phấn Trì đồn điền sở sứ, sau, lấy con gái ông họ Đỗ, được tặng Liệt phu nhân, hiệu Từ Hạnh, sinh được 2 trai, một là Giáp Trừng đỗ Tiến sĩ đệ nhất danh, khoa Mậu Tuất (1538), nay đương giữ chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Đông các học sĩ, tước Tô Khê bá, trụ quốc. Ông út là Giáp Thanh, nay nhậm chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước Sùng Cẩn tử; con gái 1, gả cho Quốc tử giám Xá sinh Trần Địch, chết, lại lấy con gái ông Binh khoa đô cấp sự trung Nguyễn Công, không có con. Các cháu của Tiên quân, cháu trai đều có học lực sâu rộng, được ấm phong Mậu lâm lang, đó là Giáp Trị, Giáp Hồng, Giáp Lễ, Giáp Sùng, Giáp Khang, và các cháu gái 7 người đều còn thơ ấu. Ngày 26 tháng 12 năm nay là năm Kỷ Dậu táng ở Ngọ Sơn, mộ tọa quý hướng đinh. Hãng, Trừng, Thanh vin quan tài mà khóc, không gì đau buồn hơn. Tiên quân duy chỉ khởi nghiệp nhà bằng cần lao, để lại phúc đức cho cháu con đời sau. Công ấy, đức ấy, không thể chỉ nói một lời, một sớm [cha] thình lình ra đi, sự chăm nuôi không được chu toàn, con là Hãng, Trừng, Thanh chưa báo đáp được muôn một, dám xin thuật lược đôi lời, khắc ghi lưu lại dài lâu với lòng biết ơn cha mênh mông như trời bể. Than ôi đau đớn thay!

    Ngày 26 tháng 12 năm Kỷ Dậu niên hiệu Cảnh Lịch thứ 2 (1549), con là Hãng, Trừng, Thanh cúi đầu trăm lạy, kính ghi.

    CHÚ THÍCH

    (1), (2). Xem Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Tập II, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1997, tr.1032-1033 (Trạng nguyên họ Giáp).

    (3) Chữ “triết” 哲 nếu hiểu là tên người (阮 迪 哲) thì thượng hạ văn không xuôi cho lắm. Có lẽ trong văn bia khắc lầm chữ “chiết” 折 là chết non ra chữ “triết” 哲 là minh triết… ở đây chúng tôi tạm dùng theo nghĩa của chữ “chiết”, đợi tra cứu thêm sau.



    TẠP CHÍ HÁN NÔM SỐ 1(46) NĂM 2001


      Hôm nay: 28th March 2024, 18:41