Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    Người mở cánh cửa dịch chữ Nôm Tày

    avatar
    congdantoancau

    Tổng số bài gửi : 633
    Tiền xu Ⓑ : 1732
    Được cảm ơn № : 27
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 12/05/2014

    Người mở cánh cửa dịch chữ Nôm Tày Empty Người mở cánh cửa dịch chữ Nôm Tày

    Bài gửi by congdantoancau 19th September 2014, 22:02

    TQĐT - Vào một ngày đẹp trời, ông Ma Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến gõ cửa nhà ông Tống Đại Hồng, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang nhờ dịch một bản thảo gia phả cổ mà ông cho là chữ Hán, bởi ông Hồng được coi là người dịch tiếng Hán giỏi trong tỉnh. Ông Hồng nhận lời nhưng cả tuần sau ông cũng chưa dịch nổi chữ nào. Cầm bản thảo trong tay mà ông Hồng cứ băn khoăn, đúng là chữ tượng hình rồi, nhưng chả giống chữ Hán mà cũng không giống chữ Nôm Việt, ông chưa gặp loại chữ này bao giờ. Vì khó thế nên ông Đức mới nhờ, nghĩ vậy nên ông Hồng quyết tâm tìm hiểu và cuối cùng ông phát hiện ra đó là chữ Nôm Tày.
    Ông Hồng vào mạng Internet tra từ điển thì dịch bập bõm được vài đoạn. Qua tìm kiếm, ông Hồng đã biết được chủ nhân cuốn “Từ điển Nôm Tày” là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số Hoàng Triều Ân, dân tộc Tày người Cao Bằng. Nhưng ông Ân là “chuyên gia” hàng đầu về chữ Nôm Tày ở Việt Nam cho biết cuốn “Từ điển Nôm Tày” của ông đã bán hết veo, không còn một cuốn nào, nếu muốn mua phải chờ tái bản. Ông bảo, nếu cậu muốn có ngay thì xuống nhà sách ở Hà Nội mua 13 quyển “Tổng tập thơ Nôm Tày” có dịch song ngữ của tớ. Ở đó cũng tương đối đầy đủ, chịu khó tổng hợp là có thể dịch được. Mê quá, ông Hồng sai con xuống Hà Nội “bê” luôn cả 13 quyển “Tổng tập thơ Nôm Tày” có dịch song ngữ. Rồi những ngày sau đó ông vùi đầu “nhặt” chữ ra thành “kho” từ điển Nôm Tày của riêng mình. Nhưng làm thủ công như ông Ân, ông Hồng thấy nó bất tiện, muốn viết đều phải chép bằng tay.

    Người mở cánh cửa dịch chữ Nôm Tày Small_108852
    Ông Tống Đại Hồng đang miệt mài dịch chữ Nôm Tày và tìm cách vi tính hóa để lưu trữ tư liệu được lâu dài.

    Ông mang băn khoăn này trao đổi với Phòng Tin học của Công ty Điện lực Tuyên Quang. Anh em bên đó đã nhiệt tình giúp đỡ ông xây dựng phần mềm tin học từ điển chữ Nôm Tày, giúp người sử dụng tra cứu một cách nhanh, chính xác, thuận tiện. Qua sử dụng, giờ ông đã dần hoàn chỉnh bộ từ điển Nôm Tày được tin học hóa của mình và trở thành bộ từ điển “Nôm Tày điện tử” trên 2.000 từ đầu tiên trong tỉnh. Giờ đã nghỉ hưu, trong căn nhà riêng tại số 285, đường 17-8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) ông say mê tìm hiểu, nghiên cứu dịch gia phả, văn bia, câu đối, các bài cúng, các bài then, bài cọi, truyện thơ, văn tự ghi ruộng đất, văn quan làng… từ chữ Nôm Tày sang chữ Quốc ngữ.

    Ông Tống Đại Hồng tâm sự, ông học chữ Nôm Tày nhanh là do đã có nền tảng tiếng Hán khá vững chắc từ trước. Ông là người Tày xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa), năm lớp 8 ở trường huyện ông được học chữ Hán. Sau này ở cương vị Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang, cơ quan hay phải giao dịch mua thiết bị, mua điện với các đối tác Trung Quốc, nhờ đó ông lại quyết tâm tự học tiếng Hán một lần nữa. Chính do công việc, năng khiếu và lòng đam mê tìm hiểu, giờ ông là chuyên gia hàng đầu về chữ Hán trong tỉnh. Tháng 4 vừa qua trên Báo Tân Trào, ông có bài viết dài gây chú ý với tiêu đề “Bước đầu tìm hiểu chữ Nôm Tày ở Tuyên Quang”. Ông lý giải, do công việc nên ông đã được đi nhiều nước: Lào, Trung Quốc, Thái Lan và ba nơi này ngôn ngữ giao tiếp của người dân tương đối giống nhau, chỉ có khác cách phát âm nặng nhẹ mà thôi, nếu chú ý lắng nghe đều có thể giao tiếp được.

    Trong lịch sử, người Việt trên cơ sở chữ Hán đã xây dựng bộ chữ Nôm Việt, trở thành chữ viết quốc gia trong một thời gian dài của lịch sử dân tộc. Người Tày ở phía Bắc nước ta cũng vậy, dựa trên cách thức xây dựng chữ Nôm Việt, họ xây dựng nên chữ Nôm Tày của riêng dân tộc mình. Thời chữ Nôm phát triển rực rỡ nước ta là vào thế kỷ 15 - 16 thời nhà Mạc.

    Hiện nay, một kho tàng tri thức cổ khổng lồ của dân tộc Tày nói chung và dân tộc Tày tỉnh ta nói riêng đều nằm trong các văn bản cổ viết bằng chữ Nôm Tày. Những người dịch được chữ Nôm Tày trong tỉnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nếu những người này mất đi, “cánh cửa” dịch chữ Nôm Tày trong tỉnh sẽ dần khép lại.

    Ông Hồng tâm sự, giờ về hưu ông trăn trở phải có trách nhiệm “mở cánh cửa dịch chữ Nôm Tày”, góp phần tìm hiểu lịch sử, văn hóa của cha ông. Vừa qua, Nghi lễ Then của dân tộc Tày tỉnh ta được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, trong đó các bài cúng cổ của Nghi lễ Then hầu hết được viết bằng chữ Nôm Tày. Để bảo tồn khẩn cấp giá trị Nghi lễ Then không còn cách nào khác là phải dịch được các bài Then cổ. Tuy nhiên, mình ông không thể làm nổi một khối lượng công việc đồ sộ như vậy. Ông mong muốn UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp để làm tốt việc sưu tầm, bảo quản các tư liệu chữ Nôm Tày trong tỉnh; cử một số người trẻ có năng lực để học chữ Nôm Tày; tiếp tục hoàn chỉnh bộ “từ điển điện tử” chữ Nôm Tày, tạo dựng phông chữ, cách gõ chữ Nôm Tày trên máy tính và có nguồn kinh phí để hoạt động. Theo ông, làm được như vậy mới có cơ sở xây dựng dữ liệu lưu trữ lâu dài, tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu sử dụng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa dân tộc Tày.         

    Bài, ảnh: Lê Quang Hòa

    Baotuyenquang.com.vn


      Hôm nay: 29th March 2024, 14:59