Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    Zanh xưng Đồng Nai

    QaniTri
    QaniTri
    Admin

    Nam Libra Monkey
    Tổng số bài gửi : 1568
    Tiền xu Ⓑ : 3891
    Được cảm ơn № : 6
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 07/01/2013
    Đến từ Đến từ : HCMC
    Côngviệc / Sởthix Côngviệc / Sởthix : Languages, Softwares, Sciences, Martial arts

    Zanh xưng Đồng Nai Empty Zanh xưng Đồng Nai

    Bài gửi by QaniTri 5th June 2017, 15:27

    Danh xưng Đồng Nai có từ bao giờ thật khó mà khảo chứng chính xác. Về mặt hành chánh, tên gọi Đồng Nai được chính thức trở thành tên gọi đơn vị tỉnh bắt đầu vào năm 1976. Tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tỉnh: Biên Hòa, Bà Riạ – Long Khánh, Tân Phú. Kể từ đó cho đến nay, tỉnh Đồng Nai trải qua nhiều lần thay đổi địa giới nhưng tên gọi vẫn giữ nguyên. Có thể nói rằng, danh xưng Đồng Nai trải qua bao thời kỳ lịch sử đã trở thành tên gọi thân quen của bao thế hệ con dân xứ sở nầy khi nhắc về một vùng đất ở miền Đông Nam Bộ, về dòng sông dài nhất nước phát tích từ nội địa hay về một Hào khí Đồng Nai oai hùng, vẻ vang đã đi vào trong lịch sử của dân tộc.

    Theo một số sử sách xưa, danh xưng Đồng Nai được dùng để chỉ một vùng đất. Phủ Biên tạp lục của Lê Qúy Đôn có viết: ”Đất Đồng Nai từ cửa biển Cần Gìơ, Soi Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu...toàn là rừng rậm hàng mấy vạn dặm...”. Trịnh Hoài Đức trong tác phẩm khảo cứu Gia Định thành thông chí ghi chép rằng: ”Bà Rịa ở đầu trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, nên các phủ phía Bắc có câu ngạn rằng: cơm Nai Rịa, cá Rí Rang, ấy là lấy xứ Đồng Nai và Bà Rịa đứng đầu mà bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ vậy”. Bộ tư liệu sử Đại Nam nhất thống chí quyển thượng tập thứ năm, của Quốc sử quán triều Nguyễn có nhiều chỗ đề cập Đồng Nai , như:” chợ Lộc Dã ở phía Nam hạ lưu sông Phước Long, huyện Phước Chánh, nguyên xưa kia là cánh đồng hươu nai ở nên đặt tên ấy, hoặc gọi là Lộc Động, tục danh chợ Đồng Nai cũng là ở chỗ này. Xét sáu tỉnh Gia Định mà thông xưng là Đồng Nai vì khai thác chỗ Đồng Nai trước hết, nên cứ chỗ gốc cũng gồm đủ chỗ ngọn”. Những ghi chép trên và một số tư liệu trong sách sử khác thường được trích dẫn trong các công trình nghiên cứu giới thiệu về Đồng Nai sau này, bài viết này cũng không ngoài lệ đó. 

    Danh xưng Đồng Nai cũng xuất hiện nhiều trong các ca dao, tục ngữ như:


    - ”Nhà Bè nước chảy chia hai 
    Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.” 

    - “Đồng Nai xứ sở lạ lùng 
    Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.” 

    - “ Làm trai cho đáng nên trai 
    Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng.” 

    - “ Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai. 
    Ai về xin nhớ cho ai theo cùng.” 

    - “ Đồng Nai nước ngọt gió hiền 
    Biên Hùng muôn thuở đây miền an vui.” 

    - “ Đồng Nai gạo trắng nước trong 
    Ai đi đến đó thời không muốn về.” 

    - “ Hết gạo thì có Đồng Nai 
    Hết củi thì có Tân Sài chở vô.” 

    - “ Đồng Nai gạo trắng như cò 
    Trốn cha trốn mẹ xuống đò theo anh.” 
    *
    - ” Đồng Nai nguồn mọi cao sang 
    Chảy xuống hai hàng, hàng Đại, hàng Sâm.” 

    - “ Bao giờ cạn nước Đồng Nai 
    Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền”. 

    “ Rồng chầu ngoài Huế 
    Ngựa tế Đồng Nai...”.vv.. 
    Tên Đồng Nai cũng được định danh cho một nền văn hóa ở Nam Bộ hay phức hệ văn hóa của một nền văn minh tiền sử mà ngày nay chúng ta đưỡc biết qua những kết quả nghiên cứu khảo cổ học: Văn hóa Đồng Nai / Văn minh lưu vực sông Đồng Nai. 

    Đọc về một cái tên / danh xưng một vùng đất tưởng chừng như đơn giản hóa ra cũng phức tạp. Nếu chuyện người xưa đã gọi như vậy thì nay cứ như thế mà gọi thì quả tản mạn về danh xưng Đồng Nai không có lý gì để bàn. Chắc hẳn, cững nhiều danh xưng vô tình hay ngẫu nhiên được gọi mãi thành quen nhưng cũng có những danh xưng, tên gọi có nhiều ý nghĩa mà nguồn gốc của nó không phải một sớm một chiều để lý giải được căn cơ, ngọn nguồn. Danh xưng Đồng Nai nằm trong trường hợp thứ hai. 

    Từ trước tới nay, đã có nhiều cách lý giải, suy diễn về nguồn gốc hai chữ Đồng Nai. Tôi xin lược nêu lên những giả thiết sưu tầm được của các tác giả nghiên cứu về vấn đề này để mọi người tham khảo thêm. 

    Trong một bài viết của tác giả H.T.H tựa “Vài cảm nghĩ về hai tiếng Đồng Nai” đăng trên báo Văn Nghệ Đồng Nai xuân Tân Dậu, có nêu lên một số ý kiến xin được tóm lược như sau: Tác giả không đồng ý với Trịnh Hoài Đức trong tác phẩm Gia Định thành thông chí khi cho rằng Đồng Nai là cánh đồng có nhiều Nai “một Trịnh Hoài Đức, một Trương Vĩnh Ký và còn biết bao người nữa...đã khẳng định Đồng Nai là Đồng Bằng có Nai là sai, là lầm”. Về cách giải thích, H.T.H cho rằng: tỉnh Biên Hòa cũ nói chung là phần đất trung du của Nam Bộ. Ven sông Đồng Nai có đôi chỗ được gọi là đồng bằng nhưng đó chỉ là những trũng của miền trung du được phù sa sông Đồng Nai bồi đắp thành đồng bằng nhỏ, manh mún. Những vùng đất được gọi là đồng bằng ven sông Đồng Nai được trồng lúa nước với diện tích nhỏ, như vậy không có đồng ruộng bát ngát hay đồng cỏ mênh mông có nai ăn cỏ được. Không thể gọi là đồng đúng với từ địa lý hay so với các đồng bằng khác từ sông Sài Gòn xuống sông Vàm Cỏ, sông Trước...Tác giả đồng ý với quan điểm của nhà văn Bình Nguyên Lộc (tên thật là Tô Văn Tuấn (ông sinh ngày 7/3/1914, tại làng Uyên Hưng, tổng Chánh Mỹ Trung, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa- nay thuộc tỉnh Bình Dương), ông là một nhà văn và cũng là một nhà nghiên cứu với những công trình liên quan đến vùng đất Đồng Nai – PĐD). Bình Nguyên Lộc cho rằng:”riêng ở Biên Hòa thì toàn địa danh của người Mạ mà chúng tôi nghi là hậu duệ của Phù Nam. Tên Đồng Nai không phải là tên Việt Nam mà là tên của Mạ, họ gọi sông Đồng Nai là Đạ Đờng. Đạ là hình thức đầu tiên sẽ biến thành nước trong ngôn ngữ ta, qua Nác ở Huế và Dak của người Mường. Mạ: Đạ; Xtiêng: Đá; Bana, Sơđăng, Mường: Đák; Việt Nam, Thừa Thiên: Nác; Việt Nam: Nước; Cao Miên: Tứk. Đờng được biến thành Đồng...Như vậy, sông Đồng Nai là sông Đồng mà lưu vực có nhiều Nai". 

    Trong bài viết nầy, tác giả H.T.H khẳng định: “Đồng bào dân tộc Mạ- Một cư dân quan trọng ở Đồng Nai- với địa bàn sinh sống của mình, trong đó có sông Đồng Nai. Họ đã gọi sông Đồng Nai là Đạ Đờng. Đạ là nơi xuất phát dòng nước, Đờng là sông. Từ Đạ Đờng có sớm nhất cũng 3.000 năm rồi. Và cách đây 300 năm, từ Đạ Đờng chuyển thành Đồng Nai. Thế có nghĩa từ Đờng chuyển âm thành Đồng, còn từ Đạ bỏ mất thêm chữ Nai: Đồng Nai...”

    Như vậy, quan điểm này cho rằng danh xưng Đồng Nai bắt nguồn và chuyển dịch từ ngôn ngữ Mạ. Từ xuất phát điểm là hai chữ Đạ Đờng (chỉ sông lớn, sông cái) mà người Mạ dùng gọi con sông Đồng Nai (hiện tại).Trong quá trình hình thành, dần dà chữ Đạ mất đi, chữ Đờng được duy trì và đọc trại thành Đồng. Con sông Đồng có nhiều Nai để gọi thành sông Đồng Nai. Có thể tóm tắt như sau: Đạ Đờng _ Đờng _ Đồng + Nai = Đồng Nai. Cách lý giải này đưa đến một cách hiểu khác hoàn toàn với cách miêu tả của Trịnh Hoài Đức, cụ thể là: Đồng Nai bắt nguồn từ con sông lớn có nhiều nai chứ không phải là cánh đồng có nhiều hươu nai. 

    Trong Hội thảo với nội dung:” 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai (1698 – 1998)” tại Đồng Nai, có nhiều bài tham luận của các nhà nghiên cứu, khoa học đề cập nhiều mặt trong diễn trình lịch sử của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai . Trong đó, có hai bài có dề cập về tên gọi Đồng Nai. Tôi xin lược nêu những điểm đáng chú ý. 

    Tác giả Đỗ Quyên (tên thật là Đỗ Bá Nghiệp, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai từ năm 1976 - 1997), có bài phát biểu “Danh xưng Đồng Nai”. Với mục đích cần thiết phải cân nhắc, bàn bạc để tìm ra cách lý giải thỏa đáng, có sức thuyết phục về danh xưng Đồng Nai, tác giả đã nêu một vấn đề đáng chú ý như: 


    • Tên sông Đồng Nai có trước hay tên đất có trước. Người ta lấy tên sông để gọi tên vùng đất nó chảy qua hay lấy tên vùng đất ấy đặt tên cho dòng sông? Ngay cả khi sông Đồng Nai có tên chữ là Phước Long thì phủ Phước Long mượn tên dòng sông hay ngược lại ?



    • Các danh xưng Thù Nại, Nông Nại rồi Lộc Dã, Lộc Động là sự chuyển dịch ngôn ngữ từ Đồng Nai ra hay ngược lại ?




    Tác giả cũng nói lên chính kiến: “Dù sao, thì nhiều người nhìn nhận cấu trúc ngôn ngữ danh xưng Đồng Nai là thuần Việt” và đơn cử những địa danh gắn với con vật móng guốc, ăn cỏ (Nai) như: Đồng Nai, Hố Nai, Hang Nai, Bàu Nai...và những địa danh gắn với từ Đồng như: Đồng Tràm, Đồng Lách, Đồng Đế, Đồng Tranh, Đồng Môn...Dẫn theo một tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh/ tác giả nhiều công trình nghiên cứu về Địa bạ thời Nguyễn/ tham gia tại Hội thảo), tác giả Đỗ Quyên cho biết: “Danh xưng Đồng Nai được phiên âm ra tiếng Pháp là Donnai với chữ i créma và các giáo sĩ Bồ Đào Nha ghi Dounai trên chữ u có dấu grouppetto ( ) đọc là Đồng Nai, từ giữa thế kỷ 17 người Pháp cũng định nghĩa Đồng Nai = champ des cerfs, là đồng có nai.”. Đồng thời, tác giả cũng lưu ý: “Ở đôi bờ dòng sông đi qua (sông Đồng Nai -PĐD), từ cuối thế kỷ trước (thế kỷ 19- PĐD), các nhà khảo cổ Pháp và nhất là sau giải phóng, khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện, khai quật và ghi tọa độ hàng trăm dấu vết của nền văn minh cổ lưu vực sông Đồng Nai. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội, trình độ văn minh và sự phát triển ngông ngữ thế nào để chứng minh là người thời đại đồng đã gọi sông Đồng Nai là Dah Đờng thì xin thận trọng”. Tác giả Đỗ Quyên đã đưa ra nhiều vấn đề khá lý thú và có lẽ không tán thành quan điểm “ Từ Đạ Đờng có sớm nhất cũng từ 3.000 năm rồi” của tác giả H.T.H được nêu trên. 

    Bài “Nguồn gốc, ý nghĩa và quá trình phát triển của địa danh Đồng Nai” của PTS Lê Trung Hoa trong hội thảo đưa ra những vấn đề như sau:



    • Địa danh Đồng Nai có lẽ ra đời vào gần thời điểm năm 1658, nhân sự kiện vua Nặc Ông Chân “ xâm phạm biên cảnh”, quân chúa Nguyễn đã đánh vào Moi Xoai. (Địa điểm này được xác định như sau: Khi ấy địa đầu Gia Định là Mỗi Xuy/ hay Mô Xoài và Đồng Nai/ Biên Hòa trấn đã có lưu dân Việt đến trú ngụ, sinh sống. Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình nhà Nguyễn đem nhượng cả đất ấy, rồi tránh ở chỗ khác, không tranh trở chuyện gì. Sự kiện này được Trịnh Hoài Đức nêu trong Gia Định thành thông chí, tập trung, khi Khâm mạng Trấn Biên dinh/ tức trấn Phú Yên là Yến Vũ hầu, tham mưu Minh Lộc hầu và Tiên phong Cai đội Xuân Thắng hầu đem 3.000 quân vào Môi Xoai/ Mỗi Xuy giải quyết vụ việc vua Cao Miên xâm phạm biên cảnh vào tháng 9 năm Mậu Tuất / 1658 - PĐD).



    • Địa danh Đồng Nai xuất hiện bằng chữ quốc ngữ lần đầu tiên trong một báo cáo của Giáo hội Thiên Chúa giáo về tình hình giáo dân ở Nam Bộ năm 1747 với cách gọi là Dou-nai. Sau đó, địa danh Đồng Nai xuất hiện vừa bằng chữ Nôm vừa bằng chữ quốc ngữ vào năm 1772 trong từ điển An Nam – La tinh của Pigneau de Béhaine/Dictionariumannamtico-latinum. Hai chữ Hán và Nôm mà tác giả dùng để phiên âm địa danh Đồng Nai về sau này các tác giả như: Lê Qúi Đôn/Phủ Biên tạp lục/1776, Trịnh Hoài Đức/ Gia Định thành thông chí /1820,Taberd/Dictionariumannamtico- latinum/1838, Huỳnh Tịnh Của/ Đại Nam quốc âm tự vị/1895-896,Génibrel/Dictionnaireannamite-francais/1898, cũng viết như thế. Như vậy,tất cả các sách từ điển và sách sử, địa đều nhất trí đều nhất trí về cách viết bằng chữ Nôm địa danh Đồng Nai .



    • Về nghĩa hai chữ nầy, các tác giả đều hiểu là “cánh đồng có những con nai ”. Khi cần dịch sanh chữ Hán, các nhà nho đã dùng hai chữ Lộc Dã/Lộc là con nai,  là cánh đồng. Các nhà Hán học cũng hiểu từ ghép Đồng Nai vốn có nghĩa như trên. Một số khác thay vì dùng Lộc Dã, lại dùng Lộc Động/ có lẽ hiểu theo nghĩa đen là Hang Nai. Như vậy, không khớp nghĩa với Đồng Nai và thực tế con Nai không ở trong hang. Ngoài trường hợp dịch nghĩa và dịch nghĩa-phiên âm trên còn có trường hợp phiên âm thuần túy từ Đồng Nai thành Nông Nại. Từ Đồng được phiên âm thành Nông có thể chấp nhận vì hai phụ âm “đ” và “n” cùng phụ âm đầu lưỡi, có nhiều tiền lệ chuyển đổi như thế; còn từ Nai trong tiếng Hán-Việt không có, nên phải dùng từ Nại là âm tiết tương cận để phiên. Tác giả Lê Trung Hoa lưu ý về những cái tên như: Lộc Dã, Lộc Động, Nông Nại không phải là những địa danh thực thụ mà chỉ là tên dịch, tên phiên âm hoặc tên vừa dịch vừa phiên âm của địa danh Đồng Nai.



    • Đồng Nai là một cấu trúc “từ chỉ địa hình + tên thú” rất phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là ở Nam Bộ. Một số ví dụ điển hình như: rạch Bến Trâu, Gò Công, Hố Bò, cầu Rạch Đĩa, ấp Bàu Trăn...ở thành phố Hồ Chí Minh; còn yếu tố Nai hay Hươu xuất hiện trong địa danh cũng khá nhiều như: Hố Nai, Đồng Hươu/ ở Biên Hòa; rạch Nai, ấp Bàu Nai, sông Mũi Nai, Hóc Hươu/ ở thành phố Hồ Chí Minh.



    • Cho đến nay, dịa danh Đồng Nai đã chỉ ít nhất 8 đối tượng, tức là có 8 địa danh Đồng Nai theo trình tự phát triển như sau: cánh đồng có nhiều nai, một vùng trong địa phận tỉnh Đồng Nai hiện nay; chợ ở hạ lưu sông Đồng Nai vào thế kỷ 19, cách thị xã Biên Hòa độ 5 dặm / “chị Hươu đi chợ Đồng Nai. Ghé qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò.”; chỉ cả vùng miền Đông Nam Bộ/ “ Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.”; chỉ tên sông Đồng Nai vì chảy qua miền Đông Nam Bộ; chỉ cả Nam Bộ/ “Đồng Nai gạo trắng như cò. Trốn cha, trốn mẹ xuống đò theo anh” và trong bài “Chạy Tây” của Nguyễn Đình Chiểu “Bến Nghé của tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”; chỉ cây cầu trên xa lộ Hà Nội, bắc qua sông Đồng Nai được làm trong khoảng thời gian từ 1955 –1961; chỉ tỉnh Đồng Nai được thành lập vào năm 1976; ngoài ra còn có địa danh Đồng Nai Thượng/ tên một tỉnh ở thượng nguồn sông D9ồng Nai, lấy Đà Lạt làm tỉnh lỵ. Lập năm 1899 và giải thể năm 1901.



    • Đối với tên nước Thù Nại, tác giả cho rằng không có quan hệ gì với địa danh Đồng Nai vì mấy lý do . Trước hết, các nhà sử học chưa nhất trí về tên gọi nước này (Thù Nại, Thù Cấm hay Chu Nại?). Kế đến, nước này nằm ở bộ phận nào (Nam Bộ hay nơi khác?). Mặt khác, Nai có thể liên hệ về ngữ âm với Nại, chứ Cấm thì không. Còn Thù và Chu hoàn toàn không có quan hệ về âm và nghĩa với Đồng. Sau cùng, tên nước này vốn là một từ ngữ cổ được Hán Việt hóa, còn Đồng Nai là một từ ngữ thuần Việt và xuất hiện trong thời kỳ cận đại.


    Trong công trình nghiên cứu “Cù Lao Phố, lịch sử và văn hóa” do Nhà Bảo tàng Đồng Nai thực hiện, xuất bản năm 1988/ nhiều tác giả; có đề cập đến địa danh Đồng Nai. Chương mở đầu/ Khởi nguyên Cù Lao Phố có đoạn viết:”Ở nước ta, hầu như đâu đâu cũng có một dòng sông gắn với một vùng đất. Sông Đồng Nai, từ buổi đấu mở cõi về phương Nam, có vai trò quan trọng là đưa những nguồn nhân lực đến đây khai hoang lập nghiệp và nó đã nối kết các cộng đồng cư dân cũ mới, hòa trộn các ngọn nguồn văn hóa để rồi cấu thành một tổng thể đa chất và với một nỗ lực trung nguyên nào đó chúng ta cũng tìm ra được những hạt giống nguyên sơ ánh lên một sắc màu riêng biệt. 

    Chẳng hạn, ngay cái tên sông Đồng Nai quen thuộc đến mức thân thương này cũng không phải là cái tên cổ nhất mà nó chỉ xuất hiện với tư cách là tục danh của Phước Long Giang, từ hơn 300 năm trở lại đây – khi con cháu của vua Hùng đến chặt nhát dao đầu tiên vào cánh rừng trải dài hàng nghìn dặm từ cửa Xoài Rạp lên đến thượng nguồn của nhữ ng con suối, những dòng sông; trong đó có sông Đồng Nai mà người Mạ gọi là Đạ Đờng. 

    Đạ Đờng theo J. Boulbet thì: Đạ ( Dáa: phiên âm của Boulbet) là nước, dòng nước, chất lỏng; và Đạ Đờng ( Dáa Doòng)là “ dòng sông, ở đây chỉ sông Đồng Nai thượng; người Mạ có dòng sông riêng của họ, và đặt tên là sông Cái ( cours d!eau majeur ); đây là cách gọi dảnh riêng cho chính dòng sông đó” (
    J. Boulbet: Pays des Maa, domaine des génies/ Nggar Maa, ngaar Yaang – E.F.EO, Paris, 1967). Căn cứ vào dữ liệu mà Boulbet khảo cứu, chúng ta có thể định rằng từ Đồng trong tên sông Đồng Nai bắt nguồn từ âm Đờng của tên sông Cái/ Đạ Đờng của người Mạ. Nói cách khác, tên sông Đồng Nai không có nghĩa là Lộc Dã: cánh đồng có nai; và vấn nạn tiếp theo là từ “Nai”. 

    J.Boulbet có đưa ra từ kép hao ning và giải nghĩa hao ning là leo dốc, có âm và nghĩa gợi cho chúng ta sự liên hệ với địa danh Hố Nai. Điều này cho phép chúng ta giả định từ “nai” của tên sông Đồng Nai có thể bắt nguồn từ từ “ning” của người Mạ. Theo đó, Đồng Nai phải chăng là “ Đờng Ning”: sông Cái (có) bờ dốc đứng”. Và trong một đọan khác cũng của chương này nhắc đến danh xưng “Nông Nại Đại Phố”: Thật ra, danh xưng “Nông Nại Đại Phố” không phổ biến trong xứ ta mà nó được Trinh Hoài Đức, khi đi sứ qua cống Đại Thanh “đã thấy sử Trung Quốc chép người Đồng Nai là người Nông Nại”. 

    Một công trình nghiên cứu khác với tên gọi “Làng Bến Cá xưa và nay” do Nhà Bảo tàng Đồng Nai quản lý, tác giả Diệp Đình Hoa, Phan Đình Dũng thực hiện, xuất bản năm 1998, cũng đề cập đến địa danh Đồng Nai. Ngay từ đầu chương một có tên gọi Đồng Nai và Bến Cá, các tác giả đi ngay vào địa danh Đồng Nai.


    Phần Đồng Nai được viết như sau: ”Đồng Nai là một địa danh thuần Việt, ngày nay là tên của một trong 61 tỉnh thành. Nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Đồng Nai , tuy rất rõ ràng song vẫn làm băn khoăn không ít người muốn quan tâm một cách thấu đáo. Thế kỷ XIX, các tác giả của cuốn Đại Nam nhất thống chí  (ĐNNTC) đã: “xét: 6 tỉnh Gia Định mà gọi chung là Đồng Nai, là vì lúc mới khai phá, bắt đầu từ Đồng Nai , nên lấy chỗ gốc mà bao trùm”. Do đó có thể thấy rằng cho đến thế kỷ XIX, Đồng Nai có thể là một địa danh chỉ một địa điểm cụ thể, một làng, xã, ấp thôn, một địa danh lớn như phạm vi một tỉnh hiện nay, một địa danh phiếm chỉ cả vùng Đông Nam Bộ, hoặc cả một vùng đầu thế kỷ XX này, chúng ta vẫn quen gọi là Nam Kỳ lục tỉnh, tức 6 tỉnh của vùng đất Nam Bộ. Đồng Nai là một địa danh trực chỉ, cụ thể, vừa có vinh dự được sử dụng như một địa danh phiếm chỉ, khái quát. 

    Thế kỷ XVIII, chữ Quốc ngữ xuất hiện trong các báo cáo của giáo hội Thiên Chúa giáo, các nhà nghiên cứu đã lưu ý đến cách phiên âm Dounai. Giáo sĩ người Pháp thì viết chữ con chữ i, créma. Giáo sĩ người Bồ thì viết con chữ u, groupptto. Về mặt chữ nghĩa, hai âm Du và Nai đã được khẳng đinh vào thế kỷ XVIII, sớm nhất là năm 1747. Về mặt ý nghĩa, các tác giả đều hiểu theo âm thuần Việt, nghĩa là cánh đồng của những con nai. Géniberi chuyển ngữ sang Pháp văn là: La plaine aux cerfs. Các nhà Hán học khi chuyển ngữ sang Hán văn là Lộc Dã, Lộc Động. Nông Nại là Minh âm, theo thổ ngữ Quảng Đông. Lê Trung Hoa cho rằng phụ âm đầu lưỡi đ có thể chuyển sang n, nhưng đó lại là quy luật của tiếng Việt. Người Trung Quốc không có phụ âm đầu lưỡi đ. Dù sao đây cũng chỉ là nhận thức của những con người ở thế kỷ XVIII về vùng đất mà chúng ta quan tâm.

    Từ thế kỷ XVII trở về trước, địa danh mà chúng ta đang quan tâm được ghi chép như thế nào? Trinh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí, là người đầu tiên dẫn Cựu Đường Thư, nêu ra nghi vấn về một vùng đất Thù Nại có liên quan đến Gia Định. Lê Trung Hoa đồng ý với Nguyễn Đình Đầu , cho rằng địa danh Thù Nại chả có liên quan gì đến địa danh Đồng Nai, vì hai âm Đồng và Thù không có liên quan gì với nhau. Hơn nữa vị trí của nước Thù Nại cũng chưa xác minh được. Nói tóm lại, đó là những vấn đề phiên âm, ngữ âm, ngữ nghĩa... Cựu Đường Thư tuy không phải do Lưu Hưởng viết, nhưng người ta vẫn xem ông như tác giả, có lẽ hoàn thành vào thời Hậu Tấn, vào khoảng 941-945 AD. Sách này cho biết nước Thù Nại, vào thời Vĩnh Huy (650-655) nhà Đường, bị nước Chân Lạp diệt.


    Đối với các nhà địa lý cổ, Việt Nam cũng như Trung Quốc, phong cách định vị theo lối phiên âm phiếm chỉ rất phổ biến, vì đó là cách dùng một nơi đã biết để chỉ một vùng chưa biết rõ. Cho đến thế kỷ XIX, các nhà địa lý Việt Nam vẫn còn sử dụng khái niệm Đồng Nai để chỉ cả vùng Nam Bộ. Vì thế việc định vị nước Thù Nại cũng không nằm ngoài quy luật đó. Điều này cũng tương tự như việc định vị hàng loạt những vùng được gọi là nước ở trong vùng như: nước Chi Kỳ, nước Xích Thổ, nước Bà Lỵ... 

    Bây giờ chúng ta thử khảo cứu âm Thù trong địa danh Thù Nại. Như trên đã đề cập, hiện nay liên quan đến con chữ đ, phiên âm Bắc Kinh là t , căn cứ vào những chữ Hán Việt thông dụng, theo Từ điển tứ giác, Từ điển tân hoa... vấn đề này có liên quan đến 304 chữ. Trong số này chuyển sang âm Hán Việt, với con chữ đ có 155 chữ, chiếm 50,98%, với con chữ th có 138 chữ chiếm 45,39%. Số còn lại 11 chữ, chiếm 3,61% với các âm d (1 trường hợp), kh (2 trường hợp), n (1 trường hợp), ph (1 trường hợp), s (5 trường hợp), x (1 trường hợp). Như vậy khi chuyển sang âm Hán Việt, âm đ và âm th, là hai trường hợp cùng tồn tại. Âm đ chuyển hẳn sang âm thuần Việt, còn âm th vẫn còn bảo lưu ở âm Hán hiện đại, qua con chữ t của phiên âm Bắc Kinh. 

    Năm 1747 với ký tự Dou Nai của các giáo sĩ Thiên chúa giáo, chúng ta có thể khẳng định rằng âm Thù đã tồn tại suốt 800 năm. Từ âm Thù – Dou biến thành âm Đồng là sự phát triển vào thế kỷ XIX. Cần nhớ rằng trong khối từ Hán Việt không có từ đu, mà chỉ có một âm du khi chuyển qua đ và th. 

    Thù là một từ phiên âm qua ký tự Hán Việt, cho nên nó vô nghĩa. Trong tiếng Việt: thù, với đặc trưng thuần Việt, lại có ý nghĩa. 

    Đứng ở góc độ dân tộc thực vật học, một phạm trù còn lưu giữ được nhiều kiến thức dân gian nhật, chúng ta có thể hiểu được phần nào sự bảo tồn của triết lý dân gian qua tên gọi. Người miền Nam gọi cây đu đủ là cây thù đủ. Cây thù đủ là cây ngoại nhập, carica papaya L. họ đu đủ Caricaceae. Ở đây có vấn đề chữ nghĩa hóa âm thù sang âm đu. Hiện tượng này không phải cá biệt. Trong đợt khảo sát tại Cà Mau năm 1995, người dân Cà Mau dùng cây thù lù, Physalis Angulata L. để chữa bệnh. Đây là loại cây thuộc họ cà, Solanaceae. Cùng loại này, có các loại cây khác được gọi cùng tên như: thù lù nhỏ ( Physalis Peruviana L.), thù lù kiểng ( Physalis Alkekengi L.). Một cây họ đinh lăng, A raliaceae, cũng được dùng làm thuốc, là cây thù dù, Trevesia Cavaleriei ( Lév.) Grushv Skvorts. Ý nghĩa của chữ thù ở đây có nghĩa là lớn.


    Nại trong Thù Nại cũng là phiên âm từ ký tự Hán cho nên vô nghĩa. Thế kỷ XIX khái niệm nai được hiểu là con nai. Điều này đúng vì nai là từ thuần Việt, có ý nghĩa rõ ràng. Dù sao cách hiểu đã nêu bao hàm cách lý giải mang tính phát triển. Trong kho từ vựng tiếng Nôm, từ nai còn có nghĩa là vò đựng rượu. Ngày nay từ nai đã được thay thế bằng các từ vò, bình, vại, chum, chóe. Các bằng chứng về khảo cổ học cũng đã chứng thực vùng Đồng Nai – Biên Hòa, trong suốt 4.000 năm phát triển vẫn là một trung tâm sản xuất gốm, rất thịnh vượng. Thù Nại phải chăng là một vùng, trong quá trình tồn tại của nó, được người đương thời biết đến qua sản phẩm nổi tiếng về những chóe đựng rượu. 

    Nếu thù có nghĩa là lớn thì còn vấn đề có liên quan đến ngữ pháp tiếng Việt. Thù rồi tiếp đến sự định hình là đou, với tác dụng là một tính từ, cho nên vị trí của nó phải đứng ở đằng sau danh từ mà nó có nhiệm vụ bổ ngữ. Sự linh hoạt của tiếng Việt đã chứng thực vấn đề vị trí và tác dụng này có thể hoán đổi. Trường hợp các loại cây cỏ với âm thù đã dẫn trên là một ví dụ. Một điểm khác nữa thay vì nói cỏ xanh, ngực đỏ, người Việt vẫn nói xanh cỏ, đỏ ngực. Những ví dụ như thế còn nhiều, như: đông đồng, vắng chợ... 

    Phiên âm Thù Nại có liên quan đến những vấn đề của nguyên tộc Việt cổ, còn phiên âm Đồng Nai, một từ thuần Việt, có liên quan đến người Việt. Trong quá trình kế thừa và phát triển gần 1.000 năm, sự thay đổi từ ngữ là điều tất yếu. Đó cũng là một trong những quy luật khi nghiên cứu về địa danh học. Thù là tiếng phiên âm cổ nhất đối với vùng đất Việt cổ, cách đây 1.000 năm. Điều này có liên quan đến những từ Hán Việt, vốn còn giữ gốc Đường âm. Quá  trình phát triển làm nầy sinh các âm: Chu, Nông, Đông... cũng không có gì là lạ. Động thái này cuối cùng được định hình với nghĩa đồng là cánh đồng, một vùng đồng bằng trước núi, phù hợp với quan niệm địa lý hiện đại. Động thái phát triển của phiên âm nai, được định hình là con nai, với âm chữ nghĩa hóa là lộc. 

    Trên đây chúng tôi chỉ giới thiệu một khả năng để hiểu phiên âm từ nai, chủ yếu dựa vào chứng thực của khảo cổ học. Thật ra âmnai còn liên quan đến hai nghĩa nữa: một có liên quan đến âm nái, cái, có nghĩa là núi, là mẹ, là lớn; một có liên quan đến dân tộc thực vật học. Người vùng này còn dùng từ nai đồng nghĩa với từ bổi ở phía Bắc, chỉ các cây thuốc họ mộc xỉ, Dryopte-ridaceae, chủ yếu là giống Arachniodes sp. Vùng đồng bằng sông Chu, sông Mã họ dùng từ này để chỉ các loại cây ngứa, họ cây ngứa Urticaceae, chủ yếu là các loại cây lá han, Villebrunea sp. Một hiện tượng thiên nhiên mang tính phổ biến, nhưng chỉ có một nơi đặc thù hóa, được định hình qua địa danh. Từ Việt cổ đến tộc Việt là một quá trình có nguồn gốc đa nguyên. 

    Những điều đã nêu trên phản ánh triết lý về tính năng động của người Việt..

    Trong Địa chí Đồng Nai (gồm 5 tập: Tổng quan, Địa lý, Lịch sử, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội ) của tỉnh Đồng Nai, xuất bản năm 2001, ngay từ đầu tập Tổng quan/ phần Địa danh và Lược sử do Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới biên sọan, đã đề cập về nguồn gốc của địa danh Đồng Nai. Tác giả đã lược kết những nguồn tư liệu, giả thuyết, lý giải của nhiều nhà nghiên cứu về vấn đề này. Trong đó có đọan viết:” Theo tài liệu của Trương Bá Cần/ Lược sử Công giáo Nam Bộ ( thế kỷ XVI, XVII,XVIII), trong một bản tường trình của thừa sai Gouge viết năm 1701, thân sinh của linh mục Laurent cùng với một số người trong gia đình đã đến vùng Dou - Nai ( Đồng Nai ) khai phá, cày cấy từ 29 năm trước. Thư của Giám mục phó Labbé gởi Ban giám đốc Chủng viện Truyền giáo nước ngoài đề ngày 24.7.1710, có đọan:” Có một miền gọi là Dou – Nai ( Đồng Nai ) ở giữa Cao Miên và Chiêm Thành đây là một vùng đồng bằng, đất tốt, khá rộng và dài, rừng rậm, cây to, nơi mà người Đàng Trong đến lập nghiệp từ 35 hay 40 năm nay”. Như vậy, từ đầu thế kỷ XVIII, địa danh Đồng Nai đã được các nhà truyền giáo ghi chép từ tên gọi dân gian đã phổ biến trước đó vài chục năm”

    Những tư liệu được dẫn ra trên đã góp phần làm rõ về nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh Đồng Nai. Từ những nguồn tư liệu, cách lý giải, suy đoán của các nhà nghiên cứu cho thấy có nhiều điểm tương đồng song cũng có những ý kiến chưa thống nhất với nhau. 

    Lần giở trong chồng tư liệu sưu tầm, chúng tôi thấy có hai lời ngỏ khá lý thú có đề cập đến tên gọi Đồng Nai. Xin được lược trích, giữ nguyên văn câu chữ để giới thiệu: 

    Thứ nhất là tạp chí Đồng Nai số 1 (15 Février 1932)/ ra đời năm 1932, cơ quan tại 331, Frère Louis, Sài Gòn, giây nói – 704; có đoạn viết như sau:”...Chúng tôi riêng nghỉ: trong Lục Châu, cái tên Đồng - Nai cùng cái tên Bến - Nghé có thể tương đương với tên Núi - Tản, sông - Lô ngoài Bắc, tương đương với tên Sông - Hương, Núi - Ngự ngoài Kinh, nghỉa là có thể làm biểu hiệu cho một góc trời Nam. Ở xứ Nam Kỳ nầy có mấy nơi giàu lịch sử cho bằng con sông Đồng Nai, con sông Bến Nghé, là mấy nơi chứng kiến bao nhiêu cảnh tang thương biến đổi trong khoản ngoài trăm năm nay.... 

    Còn cái tên Cọp Đồng – Nai mà người ta ban cho Phò - mả Vỏ - tôn - Tánh gẫm không phải là vô vị ? Chớ như ở Chung Xá bọn quân của Võ - văn - Dũng (Tây - Sơn) nửa đêm vì có nai chạy lạc trong trại, la: Nai, Nai, mà tưởng quân Đồng Nai rồi ùng ùng vụt chạy, thì riêng nghỉ cái tên Đồng - Nai không phải là không có nghị lực đặc biệt !” 


    Thứ hai là trong mục Thỏ thẻ tâm tình / lời của Bộ Biên Tập/ Đồng Nai Văn Tập số 5 (không rõ năm xuất bản); có lời: “...Đồng Nai, tên sao nôm - na quê kịch mà sao thân thiết qúi yêu! Trên chỗ nước mặn đồng chua, âm thanh khêu gợi một chi chi thiêng liêng cao cả, như tiếng Rạch Gầm nhắc nhở chiến công của Quang trung, như tiếng Đồng tháp mở rộng cõi lòng về dĩ vãng kháng chiến hồi thế kỷ trước. Đồng - Nai, con sông lịch sử, con sông phì nhiêu, đã chở phù sa từ trên cao nguyên bồi thàng đồng ruộng và đã tiếp đón bao nhiêu lớp buồm cánh dơi từ ngoài biển vào: 

    “ Nhà Bè nước chảy chia hai, 
    Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về!”. 

    Đồng - Nai, con sông hiền lành, mở rộng lòng thương cho tất cả, không phân biệt thân sơ: 

    “Rồng chầu ngoài Huế, 
    Ngựa tế Đồng – Nai 
    Nước sông trong sao lại chảy hoài ? 
    Thương người xa xứ lạc loài tới đây.”. 

    Lòng người lắm khi hậu bạc không chừng, nhưng Đồng - Nai bao giờ cũng trung thành một mực: 

    “ Buồn tình cha chả buồn tình, 
    Không ai về Bắc cho mình gởi thơ !”. 

    Đồng - Nai đã phơi gan trải ruột qua nhiều thế hệ, trong ca dao như thế, biểu sao tên Đồng - Nai không được quý yêu, không được chọn lựa? 

    Chôn nhau cắt rún trong đất Đồng - Nai , chúng tôi coi Đồng - Nai là đất mẹ, là quê cha, là Tổ quốc, trong phạm vi eo hẹp của một cá nhân, nếu biệt lập với toàn thể của mình. Chúng tôi là con cháu của Đồng - Nai , đã lớn lên ở đây và sống bằng đất nước chua mặn... 

    ...Vậy vốn là con cháu của Đồng - Nai chúng tôi lãnh lấy phận sự làm cho biết đấy nước nhau rún của mình một cách trung thành. Chúng tôi không phải là bọn người mở đầu, trước chúng tôi đã có nhiều bực tiền bối; chúng tôi tiếp tục một công trình đã khởi sự từ hồi chúa Nguyễn bôn ba vào Nam. 

    Từ thuở đó ông bà chúng tôi đã ra sức làm cho xứ Đồng - Nai được biết: Cụ Võ Trường Toản đã soạn bộ Nhứt - thống dư địa - chí , cụ Trịnh Hoài Đức đã soạn bộ Gia – Định thông chí, ngoài ra các cụ khác còn nhiều văn tập và thi tập, không làm hổ danh “ Gia Định tam gia” và đã làm nức tiếng đất Nam - Trung một thuở, mà đến nay còn lưu truyền câu tục - diêu: 

    “ Đồng Nai có bốn rồng vàng 
    Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi...” 


    *** 

    Như vậy, trải qua bao biến thiên muôn màu của lịch sử, danh xưng Đồng Nai ngày nay đã trở thành tên gọi của đơn vị hành chánh cấp tỉnh: tỉnh Đồng Nai ở miền Đông Nam Bộ, trong lòng Nam Bộ, trong lòng nước Việt mến yêu. 

    Danh xưng của một vùng đất, của một dòng sông, của một Hào khí oai hùng, của một phức hệ văn hóa...hàm chứa cái thiêng, hàm ẩn một sức sống mãnh liệt trong sự tồn tại của nó với bao điều lý thú và chắc chắn còn nhiều điều cần tìm hiểu thêm, chưa có hồi kết. Sự lý thú và hấp dẫn về một danh xưng Đồng Nai vẫn còn là một vấn đề mở cho những ai quan tâm đến nó. 


    Ts Huỳnh Văn Tới
    Ths Phan Đình Dũng
    vncgarden.com


      Hôm nay: 29th March 2024, 03:53