Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    Tài liệu chữ Braille (Chữ nổi)

    avatar
    congdantoancau

    Tổng số bài gửi : 633
    Tiền xu Ⓑ : 1732
    Được cảm ơn № : 27
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 12/05/2014

    Tài liệu chữ Braille (Chữ nổi) Empty Tài liệu chữ Braille (Chữ nổi)

    Bài gửi by congdantoancau 22nd June 2014, 00:46

    Những nội dung nào có thể đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người khiếm thị?

    Hệ thống chữ Braille được đưa vào Việt Nam từ cuối thế kỉ thứ XIX. Mẫu kí hiệu Braille cho người mù ở nước ta sử dụng từ trước đến nay có sự không thống nhất giữa các miền và các trường. Nguyên nhân là do mẫu chữ Braille vào Việt Nam nguyên bản là tiếng La-tinh. Vì thế có những chữ có trong bảng chữ cái tiếng Việt mà tiếng La-tinh không có như chữ Â, Đ, Ê, Ô cho nên các trường khiếm thị ở các địa phương tự nghĩ ra cách kí hiệu theo đặc thù riêng để dùng cho trường mình. Điều đó dẫn đến việc người khiếm thị của miền Bắc thì không đọc được chữ trong sách của miền Trung, miền Nam và ngược lại gây nhiều khó khăn cho người khiếm thị ̀ trong việc giao lưu, hội nhập

    Cho đến nay, sách braille chỉ được xuất bản và lưu hành “nội bộ”! Lý do thì có nhiều. Nước ta chưa có một nhà xuất bản chính thống nào xuất bản và in ấn sách braille cho người khiếm thị. Những cuốn sách chữ nổi hiếm hoi có được là do các cơ sở có nhu cầu tự “xuất bản”, tất nhiên được sự cho phép của Nhà nước. Đó là Hội Người mù Việt Nam và hệ thống các trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Hội Người mù Việt Nam khi có nguồn kinh phí, Hội có chủ trương ra sách Braille để gửi về các địa phương miễn phí với số lượng rất hạn chế.

    Tài liệu chữ Braille (Chữ nổi) Braille

    Trên thực tế, sách braille chủ yếu là sách giáo khoa phục vụ cho học sinh khiếm thị. Các sách tham khảo, sách văn hóa, giải trí thông thường rất ít và hầu như không có. Hình thức xuất bản thực chất là dịch từ sách giáo khoa thông thường sang chữ braille. Theo chủ trương của Bộ GDĐT, các em khiếm thị học hòa nhập cùng các em sáng mắt chung một chương trình phổ thông, nhưng do chưa có một chương trình học biên soạn riêng cho đối tượng đặc biệt này nên các trường đã tự tổ chức dịch từ sách giao khoa thường thành sách chữ nổi. Hiện, trường Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội đã có sách braille các môn cơ bản như Toán, Văn, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Sử, Địa, Lý, Hóa… từ lớp 1-9. Số lượng bản in không nhiều và thực tế cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu học của các em trong trường. Sách braille cho các bậc học cao hơn hầu như không có.

    Việc dịch sách này không hề đơn giản, nhất là đối với các môn tự nhiên và thậm chí vất vả hơn nhiều so với việc dịch sách ngoại ngữ. Dịch các công thức, thuật ngữ chuyên biệt trong các môn tự nhiên là rất khó: ví dụ như sin, cos, tang… do không có sự thống nhất cụ thể về cách dịch các công thức nên mỗi trường lại có một cách dịch khác nhau. Điều đó dẫn đến tình trạng, sách Toán chữ nổi của trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội không thể đọc được ở trường Nguyễn Đình Chiểu TP HCM. Thêm vào đó, xu hướng cải cách trong giảng dạy tiểu học là tăng phần quan sát hình họa, giảm lời diễn đạt nên đòi hỏi người dịch phải có trình độ, có kỹ năng mô tả, diễn giải cụ thể từ hình họa sang lời văn thật dễ hiểu để các em khiếm thị hình dung được. Chi phí cho việc dịch sách vì thế rất tốn kém. Còn việc đóng sách thành từng quyển chữ nổi thì nguyên liệu giấy sử dụng rất đắt tiền. Giấy phải cứng, dày, dai và giá thành cao. Trung bình, 5 trang chữ braille mới bằng một trang chữ thường. Máy in chữ Braille cũng thuộc dạng đặc biệt với giá thành khá đắt. Theo ông Phạm Anh Dũng - Hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, chi phí cho bộ sách braille lớp 1 khoảng hơn 2 triệu đồng, gấp hơn 20 so với giá thành một bộ sách lớp 1 chữ thường! Mặt khác, sách braille không bền như sách thường và phải được bảo quản cẩn thận, không được để nằm gây bẹp các điểm nổi, tay sờ có mồ hôi sẽ dễ làm nhòe chữ.

    Tài liệu chữ Braille (Chữ nổi) 11
    Các em khiếm thị tập viết chữ nổi

    Viện Nghiên cứu chiến lược giáo dục đã trình duyệt dự án thống nhất ký hiệu chữ braille cho các lớp có cải tiến. Tuy nhiên, những cố gắng to lớn đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu khổng lồ về sách của người khiếm thị. Thiết nghĩ, nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn cho việc xuất bản loại sách này đi vào quy cũ và nhất quán giữa các miền Nam, Trung, Bắc. Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật thuộc Viện khoa học giáo dục với sự hỗ trợ của tổ chức CRS (Tổ chức cứu trợ và phát triển) đã tổ chức hội thảo lần thứ 3 về đề tài " Xây dựng và thống nhất hệ thống kí hiệu Braille cho người mù Việt Nam" để thống nhất xây dựng hệ thống kí hiệu Braille tiếng Việt cho cả ba miền và thống nhất các nguyên tắc xây dựng kí hiệu, trong đó có 68 quy tắc cho các môn như Tiếng Việt, Toán học, Vật Lý, Hoá học, Sinh học. Tiến tới thay thế cái bảng và dùi viết của người mù bằng một phần mềm để người mù Việt Nam có điều kiện học tốt hơn. Bên cạnh đó các lĩnh vực như tin học, âm nhạc, ngoại ngữ... cũng cần có một hệ thống kí hiệu hoàn chỉnh, thống nhất để người mù có thể dễ dàng sử dụng, tiếp cận được với khoa học kĩ thuật, với các phương tiện hiện đại phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Người mù ở Việt Nam ít có cơ hội để có thể học cao hơn do thiếu kí hiệu trong hệ thống các môn học. Hiện nay nhu cầu học lên các bậc cao hơn như Đại học của người mù ngày càng nhiều hơn. Đề tài "Xây dựng và thống nhất kí hiệu Braille cho người mù Việt Nam" qua 3 lần hội thảo. Song ở các bộ môn hoá học và toán học có nhiều ý kiến cho rằng các kí hiệu còn dài và khó đối với người học. Bản thân các môn học này cũng có quá nhiều các kí hiệu rất phức tạp nên việc học các môn này đối với người khiếm thị khi học các môn này lại càng khó khăn hơn.

    Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã tiếp nhận và khai trương Thư viện chữ nổi cho người mù với vốn đầu tư 10 triệu yên do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam tài trợ, đặt tại Trung tâm đào tạo, phục hồi chức năng cho người mù (Hà Nội). Dự án thư viện chữ nổi cho người mù Việt Nam ngoài việc cung cấp sách báo cho độc giả mượn và đọc tại chỗ, còn có nhiệm vụ biên soạn, in sách bằng chữ nổi. Qua gần 1 năm triển khai, thư viện đã biên soạn và in 500 cuốn sách, với 40.000 trang in bằng chữ nổi, phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ văn hóa của người khiếm thị như sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 tập một và hai, sách phục hồi chức năng, sách dạy xoa bóp, bấm huyệt, tập sách "Những tấm gương phụ nữ mù" tập một và giáo trình tiếng Anh Headway.

    Trung tâm Sao Mai tại Thành phố Hồ Chí Minh được tài trợ xây dựng Dự Án Thiết Lập Phòng In Chữ Nổi được tài trợ với số tiền 4,000 đô la. Dự án này sẽ giúp cho các học viên khiếm thị những kỹ năng cơ bản về in ấn tài liệu chữ nổi.

    Ngoài một số tài liệu chữ nổi, Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh cũng có dịch vụ chuyển dạng tài liệu sang chữ Braille theo yêu cầu của bạn đọc

    Báo chữ nổi

    Từ trước đến này, người mù chỉ có một tờ báo chuyên dụng có tên là "Đời mới". Tờ báo được phát đến tận tỉnh hội, phường hội, tới tay từng hội viên và những người mù, giúp họ hoà nhập hơn với đời sống cộng đồng, tạo cho họ một... cuộc sống mới". Báo ra đời đã được 33 năm. Ban đầu chỉ là tờ nội san lưu hành nội bộ với số lượng rất nhỏ do kinh phí hạn hẹp. Đến năm 1988, "Đời mới" chính thức được đăng ký như một tờ tạp chí trong hệ thống báo chí. Năm 1992 ra thêm bản in chữ thường và "tờ" "Đời mới" truyền thanh (được in sao ra băng cát-sét). Có những dịp kỷ niệm quan trọng cần tuyên truyền và cần có tiếng nói ủng hộ của các cấp ngành, tờ bản in chữ thường mới được xuất bản. Còn định kỳ, tháng chẵn các hội viên có "tờ" chữ nổi, tháng lẻ có "tờ" truyền thanh.

    Băng sách nói

    Tài liệu chữ Braille (Chữ nổi) 1078662

    Có nhiều tổ chức nhà nước hay cơ quan từ thiện trên cả nước tổ chức phát hành sách nói nhằm giải quyết phần nào nhu cầu học tập và giải trí cho người mù và khiếm thị trong cộng đồng như các thư viện tỉnh thành, mái ấm, nhà mở, trung tâm đặc biệt. Nổi bật nhất là Hội Người mù Việt Nam đã liên hệ với Hội Phụ nữ phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng phòng băng sách nói, sản xuất băng (sách nói). Hội Phụ nữ từ thiện TP Hồ Chí Minh đã khắc phục bằng cách “xuất bản” sách nói: đọc SGK thường thu vào băng casset và sao nhiều bản đối với bộ sách từ lớp 1 đến lớp 11. Các loại tài liệu khác thì có một số nhà kinh doanh băng đĩa phát hành, đa số là sách giải trí cho trẻ em như chuyện cổ tích.

    Tin tức trên đài phát thanh, truyền hình

    Đa số người mù và khiếm thị theo dõi tin tức trên đài phát thanh truyền hình để cập nhật thông tin hàng ngày.

    Tài liệu chữ Braille (Chữ nổi) 145466-VN-LoaPhatThanh_400

    Có thể nói, sách báo cho người khiếm thị là một vấn đề nan giải không chỉ của riêng ngành giáo dục. Trong khó khăn chung, do điều kiện kinh tế xã hội, các cơ sở đã chủ động khắc phục theo cách riêng. Ngành tài chính và giáo dục nên có thêm sự hỗ trợ về nguồn kinh phí cho các cơ sở dịch sách braille hiện nay bởi với người khiếm thị, “không được đọc sách chẳng khác nào lại thêm một lần bị mù”.

    Một vài năm gần đây với xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ và sản phẩm phục vụ cuộc sống; Đã có những gương điển hình hiệp sĩ công nghệ thông tin thiết kế những chương trình ứng dụng mới để hỗ trợ cho người mù và khiếm thị. Có nhiều dự án đem công nghệ kỹ thuật mới để cải thiện chương trình phục vụ người mù và khiếm thị

    Ứng dụng công nghệ phục vụ nhu cầu thông tin của người khiếm thị

    Sách nói kỹ thuật số

    Từ tháng 10 năm 2003, Thư viện KHTH Thành phố đã phát hành và phân phối sản phẩm sách nói dạng DAISY – dạng sách nói giúp người mù sử dụng như cách đọc của người sáng, có thể dừng, chọn lại, định vị bất cứ câu, dòng, đoạn hay phần chương nào của nột cuốn sách. Tính đến nay đã có 75 nhan đề và xuất ra dưới hai dạng sản phẩm, là băng cassette và đĩa CD, chia sẻ phân phối 3524 CD và 413 băng cassette cho 200 đơn vị với 20 lượt. Chủ đề tài liệu về khoa học thường thức, khoa học xã hội, sách thiếu nhi, văn học hiện đại, văn học dân gian, y học, tâm lý, giáo dục, nông nghiệp, văn hóa xã hội. Sản phẩm được phân phối cho toàn bộ hệ thống thư viện tỉnh thành trên toàn quốc, hội người mù. Sắp tới, một studio mới được thành lập hướng vào mục tiêu sản xuất chuyển dạng sách giáo khoa và giáo trình cho học sinh, sinh viên. (Tham khảo danh mục sách nói DAISY ở Phụ lục A7)

    Mục lục truy cập được

    Thư viện Thành phố cũng đã thiết kế trình tra cứu VIOPAC để người mù và khiếm thị có thể truy cập cơ sở dữ liệu nguồn lực chung của thư viện và mục lục điện tử này có phân hệ hỗ trợ người khiếm thị dễ dàng tiếp cận thông tin thư mục để tự chọn bất kỳ tài liệu nào họ quan tâm và cần sử dụng.

    Các phần mềm chuyển dạng tài liệu hay từ điển điện tử, trình duyệt web dành cho người mù

    Đã có những ứng dụng khác như bộ từ điển điện tử Matta Anh Việt – Việt Anh, phần mềm Jaws, Duxbury giúp xử lý thông tin tiếng Anh; phần mềm NDC, VCL… giúp xử lý thông tin tiếng Việt đã được thiết kế và ứng dụng phổ biến trong các trung tâm tin học phục vụ người mù và khiếm thị.

    Theo Thư viện khoa học tổng hợp TPHCM

    http://khatvongsang.vn/news/view.aspx?newsId=48683559


      Hôm nay: 19th April 2024, 11:43