Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    Điểm qua tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX

    avatar
    congdantoancau

    Tổng số bài gửi : 633
    Tiền xu Ⓑ : 1732
    Được cảm ơn № : 27
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 12/05/2014

    Điểm qua tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX  Empty Điểm qua tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX

    Bài gửi by congdantoancau 22nd June 2014, 00:41

    Nước ta có một lịch sử dịch thuật và biên khảo lâu đời, nhất là về phương diện dịch thuật(1). Để góp thêm kinh nghiệm cho công tác Hán Nôm vững bước tiến sang thế kỷ XXI, bài viết này có thể xem như một phác thảo hồi cố tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm(2) trong thế kỷ XX, thế kỷ vừa thừa hưởng, vừa phát triển và chuyển đổi một cách thành công những gì đã tiếp nhận được trong lịch trình dịch thuật và biên khảo ở những thế kỷ trước đó.

    Hãy bắt đầu bằng việc thống kê. Có bao nhiêu cuốn sách dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm được công bố chủ yếu dưới dạng chữ Quốc ngữ (tức thứ chữ cái La tinh dùng để phiên âm tiếng Việt đã dần dần trở thành ký tự chính thức ở nước ta lúc này) trong vòng mười thập kỷ, từ năm 1900 đến năm 2000 ? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã dựa vào các nguồn tư liệu trực tiếp hoặc gián tiếp như Lược truyện các tác gia Việt Nam(3), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm(4), Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu(5), Thư mục Hán Nôm và nguồn tư liệu thư tịch cũ của Việt Nam(6), Nghiên cứu và biên soạn thư mục sách dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt hiện đại (từ năm 1945 đến nay)(7) và đặc biệt là bộ Mục lục phiên dịch của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bao gồm những “phiếu mô tả tài liệu của các Thư viện: Hán Nôm, Thông tin Khoa học xã hội, Quốc gia (Hà Nội), Quân đội, Viện Văn học, Viện sử học, Viện Triết học”(8)… Sau đây là bảng tổng hợp kết quả điều tra bước đầu của chúng tôi.

    BẢNG THỐNG KÊ SỐ SÁCH THUỘC LĨNH VỰC HÁN NÔM ĐƯỢC DỊCH THUẬT, BIÊN KHẢO VÀ CÔNG BỐ BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ TRONG THẾ KỶ XX

    Điểm qua tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX  Bang%20thong%20ke%20dich%20han%20nom

    Từ kết quả thống kê trên, ta có thể đi sâu tìm hiểu những vấn đề đằng sau các con số.

    DỊCH THUẬT, BIÊN KHẢO NHÌN VỀ DIẾN SÁCH

    Các sách dịch thuật và biên khảo trong thế kỷ XX, như bảng thống kê cho thấy, chủ yếu thuộc loại Văn học, Sử học, Triết học, Tôn giáo, Tín ngưỡng, Giáo dục, Y học, Địa lý và Tổng hợp. Tình hình cụ thể đối với từng loại như sau:

    1. Văn học:

    - Có khoảng 418 tác phẩm được phiên chuyển từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ, hoặc từ chữ Hán ra tiếng Việt hiện đại, như: Bạch Viên Tôn Các*(10) (1906), Bích Câu kỳ ngộ truyện* (1905), Cai Vàng tân truyện* (1913), Chàng Chuối truyện* (1916), Chinh phụ ngâm* (1906), Công dư tiệp ký (1961), Cung oán ngâm khúc* (1911), Đại Nam quốc sử diễn ca* (1926), Hoa tiên truyện* (1924), Hoan Châu ký (1988), Hoàng Lê nhất thống chí diễn nghĩa (1927), Hoàng Việt thi văn tuyển (1957), Kiến văn lục (1922), Ngư tiều vấn đáp y thuật* (1952), Ngự chế Việt sử tổng vịnh (1970), Nhật ký trong tù (1960), Nhị độ mai * (1920), Nữ tú tài* (1911), Phạm Công Cúc Hoa* (1923), Phan Trần truyện* (1900), Sãi Vãi* (1923), Tang thương ngẫu lục (1961), Thánh Tông di thảo (1963), Thoại Khanh Châu Tuấn* (1906), Trần Sanh diễn ca* (1905), Trùng Quang tâm sử (1957), Truyền kỳ mạn lục (1943), Truyền kỳ tân phả (1962), Tự Đức thánh chế văn tam tập (1971), Việt điện u linh (1960), Việt Nam khai quốc chí truyện (1917), Vũ trung tùy bút (1960), v.v.

    - Và khoảng 161 công trình biên khảo, như: Bàn về Hán học (1918), Chữ Nôm nguồn gốc cấu tạo diễn biến (1975), Chữ Nôm với chữ Quốc ngữ (1932), Cổ xúy nguyên âm (1917…), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (1943), Dịch từ Hán sang Việt một khoa học một nghệ thuậ t (1982), Hội Tao đàn (1932), Khảo về câu đối Hán (1919), Khảo về lối câu đối Nôm (1926), Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm (1983), Nam âm thi văn khảo biện (1929), Nam thi hợp tuyển (1927), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (1979), Nguồn gốc văn học nước nhà (1933), Nữ lưu văn học sử (1929), Quốc văn cụ thể (1932), Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ (2000), Thi văn bình chú (1941), Thơ mới và thơ cũ (1934), Thơ văn Lý Trần (1977…), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (1997), Tổng tập văn học Việt Nam (1979…), Từ trong di sản (1979…), Văn học Việt Nam thời Bắc thuộc (1956), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (1998), Việt Hán văn khảo (1930), Việt Nam cổ văn học sử (1942), Việt Nam văn học (1942), Việt Nam văn học sử (1932), Việt Nam văn học sử yếu (1941), v.v.

    2. Sử học:

    - Có khoảng 255 tác phẩm được phiên chuyển từ chữ Hán sang tiếng Việt hiện đại, như: Bản triều bạn nghịch liệt truyện (1963), Công thần lục (1986), Đại Nam liệt truyện chính biên (1919), Đại Nam liệt truyện tiền biên (1918), Đại Nam thực lục (1962…), Đại Việt sử ký tiền biên (1997), Đại Việt sử ký toàn thư (1945), Đại Việt sử ký tục biên (1991), Đại Việt sử lược (= Việt sử lược; 1960), Đại Việt thông sử (= Lê triều thông sử; 1973), Hậu Lê thời sự kỷ lược (1976); Khâm định Việt sử thông giám cương mục (=Việt sử thông giám cương mục; 1965), Lam Sơn thực lục (1945), Lê Quý dật sử (1987), Lê quí kỷ sự (1974), Lịch đại danh hiền phổ (1962), Lịch triều tạp kỷ (1975), Quốc sử di biên (1973), Việt Nam nghĩa liệt truyện (1972), Việt sử tiêu án (1960), Việt sử yếu (1971), v.v.

    - Và khoảng 70 công trình biên khảo, như: Chân dung Phan Thanh Giản (1974), Đinh Tiên Hoàng (1929), Đời cách mạng Phan Bội Châu (1945), Giai nhân kỳ ngộ: Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử (1958), Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế (1958), Hồ Quý Ly: nhân vật lỗi lạc nhất thời đại từ Đông sang Tây (1974), Huỳnh Thúc Kháng (1950), Hưng Đạo đại vương (1909 – 1912), Cụ Sào Nam 15 năm bị giam lỏng ở Huế (1956), Kỳ ngoại hầu Cường Để với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng (1951), Lê Đại Hành (1929), Lịch sử Đào Duy Từ (1937), Lịch sử Nguyễn Hữu Cầu (1929), Lịch sử Tây Sơn (1929), Mấy tay Tuần lại nước Tàu đô hộ nước ta xưa (1931), Ngô Vương Quyền (1944), Nguyễn Trãi một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam (1962), Nguyễn Trãi thân thế và sự nghiệp (1951), Nguyễn Tri Phương (1956), Nguyễn Trường Tộ trên lịch sử Việt Nam (1933), Nhuận Hồ tiểu sử (1930), Phạm Hồng Thái (1946), Quốc sử đính ngoa (1941), Trần Nguyên chiến kỷ (1931), Trần Quý Cáp và tự hào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX (1970), Trần Thủ Độ (1943), Việt Nam sử lược (1915), Vua Bố Cái (1929), Vua Hàm Nghi với việc Kinh thành thất thủ (1935), v.v.

    3. Triết học, tôn giáo, tín ngưỡng:

    - Có khoảng 50 tác phẩm chữ Hán được phiên chuyển sang tiếng Việt hiện đại, như: Âm chất văn giải âm (1927), Cảm ứng, âm chất, giác thể, công quá cách (1924), Cao Vương Quan Thế Âm kinh (1923), Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan (1924), Diệu pháp Liên hoa kinh (1932), Diệu pháp Liên hoa kinh Quan Thế Âm Bồ Tát, Phổ môn phẩm,Phật thuyết A Di Đà kinh, Hồng Danh,Bửu sám nghi thức (1935), Đại học (1941), Đạo đức kinh (? Nhượng Tống dịch), Khóa hư lục (1972), Kinh Dịch (1943), Kinh Thư diễn nghĩa (1993), Luận ngữ (? Dương Bá Trạc dịch), Luận ngữ cách ngôn (1927), Luận ngữ quốc văn giải thích (1935), Mạnh Tử quốc văn giải thích (1932), Nam Hoa kinh (? Nhượng Tống dịch), Tam tổ hành trạng (1971), Tây Dương Gia Tô bí lục (1981), Thiền uyển tập anh (1990…), v.v.

    - Và khoảng 37 công trình biên khảo như: Bình luận về sách Khoá hư (1933), Đạo đức luân lý Đông Tây (1925), Đạo giáo (1923), Đạo làm người của Nguyễn Công Trứ (1962), Học thuyết Mặc Tử (1942), Khảo về lịch sử luân lý nước Tàu (? Nguyễn Hữu Tiến), Khảo về học thuật tư tưởng nước Tàu (Nam phong, số 28, 29), Khảo về sách Xuân thu tả truyện (Nam phong, số 22, 26), Khổng Tử học thuật (1943), Nghi lễ phổ thông (1930), Nho giáo (1930…), Phật giáo đại quan (?), Phật giáo lược khảo (1920), Phật giáo tân luận (1934), Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay (?, Trần Trọng Kim), Phật giáo với Nho giáo (1935), Triết lý nhân sinh Nguyễn Công Trứ (1950), Triết lý truyện Kiều (1954), Việt Nam phong tục (1915), v.v.

    4. Giáo dục (kể cả đào tạo và sách giáo khoa):

    - Có khoảng 37 tác phẩm chữ Hán được phiên chuyển sang tiếng Việt hiện đại, như: Ấu học quỳnh lâm (1973), Ấu học tùng đàm (1925), Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (1962), Đăng khoa lục sưu giảng (1968), Gia lễ chỉ nam (tang lễ, thọ lễ, hôn lễ) (1928), Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký (1961 – 1969), Ngũ thiên tự diễn âm (1934 – 1935), Nhị thập tứ hiếu (1928), Nhị thập tứ hiếu thi ca (1910), Phượng Dực đăng khoa lục (1995), Quốc triều đăng khoa lục (1952), Quốc triều hương khoa lục (1993), Tam khôi bị lục, v.v.

    - Và khoảng 21 công trình biên khảo như: Ấu học Hán tự tân thư (Luân lý, Sử ký, Chính trị, Cách trí; ? Đỗ Văn Tâm), Các nhà khoa bảng Việt Nam (1993), Hán văn sơ học tiệp giải (1941), Huấn tử cách ngôn (?, Nguyễn Chánh Sát), Làm con phải hiếu (1914), Nam học Hán tự (1943), Nguồn gốc và phương pháp học chữ Hán (?, Doãn Kế Thiện), Ngữ văn Hán Nôm (1987…), Sơ học sư phạm khoa yếu lược (?, Trần Trọng Kim), Tự học chữ Nôm (1989), Xét về cách dùng chữ đặt câu trong sự học chữ Hán (1932), v.v.

    5. Y học:

    - Chủ yếu là sách dịch từ Hán sang Việt, với khoảng 61 tác phẩm, như Ấu ấu tu tri (1961 – 1962), Bách bệnh cơ yếu (1970), Bách giải trân tàng (1963), Châm cứu sơ bộ thực hành (1956), Hải Thượng Lãn Ông (1942), Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (1992), Hoàng Đế nội kinh tố vấn (1953), Nam dược thần hiệu (1972), Y học thiết trùng (1937), v.v.

    Ở đây, tác phẩm của Tuệ Tĩnh và Lê Hữu Trác chiếm số lượng nhiều nhất.

    6. Địa lý:

    - Chủ yếu là sách dịch từ Hán sang Việt, với khoảng 49 tác phẩm như: Bắc Thành dư địa chí (1969), Đại Nam nhất thống chí (1918…), Đại Việt địa dư toàn biên (1997), Gia Định thành thông chí (1972), Hải Dương phong vật chí (1968), Nghệ An ký (1993), Ô Châu cận lục (1961), Phủ biên tạp lục (1964), Phương Đình dư địa chí (1960), Thanh Hóa quan phong (1972), Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (= Các tổng trấn xã danh bị lãm, 1981) v.v.

    - Về biên khảo, đáng chú ý nhất, có Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ (1999), Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ (1945, 1999), cùng một số sách địa chí thuộc các địa phương biên soạn trong những năm gần đây mà chúng tôi chưa có điều kiện bao quát hết.

    7. Tổng hợp (kể cả quân sự, luật, từ thư, mục lục):

    - Có khoảng 59 tác phẩm dịch từ Hán sang Việt như An Nam chí lược (1960), Binh thư yếu lược (1969…), Châu bản triều Tự Đức (1979), Đại Nam điển lệ toát yếu (1915, 1916), Hoàng Việt giáp tý niên biểu (1963), Hồng Đức thiện chính thư (1959), Huấn địch thập điều (1971), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1993), Kiến văn tiểu lục (1962), Lịch triều hiến chương loại chí (1957…), Minh Mệnh chính yếu (1972), Phương Đình tùy bút lục (1996), Quần thư khảo biện (1995), Vân đài loại ngữ. v.v.

    - Và khoảng 115 công trình biên soạn, như: Bảng tra chữ Nôm (1976), Bảng tra chữ Nôm miền Nam (1994), Bảng tra chữ Nôm sau thế kỷ XVII (1994), Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu (1993), Hán Việt tân từ điển (? Hoàng Thúc Trâm), Hán Việt từ điển (1932, 1936 Đào Duy Anh), Hán Việt từ điển (1942, Thiều Chửu), Lược truyện các tác gia Việt Nam (1971, 1972), Tầm nguyên từ điển (1942), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (1970, 1990), Từ điển từ cổ (2001), Từ điển Việt Hán (1960), Từ điển Hán Việt yếu lược (?, Đào Văn Tập), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (1992), Việt Hán thành ngữ lược biên (?, Nguyễn Can Mộng), v.v.

    DỊCH THUẬT, BIÊN KHẢO NHÌN QUA CHUYÊN NGÀNH VÀ THỜI GIAN

    1. Dịch thuật và biên khảo nhìn qua chuyên ngành.

    Như bảng thống kê cho thấy, trong thế kỷ XX, có khoảng 1347 tác phẩm dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm đã được công bố, trong đó:

    Văn chiếm 579 tác phẩm .

    Sử chiếm 332 tác phẩm.

    Triế t chiếm 87 tác phẩm.

    Giáo dục chiếm 58 tác phẩm.

    Y chiếm 62 tác phẩm.

    Địa chiếm 55 tác phẩm.

    Tổng hợp chiếm 174 tác phẩm.

    Để nhìn rõ những biến động về lượng sách dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm qua thời gian, ta có thể xem đường biểu diễn sau đây:

    BIỂU ĐỒ SO SÁNH LƯỢNG SÁCH DỊCH THUẬT VÀ BIÊN KHẢO
    QUA CÁC CHUYÊN NGÀNH

    Điểm qua tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX  Bieu%20do%20so%20sanh%20dich%20thuat%20han%20nom

    Có thể thấy, trừ sách Tổng hợp ra, thì mảng Văn học, Sử học được dịch thuật, biên khảo nhiều nhất, và mảng Triết học…, Giáo dục, Y học, Địa lý được dịch thuật và biên khảo ít nhất. Mặt khác, nếu đem số sách dịch thuật, biên khảo thuộc các chuyên ngành đối chiếu với trữ lượng hiện có của chúng trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay(11) , ta sẽ thấy lượng sách được công bố so với lượng sách chưa khai thác, chiếm tỉ lệ như sau:

    Văn khai thác được 579/2500, tức chiếm 23,16% trữ lượng.

    Sử khai thác được 332/1000, tức chiếm 33,20% trữ lượng.

    Triết khai thác được 87/600, tức chiếm 14,50% trữ lượng.

    Giáo dục khai thác được 58/450, tức chiếm 12,89% trữ lượng.

    Y khai thác được 62/300, tức chiếm 21% trữ lượng.

    Địa khai thác được 55/300, tức chiếm 18,33% trữ lượng.

    Như vậy, so với trữ lượng, Sử được khai thác nhiều hơn Văn và nhìn chung, trên mọi chuyên ngành, số sách được dịch thuật, biên khảo còn chiếm một tỉ lệ quá thấp so với những gì mà chúng đang có.

    2. Dịch thuật và biên khảo nhìn qua thời gian.

    Cũng từ bảng thống kê trên, ta thấy số sách dịch thuật, biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm được công bố qua từng chặng thời gian 5 năm một trong thế kỷ XX như sau:

    1900 – 1905 : 6 tác phẩm

    1906 – 1910 : 9 tác phẩm

    1911 – 1915 : 18 tác phẩm

    1916 – 1920 : 34 tác phẩm

    1921 – 1925 : 56 tác phẩm

    1926 – 1930 : 76 tác phẩm

    1931 – 1935 : 73 tác phẩm

    1936 – 1940 : 39 tác phẩm

    1941 – 1945 : 54 tác phẩm

    1946 – 1950 : 22 tác phẩm

    1951 – 1955 : 55 tác phẩm

    1956 – 1960 : 106 tác phẩm

    1961 – 1965 : 148 tác phẩm

    1966 – 1970 : 150 tác phẩm

    1971 – 1975 : 149 tác phẩm

    1976 – 1980 : 50 tác phẩm

    1981 – 1985 : 44 tác phẩm

    1986 – 1990 : 40 tác phẩm

    1991 – 1995 : 80 tác phẩm

    1996 – 2000 : 138 tác phẩm

    Để nhìn rõ những biến động về lượng sách dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm qua thời gian, ta có thể xem đường biểu diễn sau đây:

    Điểm qua tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX  Duong%20bieu%20dien%20dich%20thuat%20han%20nom

    Qua đường biểu diễn, ta thấy có 3 thời kỳ sách dịch thuật và biên khảo ra đời nhiều nhất, đó là 1921 - 2935; 1951 - 1980; và 1991 - 2000; trong đó thập niên 1965 - 1975 đạt số lượng cao nhất. Trái lại, có 2 thời kỳ sách dịch thuật và biên khảo xuất hiện ít nhất đó là 1936 - 1950; và 1981 - 1990.

    DỊCH THUẬT, BIÊN KHẢO NHÌN TỪ CẤP ĐỘ VÀ CHẤT LƯỢNG

    1. Cấp độ: Các công trình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX đã được vấn thế dưới nhiều dạng khác nhau.

    - Về mặt dịch thuật, có lược dịch, tuyển dịch và toàn dịch.

    Lược dịch chủ yếu dành cho những tác phẩm dịch thuật xuất bản trong giai đoạn đầu thế kỷ. Thí dụ Danh thần lục của Nguyễn Hữu Tiến là một lược dịch từ nguyên bản chữ Hán Đại Nam liệt truyện; Việt Lam xuân thu của ông là một lược dịch từ nguyên bản chữ Hán Việt Lam tiểu sử do Lê Hoan nhuận sắc và in vào năm 1908(12). Hay Đại Nam nhất thống chí (in trên Đông Dương tạp chí, lớp mới, số 70 - 137), Đại Nam liệt truyện tiền biên (Tạp chí vừa dẫn, số 181 - 192) và Đại Nam chính biên liệt truyện (Tạp chí vừa dẫn, số 192…) của Phan Kế Bính, đều là những lược dịch từ các tác phẩm chữ Hán cùng tên. Hoặc công trình Les chapitres bibliographiques de Lê Quý Đôn et de Phan Huy Chú của Trần Văn Giáp là một lược dịch Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn trong Lê triều thông sử và Văn tịch chí của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí; v.v. Điều này không liên quan gì đến trình độ Hán văn của các dịch giả mà chủ yếu là do chịu ảnh hưởng của lối phóng dịch được sử dụng khá phổ biến vào cuối thế kỷ XIX ở nước ta. Chẳng hạn Trần Gia Du đã lược dịch một số truyện trong tác phẩm chữ Hán của Việt Nam hoặc Trung Quốc ra văn Nôm để in vào Sử Nam chí dị (1877), và sau đó, đến lượt mình, Edmond Nordemann, một giáo chức trường Thông ngôn Pháp tại Sài Gòn lại trích một phần Sử Nam chí dị của Trần Gia Du phiên âm ra chữ Quốc ngữ và in trong cuốn Quảng tập viêm văn (1898) của ông(13).

    Tuyển dịch là phương thức thường được sử dụng đối với loại sách vừa mang tính dịch thuật, vừa mang tính sưu tầm, biên soạn, khảo cứu… như Thơ chữ Hán Cao Bá Quát (1970), Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông (1994), Thơ chữ Hán Nguyễn Du (1959), Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi (1962), Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm (1983), Thơ văn Ngô Thì Nhậm (1978), Tuyển tập thơ Hán Việt (1975), Tuyển tập thơ các vua Trần (1996), Tuyển tập văn bia Hà Nội (1978), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (Tập II: 1962; Tập III: 1963; Tập IV: 1963), v.v.

    Toàn dịch là phương thức được sử dụng rộng rãi nhất, phổ biến nhất đối với việc phiên âm một tác phẩm Nôm ra chữ Quốc ngữ, hoặc phiên chuyển một tác phẩm Hán ra tiếng Việt hiện đại. Thuộc trường hợp đầu, như Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên, Truyện Phạm Công Cúc Hoa, Truyện Thoại Khanh Châu Tuấn… Thuộc trường hợp sau, như Lê Quý Đôn toàn tập (1977), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (Tập I: 1980; Tập II: 1982), Phạm Thận Duật toàn tập (2000), Phan Bội Châu toàn tập (1990)…

    Từ lược dịch, tuyển dịch, đến toàn dịch là một phát triển hợp lôgíc, phản ánh nhu cầu giao lưu ngày càng sâu rộng giữa xưa và nay, truyền thống và hiện đại.

    - Về mặt biên khảo, có cả hai loại công trình ngắn gọn và dài hơi.

    Ngắn gọn, gồm những bài viết hoặc chuyên luận khoa học thuộc lĩnh vực Hán Nôm đăng tải một hay nhiều kỳ trên các tập san, tạp chí như Kỷ yếu của Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp (BEFEO), Đông Dương tạp chí (lớp cũ và lớp mới), Nam phong, Tri tân, Tập san Văn Sử Địa, Nghiên cứu Văn học, Tạp chí văn học, Tạp chí Ngôn ngữ, Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Hán Nôm, v.v.

    Dài hơi, chủ yếu là loại sách công cụ Hán Nôm, sách luận đề, sách chuyên khảo về tác giả, tác phẩm Hán Nôm, kể cả những bộ sách hợp tuyển, toàn tập mà trên kia có nhắc tới.

    Hai loại công trình “ngắn gọn” và “dài hơi” vừa kể đều đồng thời đến với bạn đọc trong suốt chiều dài của thế kỷ XX. Nếu cần một so sánh, thì có thể nói vào nửa đầu thế kỷ, loại “ngắn gọn” xuất hiện nhiều hơn và sang nửa sau thế kỷ, loại “dài hơi” mới có điều kiện phát triển mạnh.

    2. Chất lượng: - Hãy nói trước hết về các công trình dịch thuật. Vào những thập niên đầu thế kỷ, dịch thuật còn mang tính thử nghiệm, mò mẫm trong môi trường xúc tiếp, va chạm văn hóa cũ – mới, Đông – Tây. Nội dung dịch phẩm thuộc về “cựu học”, “Hán học”, trong khi phương tiện chuyển tải, quảng bá lại thuộc về “tân học”, “Tây học”. Rượu cũ, bình mới, dễ có những trục trặc buổi đầu. Công việc dịch thuật, từ chọn đề tài cho đến giám định văn bản và chuyển sang tiếng Việt hiện đại… có thể nói chất lượng đều chưa cao. Vì vậy mà thường xảy ra hiện tượng một tác phẩm phải dịch đi dịch lại nhiều lần rồi mới trụ được với thời gian, thuyết phục được bạn đọc.

    Phải đợi đến những thập niên cuối thế kỷ, khi mà dịch thuật Hán Nôm được nhận thức như là “một khoa học, một nghệ thuật” thực thụ, khả dĩ góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, thì những khó khăn trên mới dần dần được khắc phục, chất lượng dịch thuật cũng bởi thế mà được từng bước nâng cao. Nhiều bản dịch gần đây còn được in kèm theo cả phần nguyên bản chữ Nôm hoặc chữ Hán để bạn đọc tiện đối chiếu khi cần thiết, đấy cũng là một cố gắng đáng khích lệ.

    - Về phía biên khảo, đã có những công trình chững chạc của người Việt Nam bên cạnh các học giả phương Tây trên lĩnh vực Hán Nôm ngay từ những thập niên đầu thế kỷ mà ta có thể kể như Việt Nam phong tục (1915) của Phan Kế Bính, Việt Nam sử lược (1915) của Trần Trọng Kim, Trần Nguyên chiến kỷ (1931) của Thiện Đình, Hán Việt từ điển (1932, 1936) của Đào Duy Anh, Việt Nam văn học sử yếu (1941) của Dương Quảng Hàm, Lược khảo về khoa cử Việt Nam (1941) của Trần Văn Giáp, Việt Nam cổ văn học sử (1942) của Nguyễn Đổng Chi, v.v.

    Trong những thập niên còn lại của thế kỷ XX, đặc biệt là từ khi Ngành Hán Nôm Việt Nam chính thức ra đời, với sự thành lập Ban Hán Nôm (1970), Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1979) và Bộ môn Hán Nôm thuộc nhiều trường Đại học, công tác sưu tầm, biên dịch, khảo cứu, giảng dạy… Hán Nôm bắt đầu hoạt động có tổ chức, có bài bản, chất lượng khoa học của các công trình biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm nhờ vậy mà được nhích lên nhiều so với trước, và trên một vài phương diện cũng đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

    *
    * *

    Trở lên là mấy nét về tình hình dịch thuật và biên khảo thuộc lĩnh vực Hán Nôm trong thế kỷ XX. Mặt đóng góp lớn nhất của dịch thuật, biên khảo giai đoạn này là đã giành được một chỗ đứng tuy còn khiêm tốn cho cổ học Việt Nam trước sự chèn ép, tấn công từ nhiều phía của các trào lưu “tân học”. Mặt khó khăn của nó là như đã thấy, do ảnh hưởng của thời cuộc mà lượng sách xuất bản lên xuống thất thường, đề tài lựa chọn thiếu cân đối và tỉ lệ khai thác còn quá thấp so với tiềm năng, trữ lượng.

    Tất cả, theo thiển nghĩ, đều là những bài học bổ ích cho công tác dịch thuật, biên khảo Hán Nôm trong thế kỷ XXI.

    CHÚ THÍCH:

    1. Xem Trần Nghĩa, “Những vấn đề mới đặt ra trong việc dịch từ Hán sang Việt hôm nay”, in trong Dịch từ Hán sang Việt, một khoa học, một nghệ thuật, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1982, tr.13 - 23.

    2. “Lĩnh vực Hán Nôm” ở đây, xin được hiểu như “Ngành Hán Nôm”. Sở dĩ không dùng “Ngành Hán Nôm”, vì cụm từ này chỉ thực sự ra đời vào nửa sau thế kỷ XX, khi Ban Hán Nôm (1970), rồi Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1979)… được thành lập. Nghĩa là nó chưa bao quát được cho cả thế kỷ.

    3. Lược truyện các tác gia Việt Nam, Trần Văn Giáp chủ biên; Tập I, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1971; Tập II, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1972.

    4. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Trần Văn Giáp soạn; Tập I, Thư viện Quốc gia xuất bản, Hà Nội, 1970; Tập II, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1990.

    5. Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu, Trần Nghĩa và Franỗois Gros chủ biên, 3 tập, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1993.

    6. Nguyễn Đổng Chi, “Thư mục Hán Nôm và nguồn tư liệu thư tịch cũ của Việt Nam”, in trong tạp chí Khảo cổ học, 1986.

    7. Luận văn Cử nhân Khoa học Thông tin Thư viện của Phạm Thị Huệ (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Hà Nội, 1999.

    8. Mục lục phiên dịch, gồm 6 hộp phiếu (46, 47, 48, 49, 50, 51), Tủ phiếu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Câu dẫn, trích từ Lời giới thiệu tủ phiếu, do Dương Thái Minh, Trưởng phòng Thông tin - Tư liệu - Thư viện Viện Hán Nôm soạn. Điều đáng chú ý là trong bộ mục lục này, có giới thiệu cả những tư liệu dịch chưa xuất bản (còn ở dạng đánh máy).

    9. Trong bảng thống kê này, các số liệu (1, 2, 3…) về sách đã công bố được xếp theo các chuyên ngành như Văn, Sử, Triết v.v… ở từng chuyên ngành như thế, sách lại chia thành các loại dịch thuật (DT), biên khảo (BK) và tính theo thời gian 5 năm một cho tiện theo dõi. Cuối mỗi hàng ngang (thời gian) và cột dọc (chuyên ngành) có ghi tổng số sách dịch thuật, biên khảo và cả dịch thuật lẫn biên khảo của hàng đó, cột đó. Về cách thống kê, một cuốn sách có thể được tính cùng lúc ở nhiều khoản mục thuộc hàng ngang, hay cột dọc, nếu nội dung, tính chất hoặc lần xuất bản của sách trực tiếp liên quan tới các khoản mục thuộc hàng ngang hoặc cột dọc ấy.

    10. Dấu hoa thị “*” chỉ tác phẩm được phiên chuyển từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ, để phân biệt với số còn lại không có dấu hoa thị, chỉ tác phẩm được phiên chuyển từ chữ Hán ra tiếng Việt hiện đại.

    11. Xem Trần Nghĩa, “Dẫn luận”, in trong Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Sđd., tr.24.

    12. Xem Việt Lam xuân thu, Bd của Trần Nghĩa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1999, phần Giới thiệu văn bản, tr.12.

    13. Xem Nguyễn Nam, Lược dịch Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX; Tạp chí Hán Nôm số 1 - 1998, tr.20-31. Đáng chú ý là trong Quảng tập viêm văn, nhiều truyện Nôm quen thuộc của ta cũng được sớm phiên âm ra chữ Quốc ngữ, như Bích Câu kỳ ngộ, Kim Vân Kiều, Nhị độ mai, Phan Trần, Nữ Tú tài, Phương Hoa, Nhị thập tứ hiếu diễn ca, Cung oán, Chinh phụ ngâm, Thu dạ lữ hoài ngâm, Trinh thử, v.v (Xem Nguyễn Nam, bài đã dẫn, chú thích 2, tr.29-30).

    http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1164:im-qua-tinh-hinh-dch-thut-va-bien-kho-thuc-lnh-vc-han-nom-trong-th-k-xx&catid=65:han-nom&Itemid=153


      Hôm nay: 29th March 2024, 06:22