Learn

The forum of documents and methods for studying - Lượm lặt kiến thức


    [site] Từ điển lóng tiếng Việt

    QaniTri
    QaniTri
    Admin

    Nam Libra Monkey
    Tổng số bài gửi : 1568
    Tiền xu Ⓑ : 3891
    Được cảm ơn № : 6
    Ngày khởi sự Ngày khởi sự : 07/01/2013
    Đến từ Đến từ : HCMC
    Côngviệc / Sởthix Côngviệc / Sởthix : Languages, Softwares, Sciences, Martial arts

    [site] Từ điển lóng tiếng Việt Empty [site] Từ điển lóng tiếng Việt

    Bài gửi by QaniTri 22nd March 2016, 15:13

    Giới thiệu Sách: Sổ Tay Từ – Ngữ Lóng Tiếng Việt

    by on May 25, 2013


    [site] Từ điển lóng tiếng Việt Tienglong2
    Sổ Tay Từ – Ngữ Lóng Tiếng Việt
    Trong ngôn ngữ, tiếng lóng hay từ ngữ lóng tồn tại và hoạt động như một phương tiện giao tiếp đặc biệt, xuất hiện, biến đổi và thường được dùng chủ yếu trong các nhóm xã hội có cùng mục đích hoạt động (buôn bán, chơi bời, trộm cắp) hoặc cùng một nhiệm vụ (học sinh, quân đội…). Chính vì vậy, ngành ngôn ngữ học đã coi tiếng lóng là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học xã hội. Cho đến nay, trong giới nghiên cứu vẫn chưa có được một quan niệm thỏa đáng và thống nhất về bản chất, quá trình hình thành của từ ngữ lóng nói chung, giá trị giao tiếp và vị trí của tiếng lóng trong sự phát triển ngôn ngữ và trong đời sống xã hội. Trên lập trường ngôn ngữ học xã hội, từ ngữ lóng là một tiểu hệ thống trong hệ thống từ vựng chung của một ngôn ngữ, đặc trưng cho một loại phương ngữ xã hội (phân biệt với phương ngữ địa lý) ứng với các nhóm xã hội hoạt động tại một mục đích chung, một nhiệm vụ chung hoặc một thuộc tính tâm lí chung theo quan điểm phân tầng xã hội và phân tầng ngôn ngữ. Và, quan niệm về tiếng lóng cũng đã có những điểm khác so với cách hiểu phổ biến trước đây. Tiếng lóng xuất hiện không chỉ trong nhóm người làm nghề bất chính nhằm mục đích giữ bí mật điều nói ra (bí ngữ) mà được dùng trong một nhóm người hẹp, mà còn bao gồm cả từ ngữ được tạo ra theo cách nói trại, nói chệch, nói ví von, mô phỏng, liên tưởng trên cơ sở các từ ngữ có sẵn trong ngôn ngữ nhằm tạo ra sự phong phú, tinh tế, ấn tượng trong nói năng. Ví dụ:Anh hùng xa lộ – kẻ đi xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, thích đua xe; Bóc lịch – bị tỏ tù, v.v… Khi tạo ra và sử dụng từ ngữ lóng, các nhóm xã hội này vẫn sử dụng một cách bình thường hệ thống ngữ âm, ngữ pháp của ngôn ngữ chung.
    Hiện nay có một thực tế khó có thể phủ nhận là tiếng lóng ngày càng trở nên phổ biến và thâm nhập sâu rộng vào giao tiếp xã hội, đặc biệt là trong ngôn ngữ thường ngày của giới trẻ. Đáng tiếc rằng, cho đến nay chúng ta chưa có những cuốn từ điển hoặc những thống kê từ vựng phản ánh đầy đủ vốn từ ngữ lóng và đặc điểm hoạt động của chúng trong giao tiếp ngôn ngữ người Việt.
    Trong bối cảnh đó, việc biên soạn những cuốn từ điển, những sưu tập phân loại từ ngữ lóng tiếng Việt hiện nay là hết sức cần thiết và rất cần được khuyến khích. Nó cần thiết cho người đọc, người học và cho cả các nhà nghiên cứu, nó cần thiết cho hôm nay và cho cả về sau – lưu lại dấu vết và nguyên lai của các từ ngữ lóng là lớp từ nhanh chóng sinh ra rồi nhanh chóng chết đi như những lớp mùn ngôn ngữ.
    Cuốn Sổ tay từ – ngữ lóng tiếng Việt này, dù được thực hiện không phải bởi các chuyên gia ngôn ngữ học và chưa hoàn chỉnh – với những hạn chế mà chính các tác giả của nó chân thành nói rõ trong Lời người làm sách – cũng là một đóng góp rất đáng quý cho mọi người và cho các nhà ngôn ngữ học. Có thể nói, từ trước đến nay đây là cuốn sách tập hợp được nhiều nhất vốn từ ngữ lóng trong tiếng Việt với lời giải nghĩa khá thỏa đáng.
    Hi vọng rồi đây, công việc này sẽ được tiếp tục, với niềm say mê và sự am hiểu tường tận tích luỹ trong quá trình học và hành của chính những tác giả này hoặc của các nhà nghiên cứu chuyên và không chuyên khác, chúng ta sẽ có thêm nhiều những công trình đáp ứng được đòi hỏi khách quan của sự phát triển ngôn ngữ – văn hóa và đời sống xã hội Việt Nam.
    Hà Nội, 20/11/2007
    Giáo sư – Tiến sĩ Ngôn ngữ học NGUYỄN NHƯ Ý
    .

    LỜI NGƯỜI LÀM SÁCH

    I. Đặt vấn đề
    1. Tiếng lóng là một hiện tượng ngôn ngữ học xã hội khá phức tạp và theo chúng tôi, ở nước ta chưa được để tâm nghiên cứu và khai thác một cách thoả đáng. Chứng cứ là, trong sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của ngôn ngữ giao tiếp thời hiện đại và hội nhập, trong đó tiếng lóng, như một thành phần của khẩu ngữ bình dân, đặc biệt nở rộ và biến hoá, mà đến nay, như chúng tôi biết, toàn bộ vốn liếng khảo cứu chuyên luận về vấn đề này, chất lượng như thế nào chưa nói, về số lượng thì mới chỉ có cuốnTiếng lóng Việt Nam của tác giả Nguyễn Văn Khang in từ năm 2001. Nhiều vấn đề lí thuyết chưa được giải quyết và cập nhật, khối lượng khá lớn từ, ngữ lóng chưa được thống kê, xử lí và “giải mã” đầy đủ. Cho nên có không ít người nghe, đọc sách, báo, internet gặp nhiều từ đã hiểu sai hoặc không hiểu mà chẳng biết tra hỏi ở đâu. Đã có nhà thơ danh cao chức trọng tặng bạn hai câu Bạn chừ đóng gạch nơi đâu, Văn chương lấm láp vêu vao mặt người, nghe hay thì thật là hay mà cũng buồn/cười đáo để! Lại một nhà thơ khác nhiều năm trước đã viết nên câu thơ Mưa như xóc lọ giữa trời… mà nay đọc lên hẳn nhiều người phải mỉm cười ngộ nghĩnh.
    2. Tập sách Sổ tay từ – ngữ lóng tiếng Việt này của chúng tôi cố gắng tập hợp thật nhiều những từ, ngữ lóng đã và hiện có trong tiếng Việt – theo quan niệm mở rộng vàchủ quan của chúng tôi, với hi vọng sẽ ít nhiều giúp cho người đọc có thể tra cứu khi cần thiết, chủ động tiếp xúc và tiếp nhận có chọn lọc nguồn bổ sung sống động và tươi mới cho vốn từ vựng của cá nhân và của cả cộng đồng. Chúng tôi chưa dám gọi đây là Từ điển trước hết vì những người biên soạn không phải là những nhà ngôn ngữ học nên không giải quyết được vấn đề lí thuyết cơ bản: Tiếng lóng là gì? Và sở dĩ chúng tôi nói chủ quan là vì chúng tôi không hoàn toàn căn cứ theo những định nghĩa tiếng lóng đã có trong các sách nghiên cứu tiếng Việt; chúng có khá nhiều nhưng cũng chưa hoàn toàn thống nhất và có chỗ không còn hợp với thực tế phát triển của ngôn ngữ hiện đại. Chẳng hạn, trước đây các nhà ngôn ngữ cho rằng “Tiếng lóng là một thứ tiếng ước lệ có tính chất bí mật, một lối nói kín của bọn nhà nghề dùng để che giấu những ý nghĩ, việc làm của mình cho người khác khỏi biết.” (Lưu Vân Lăng)(1), “Nó không phải là công cụ giao tế của xã hội mà chỉ là một số từ với ý nghĩa bí hiểm của một nhóm người với mục đích không cho người khác biết” (Nguyễn Văn Tu)(2), v.v…; nhưng theo chúng tôi, ngày nay tiêu chí “bí mật” không còn là nhất thiết đối với một bộ phận khá lớn tiếng lóng nữa (chẳng hạn như cách nói Lý Thường Kiệt, Yết Kiêu, A Kay, Áo mưa… không phải vì mục đích giữ kín, che giấu). Hoặc quan niệm tiếng lóng có nghĩa xấu, tập trung chủ yếu vào các nhóm xã hội giang hồ, lưu manh, tù tội, mại dâm, buôn gian bán lận… cũng  cần  phải được xem lại. Thực tế tiếng Việt hiện đại cho thấy, tiếng lóng ngày càng mở rộng hơn, được nhiều nhóm xã hội sử dụng hơn, ngày càng có xu hướng phát triển mạnh mẽ, nhất là đối với giới trẻ đô thị và chúng còn được sử dụng nhiều trong tầng lớp trí thức, doanh nhân… Hầu như nhóm xã hội nào có cái gì chung về sinh hoạt hay công việc… thì đều có tiếng lóng của riêng mình. Có thể thấy rằng có bao nhiêu nhóm xã hội thì có bấy nhiêu kiểu tiếng lóng khác nhau. Cho nên ở đây, để tiện lợi cho công việc, chúng tôi quan niệm Tiếng lóng là loại ngôn ngữ riêng của một nhóm xã hội nhằm tạo ra sự tách biệt với những người không liên đới; sự tách biệt này có thể là nhằm mục đích giữ bí mật, nhưng cũng có thể chỉ nhằm tạo ra một nét riêng cho nhóm xã hội mình.
    3. Từ đó chúng tôi cho rằng tiếng lóng có những đặc điểm sau:
    - Tiếng lóng là một phương ngữ xã hội (vì chúng do các nhóm xã hội tạo ra, chủ yếu được sử dụng trong nhóm xã hội ấy; sự thay đổi của chúng phụ thuộc vào bối cảnh xã hội).
    - Tiếng lóng chỉ được dùng trong giao tiếp không nghi thức và có giá trị trong một phạm vi xã hội hạn hẹp.
    - Tiếng lóng có tính chất lâm thời, chúng là một hiện tượng kí sinh vào tiếng Việt, xuất hiện và mất đi, thay đổi thường xuyên, không ngừng.
    4. Từ – ngữ lóng được cấu tạo bằng những cách sau:
    - Sử dụng từ – ngữ toàn dân với một nghĩa khác. Ví dụ: Các từ Áo khoácÁo mưaÁo tơiGiàyMũ… trong từ toàn dân có nghĩa lóng là bao cao su.
    - Sử dụng những yếu tố từ vựng không được dùng độc lập trong ngôn ngữ toàn dân như những từ độc lập. Ví dụ: Nghếch: ngốc; Xề: xấu.
    - Biến đổi vỏ ngữ âm của từ – ngữ trong ngôn ngữ toàn dân. Ví dụ: Sôi me: sôi máu;Xế: xe.
    - Sử dụng tên riêng (tên người, địa danh, tên phim, bài hát…). Ví dụ: Thị Nở: người phụ nữ xấu xí; Yết Kiêu: kiêu căng.
    - Dùng từ/tổ hợp từ có sẵn chứa một đơn vị đồng âm với từ muốn nói. Ví dụ: A kay: cay (tức tối vì bị thất bại hoặc không làm được điều mà mình mong muốn); A kay con chim cú: cay cú.
    - Dùng từ nói lái. Ví dụ: Chà đồ nhôm: chôm đồ nhà; Đâm chuột: đi tắm (chuột là tí, đâm chuột là đâm tí, nói lái thành đi tắm).
    - Dùng tiếng lóng sẵn có và biến đổi theo hướng mới cả về hình thức biểu đạt lẫn nội dung ngữ nghĩa. Ví dụ: Thông tấn xã con vịt bầu: tin vịt.
    - Phục hồi tiếng lóng cũ. Ví dụ: Ổ quỷ: nơi chứa chấp và hành nghề mại dâm; Làm gỏi: giết chết; Thuốc: lừa.
    - Được cấu tạo mới nguyên. Ví dụ: Lộ password: phụ nữ bị lộ dây áo con hay cạp quần lót; Dế: điện thoại di động.
    - Mượn từ nước ngoài (sử dụng như những tiếng bồi hoặc sử dụng theo trật tự từ tiếng Việt)(1): A sê nôn (Arsenal): nôn, ói mửa; No have water mother: không có tí nước mẹ nào cả.
    5. Về thái độ đối với tiếng lóng, đến nay tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau.
    Quan điểm thứ nhất cho rằng tiếng lóng là hiện tượng không lành mạnh và kiên quyết gạt nó ra khỏi ngôn ngữ văn hoá. “Những tiếng lóng này không làm cho ngôn ngữ phong phú thêm lên mà chỉ làm cho nó bị tê liệt với số lượng từ đông đảo, nay sinh mai chết”(2); “Khác biệt ngữ, tiếng lóng có nghĩa xấu”(3).
    Quan điểm thứ hai thì đề nghị chấp nhận những từ lóng “tích cực” nhằm bổ sung cho ngôn ngữ toàn dân: “Không lên án toàn bộ song cũng không chấp nhận tất cả”(1);“Những tiếng lóng không thô tục, mà chỉ là những tên gọi có hình ảnh của sự vật, hiện tượng nào đó có thể được dùng phổ biến, dần dần thâm nhập vào ngôn ngữ toàn dân. Trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, tiếng lóng được dùng làm một phương tiện tu từ học để khắc hoạ tính cách và miêu tả hoàn cảnh sống của nhân vật”(2).
    Nhưng mặc các nhà nghiên cứu tranh luận, trong thực tế cuộc sống thì thứ ngôn ngữ ấy vẫn nảy sinh và mất đi một cách không ngừng, ngày càng phát triển, được nhiều tầng lớp xã hội sử dụng, được những người viết đưa vào tác phẩm văn học, báo chí của mình như một phương tiện tu từ học nhằm phản ánh sinh động đời sống xã hội và tính cách nhân vật, làm tăng giá trị biểu đạt của tác phẩm. Những từ lóng sinh ra, tồn tại chính thức trong một phạm vi xã hội hạn hẹp, nhưng không ổn định, nhiều từ dần dần biến mất (hoặc chúng không còn được sử dụng nữa; hoặc chúng được giải mã, đi vào vốn từ chung của toàn dân, được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày và trong các văn bản hành chính, các ấn phẩm báo chí hay các tác phẩm văn học). Bên cạnh những từ lóng bị biến mất thì hàng ngày, hàng giờ, trong các nhóm xã hội lại xuất hiện thêm những từ lóng mới. Dù được chấp nhận hay bị phản đối thì tiếng lóng của người Việt vẫn là một bộ phận của ngôn ngữ tiếng Việt, và có thể nói, thuộc loại năng động nhất. Trong xu hướng bình dân, dân chủ hoá mọi hoạt động xã hội, văn chương, nghệ thuật Hậu hiện đại, tiếng lóng càng có vị trí và vai trò quan trọng cần được quan tâm.
    6. Do đó, chúng tôi mạnh dạn biên soạn cuốn Sổ tay từ – ngữ lóng tiếng Việt này với X mục từ, thu thập những từ lóng đang được sử dụng trong đời sống hàng ngày của các nhóm xã hội khác nhau và cả những từ lóng đã chết, tức là những từ lóng không được sử dụng nữa. Sở dĩ chúng tôi thu thập cả những từ lóng đã chết vì tuy hiện nay chúng không còn được sử dụng nhưng vẫn tồn tại trong các tác phẩm văn học, báo chí; và muốn đọc, hiểu được các văn bản này thì cần phải hiểu biết nghĩa của những từ ngữ lóng trong đó. Mặt khác, đây cũng sẽ là những cứ liệu cần thiết cho việc nghiên cứu tiếng lóng nói riêng và lịch sử phát triển ngôn ngữ nói chung.
    Dù đã cố gắng, nhưng chắc tập sách vẫn còn rất nhiều thiếu sót, số lượng các từ chúng tôi tìm kiếm được hẳn chưa đầy đủ và chuẩn xác, quy cách biên soạn vẫn cần được cải tiến. Hi vọng với sự góp ý, giúp đỡ của đông đảo bạn đọc và sự quan tâm của các nhà chuyên môn, chúng ta sẽ tiếp tục bổ sung, cải tiến để có được một cuốnTừ điển từ lóng tiếng Việt hoàn chỉnh – sự phát triển của ngôn ngữ Việt hiện đại đang rất cần những khai thác và khảo cứu kĩ lưỡng, khoa học về vấn đề này.
    II. Quy cách biên soạn
    Cuốn Sổ tay từ – ngữ lóng tiếng Việt được biên soạn theo những quy tắc sau:
    1. Bảng từ, các đầu mục từ và chính tả
    1.1. Bảng từ được chúng tôi thu thập gồm:
    - Những từ – ngữ (1) lóng đã chết. Việc này cần thiết để hiểu các tác phẩm văn học, các văn bản trước đây có sử dụng chúng; hơn nữa, chưa có cuốn từ điển nào lưu giữ những từ ngữ lóng tiếng Việt qua quá trình phát triển nên chúng tôi cố gắng bước đầu làm công việc này.
    - Những từ lóng trong các tác phẩm văn học.
    - Những từ lóng trên các ấn phẩm báo chí, internet(2).
    - Những từ lóng đang được các nhóm xã hội sử dụng trong đời sống hàng ngày.
    1.2. Đầu mục từ
    - Đầu mục từ được in đậm.
    - Các đầu mục từ được sắp xếp theo thứ tự chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt (A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, G, H, I, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, X, Y) và theo thứ tự dấu giọng (không dấu, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng).
    1.3. Chính tả
    - Chính tả trong cuốn Sổ tay từ – ngữ lóng tiếng Việt này theo đúng các Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt trong các sách giáo khoa, được ban hành theo Quyết định số 124/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
    - Những từ lóng mượn từ từ nước ngoài (dùng như những tiếng bồi hoặc dùng với một nghĩa khác hẳn nghĩa của từ) được ghi lại theo lối phiên âm phổ biến trong những năm gần đây, bên cạnh có chú những từ nguyên bản.
    2. Định nghĩa từ
    - Một từ có nhiều nét nghĩa khác nhau thì các nét nghĩa đó được phân biệt với nhau bằng số thứ tự 1, 2, 3,…
    - Các từ được định nghĩa theo kiểu phân tích nội dung ngữ nghĩa của từ. Trong một số trường hợp cần thiết thì nêu rõ phạm vi sử dụng của từ, khả năng kết hợp của từ, có chú ý sự khác nhau với những từ đồng nghĩa (nếu có).
    3. Ví dụ
    - Ví dụ nhằm bổ sung và minh hoạ cho định nghĩa từ, làm rõ sắc thái, phạm vi sử dụng của từ; chúng tôi đặc biệt chú trọng đến ví dụ trong những trường hợp định nghĩa chưa đủ để hiểu đầy đủ nghĩa và cách dùng từ.
    - Các ví dụ hoặc do người biên soạn đưa ra dựa trên tư liệu sẵn có, từ thực tế cuộc sống và kiến thức của mình, hoặc được dẫn từ các tác phẩm văn học, báo chí và internet, không nhất thiết phải là tác phẩm phổ biến, chính thống, miễn là phản ánh đúng nghĩa của từ – ngữ được dùng.
    - Các ví dụ minh hoạ cho từ được in nghiêng.
    - Nguồn dẫn của các ví dụ được để trong ngoặc đơn.
    4. Tham khảo chéo
    - Để chuyển chú một đơn vị từ vựng này (A) sang một đơn vị từ vựng khác (B) mà hai đơn vị từ đó đồng nghĩa với nhau, ta dùng: B Xem A. Ví dụ: Áo khoác Xem Áo giáp.
    - Để chuyển chú một hình thức chính tả này (A) sang một hình thức chính tả khác (B) ta dùng: A Cv B. Ví dụ: Màu hồ Cv Mầu hồ.
    5. Một số hạn chế
    Chúng tôi tự biết trong việc biên soạn cuốn Sổ tay từ – ngữ lóng tiếng Việt này còn mấy điểm sau chưa làm được, hi vọng chúng sẽ được khắc phục, bổ sung ở các công trình khác sau này:
    - Chưa chỉ rõ được không – thời gian phát sinh và tồn tại của từng từ lóng cụ thể (nhóm xã hội, môi trường, thời điểm xuất hiện và mất đi, v.v…), mặc dù chúng tôi biết rằng đây là điều hết sức cần thiết cho việc nghiên cứu ngôn ngữ và xã hội;
    - Chưa đưa được đầy đủ và có sức thuyết phục các thí dụ trích từ các tác phẩm văn học và báo chí tiêu biểu; một số thí dụ được soạn chưa tiêu biểu;
    -          Chắc chắn còn rất nhiều từ – ngữ lóng chưa được đưa vào cuốn Sổ tay… này; số lượng từ – ngữ lóng đưa vào sách cũng không trải đều liên tục và hệ thống theo thời gian, mà chỉ tập trung vào những thời điểm và nhóm xã hội chúng tôi có điều kiện thu thập được.
    -          Chưa chú rõ từ loại (danh, động, tính từ, v.v…) và sắc thái biểu đạt tu từ của  từng từ  – ngữ lóng cụ thể.
    Tuy nhiên, với tất cả những thiếu sót trên và nhiều khiếm khuyết khác, chúng tôi vẫn mạnh dạn cho ra đời cuốn Sổ tay từ – ngữ lóng tiếng Việt nhỏ này, với hi vọng sẽ ít nhiều mang đến cho quí bạn đọc và cả các nhà nghiên cứu nhũng điều bổ ích và thú vị.
    Mọi ý kiến giúp đỡ, trao đổi xin gửi về: Ban biên tập sách, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, nhà 11A, Trần Quí Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội; Email:hdongtay@gmail.com; bientap@dongtay.com.
    III. Bảng từ viết tắt
    ANTG: An ninh thế giới
    KHXH: Khoa học xã hội
    SVVN: Sinh viên Việt Nam
    VHTT: Văn hoá thông tin
    CAND: Công an nhân dân
    LĐXH: Lao động xã hội
    Nxb: Nhà xuất bản
    tr.: Trang
    Cv: Cũng viết

    TRÍCH:

    A
    A kay Cay, cay cú (tức tối vì bị thất bại hoặc không làm được điều mà mình mong muốn). Hôm qua thằng bạn mày bị một vố có vẻ a kay lắm đấy.
    A kay con chim cú Cay cú. Chúng nó rủ nhau đi karaoke mà không thèm gọi tao, a kay con chim cú không chịu được.
    A la đanh (Aladin) Người nghiện ma tuý (thường nói về những kẻ ngồi bàn đèn). Khu vực này an ninh ngày càng kém vì số lượng các “a la đanh” ngày một nhiều.
    A lô 1. Mồm. Cẩn thận không tao đánh cho vỡ a lô bây giờ2. Thông báo (bằng điện thoại). Có tin gì mới thì a lô cho tao biết với nhé. 3. Nôn mửa, ói (do say rượu bia).Uống nhiều quá, lại chơi bia lẫn rượu nên a lô ngay tại trận.
    A sê nôn (Arsenal) Ói mửa, nôn (do say rượu bia). Uống vừa vừa thôi không lại a sê nôn ra đây thì không ai dọn cho đâu!
    A xít Chua ngoa. Con bé ấy nhìn thì hiền thế thôi chứ a xít lắm đó.
    À ơi Dụ dỗ, tán tỉnh, lừa phỉnh người khác. Thằng kia, mày định à ơi để lừa tao đấy hả? Nhìn lại “hàng” đi con ạ!
    Ác dâu Kẻ làm nghề sát sinh súc vật. Bây giờ hắn thôi không làm nghề chọc tiết lợn nữa. Hình như hắn sợ trời quả báo những kẻ ác dâu như hắn.
    Ái 1. Ái nam ái nữlưỡng tính. Cái thằng mới chuyển về lớp mình ấy đúng là ái rồi, trông biết ngay, cứ ưỡn à ưỡn ẹo trông phát ghét! 2. Đồng tính.
    Ám trời sáng Đang đêm. Bọn đạo chích này chủ yếu hoạt động lúc ám trời sáng.
    Án tù mù Tập trung cải tạo.
    Anh bạn nhỏ Dương vật. Mỗi bạn trai chỉ có duy nhất một “anh bạn nhỏ”, hãy gìn giữ cẩn trọng!
    Anh cả Người (đàn ông) được coi là thủ lĩnh, đáng nể sợ nhất trong một nhóm giang hồ, chơi bời. Chíp hôi, định vượt mặt anh cả mày đấy hả?
    Anh chị Những kẻ cầm đầu hoặc được coi là sừng sỏ trong các nhóm chơi bời, lưu manh, giang hồ. Tối nay các tay “anh chị” họp đủ mặt ở nhà Năm Sài Gòn. (Nguyên Hồng, Bỉ vỏ,Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr.65).
    Anh hai Bố (đẻ). Hôm qua tao sang nhà màybị anh hai mày sạc cho một trận vì tội rủ rê mày đi lắc.
    Anh hùng núp Chỉ những cảnh sát giao thông núp ở chỗ khuất để cố ý rình phạt người vi phạm luật lệ giao thông. Mày qua ngã tư đi đứng cẩn thận, nhìn cho kĩ vào! Anh hùng núp bây giờ nhiều lắm!
    Anh hùng xa lộ Những kẻ đi xe máy với tốc độ nhanh, thích đua xe. Đoạn đường này là nơi lí tưởng để các “anh hùng xa lộ” thể hiện tài “xé gió” của mình.
    Ánh chim câu Câu kéo (dụ dỗ một cách khéo léo để kiếm lợi). Thằng này nhìn thì khôn thế mà lại để cho gái nó ánh chim câu.
    Ánh trăng rằm Người yêu, tình nhân. Ánh trăng rằm đâu mà hôm nay đi một mình buồn vậy?
    Áo Những “trai nhảy” có khả năng đi khách với mọi đối tượng. Thằng kia trông biết ngay là “áo”.
    Áo đình chiến Áo bầu, loại áo phụ nữ mặc khi mang thai. Một anh Mẽo như than hầm đen lánh, Dẫn một nàng “Ðầm Giao Chỉ” mang bầu, Ðứng bên hàng “Áo đình chiến” rất lâu, Áo ngắn quá, nàng mặc vào khi thử. (“Chợ Tết”, members.optusnet.com.au).
    Áo giáp Bao cao su (dùng để tránh thai và phòng tránh một số bệnh lây lan qua đường tình dục). Bây giờ mày muốn chiến đấu thì phải cẩn thận, trang bị áo giáp đàng hoàng không thì ngỏm củ tỏi đấy.
    Áo khoác Xem Áo giáp.
    Áo mưa XemÁo giáp.
    Áo tơi XemÁo giáp.
    Áo vàng 1. Công an nhân dân. Bọn này tuy ngổ ngáo thế nhưng hễ thấy bóng áo vàng là biến mất tăm. 2. Cảnh sát giao thông. Chính nhờ những bóng áo vàng, trong những ngày của tuần lễ APEC, có mặt khắp nơi trên những phố chính mà thành phố bỗng đẹp đẽ vô cùng, hoa cúc vàng tươi trên hè và dưới đường dân tình đi lại cũng rất nghiêm chỉnh.(Mộc Miên, “Văn hoá giao thông” của cộng đồng, vietnamnet.vn, 12/12/2006)
    Áo xanh Công an vũ trang.
    Ảo Trạng thái ảo giác do phê các loại ma tuý.Hắn là con nghiện kì cựu rồi, bây giờ có cho cắn lắc hay tài mà đều vô nghĩa, nhiều khi chơi đến hai điếu tài mà nhưng vẫn không tài nào “ảo” nổi.
    Át chủ bài Người, nhóm người hay một vật, một điều gì đó có vai trò quyết định trong một việc, một thời điểm nào đó. Với sự thông đồng của 2 “tú ông” Kiệm và Tấn, Huệ trở thành át chủ bài của nhà nghỉ này với cường độ 3-5 lần bán dâm mỗi ngày. (Thuê nhà nghỉ làm nơi bán dâm, ngoisao.net, 16/4/2007).
    Vân vân……….


    (1) Lưu Vân Lăng, Khái luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, 1960, tr.75.
    (2) Nguyễn Văn Tu, Từ vựng học tiếng Việt hiện đại, Nxb Giáo dục, H., 1968, tr.132.
    (1) Theo một số nhà nghiên cứu thì những từ ngữ nước ngoài được dùng như những từ bồi trong tiếng Việt là từ lóng. Trong cuốn Tiếng lóng Việt Nam (Nxb KHXH, 2001), Nguyễn Văn Khang cho rằng ĐaiMát xi mum là lóng. Theo chúng tôi, những từ kiểu như thế (ghi lại cách phát âm các từ  nước ngoài bằng hệ thống chữ cái tiếng Việt và vẫn giữ nguyên nghĩa của nó) không phải là lóng mà chẳng qua là sự quen dùng của người học ngoại ngữ đó. Chúng ta gặp nhiều kiểu từ này trong giao tiếp hàng ngày, thậm chí trên các phương tiện thông tin đại chúng như  Sờ nách ba (snack bar), So ri(sorry), Pho gét (forget), Di lít (delete), Mát xa (massage), Nêm cạc (name card)…
    (2) Hoàng Thị Châu, Tiếng Việt trên khắp miền đất nước, Nxb KHXH, H., 1989, tr.57.
    (3) Đái Xuân Ninh, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Quang, Vương Toàn, Ngôn ngữ học: Khuynh hướng – lĩnh vực – khái niệm (tập 2), Nxb KHXH, H., 1986, tr.177.
    (1) Ý kiến của Trịnh Liễn phát biểu trong Hội nghị “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ” được tổ chức tại Hà Nội tháng 10 năm 1979.
    (2) Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H., 2002, tr.64 – 65.
    (1) “Từ” ở đây xin được hiểu bao gồm cả từ (đượi, giao ban, kẹo xanh…), và ngữ, thậm chí là mệnh đề, câu (như ăn đu đủ không cần thìa, bán thằng miền xuôi nuôi thằng miền ngược, v.v…).
    (2) Tuy nhiên, chúng tôi không đưa vào đây các hiện tượng biến âm, nói (viết) tắt, trại đi đang thịnh hành trên các phòng chat, diễn đàn, blog trong giới trẻ, như  bit (biết), (quá), rùi (rồi), v.v… Đây có thể là công việc của tương lai?

    http://tudienlong.com/gioi-thieu-sach-so-tay-tu-ngu-long-tieng-viet/


      Hôm nay: 19th April 2024, 23:49